• Naomi Tomky
  • BBC Travel

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Một điều khiến tôi yêu thích đi du lịch vòng quanh Mexico đó là hiếm khi nào bạn cách xa nhà vệ sinh.

Đúng là đi vệ sinh tốn khoảng 5 peso (tương đương 0,2 bảng Anh), nhưng giá đó là rẻ cho vài lớp giấy vệ sinh, bệ ngồi sạch sẽ và sự yên tâm.

Nhưng điều mà tôi không biết khi khám phá Oaxaca tháng Năm vừa rồi, trong khi trả vài đồng peso để đổ mồ hôi trải nghiệm từ nhà vệ sinh của nhà thờ thành phố, đi qua vài tiệm đồ sứ và đến khu chợ Abasto sầm uất, đó là tôi không biết mình sẽ bị một cú ngộ độc thực phẩm tào tháo rượt điển hình.

Tôi gọi đó là "tình trạng ngộ độc cá kỳ dị" của tôi.

Khoảng 12 giờ sau một đợt buồn nôn, khi đang ngồi một mình trong phòng khách sạn thì tôi thấy ngón tay và ngón chân bắt đầu tê dại, và cơn tê dại dần lan lên khuỷu tay và mắt cá chân.

Cảm giác đau như kim châm lạ lùng khiến tôi cảm thấy như thể mình tỉnh giấc ở tư thế nằm ngủ kỳ quặc, đầu thì tỉnh nhưng tay chân mình vẫn còn như đang ngủ - chỉ khác là trong trường hợp này, tay chân tôi không từ từ trở về trạng thái bình thường mà cơn tê dại vẫn tiếp diễn.

Tôi đột nhiên nghĩ rằng nếu cơn tê dại đó vẫn tiếp tục, có thể tôi sẽ khó gọi người hỗ trợ khi tôi cần được cứu chữa. Vì vậy tôi hành động, theo suy nghĩ đúng đắn duy nhất mà lúc đó tôi nghĩ ra được: đó là tôi đi bộ xuống phố ăn kem.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Lần đầu tác giả bài viết phát bệnh cực kỳ khó chịu sau khi khám phá khu chợ sầm uất Mercado de Abasto

Cuối cùng sau đó tôi cũng phát hiện ra thủ phạm gây ra tình trạng trên là ngộ độc cá biển: một kiểu ngộ độc thực phẩm lạ lùng và đặc thù vì chất độc có trong một số loài cá.

Ngộ độc dai dẳng

Nó khiến nạn nhân cực kỳ khổ sở trong 12 giờ và hiệu ứng sau đó thường kéo dài nhiều tháng, có khi nhiều năm.

Không có cách nào để kiểm tra xem cá có chất độc hay không và không có cách gì chữa trị, và có vẻ như tình trạng gây ngộ độc này ngày càng trở nên phổ biến khi biến đổi khí hậu làm đại dương ấm dần lên, gây ra nhiều cơn bão hơn, và tình trạng ngộ độc ngày càng lan rộng vì cá được xuất khẩu đi khắp thế giới.

Bởi tôi không chén cả tấn hải sản khi ăn uống ở thành phố Oaxaca nằm trong đất liền mà chủ yếu là ăn những món đặc sản làm từ ngô - như món bánh mì ngô mỏng tlayudas, bánh tetelas và món tamales - nên tôi có thể đoán ra và nghĩ rằng cơn đau của mình là do món gỏi hải sản ceviche mà tôi ăn ở một nhà hàng cao cấp trong trung tâm thành phố.

Nhưng cũng như tất cả những ca ngộ độc thực phẩm khác, nếu không có xét nghiệm từ chính món ăn đó, không cách nào tôi biết chắc chắn được mình bị ngộ độc do đâu.

Và, như sau này tôi sớm nhận ra, việc biết rõ về mối nguy hiểm không hẳn sẽ giúp tôi tránh được nó.

Là người coi ẩm thực là con đường bước vào văn hóa bản địa, tôi xem việc ăn bất cứ gì và mọi thứ tôi tìm được là cách tìm hiểu một điểm đến và con người địa phương thật vui vẻ và đầy thông tin.

Tôi chưa từng tỏ ra nghi ngại với những thứ tôi ăn trong suốt hành trình du lịch - ngoại trừ có lần tôi đã khôn ngoan không ăn món bánh mì hamburger màu xám kỳ quặc trên máy bay của một hãng hàng không Đông Nam Á, thứ đã khiến chồng tôi phát bệnh mấy ngày.

Tất nhiên, điều này cũng khiến tôi gặp nạn vài lần, thường là tôi sẽ bị một đêm khó chịu, chứ chưa có gì nghiêm trọng.

Nhưng khi đứng trong công viên El Llano chiều hôm đó và ăn cây kem vị zapote negro (một loại quả màu đen giống quả hồng), tôi không hề biết nhiều tháng sau đó tôi vẫn còn lãnh chịu hậu quả: vẫn nằm quặn đau trên giường nhà ở Seattle, không ngủ được vì cơn tê liệt và đau như kim châm ở đầu các ngón tay.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thức ăn có thể là cánh cửa tuyệt vời mở ra thế giới văn hóa bản địa khi ta đi du lịch

Theo Tiến sĩ Mindy Richlen, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Hải Dương học Woods Hole, người nghiên cứu các đợt tảo nở hoa độc hại, giải thích rằng ngộ độc cá có thể đến từ việc ăn các loại cá có nhiễm chất độc ciguatoxin, là thứ có trong loại trùng roi xoắn nhiệt đới (là cá thể đơn bào nhỏ xíu) sống dựa vào các vi tảo chủ yếu mọc ở các rạn san hô chết.

Nói đơn giản là: rạn san hô chết là nơi cung cấp thức ăn nhiễm độc cho cá, và đến lượt con người sẽ phát bệnh nếu ăn phải loài cá đã ăn trúng chất độc này.

Lúc ban đầu, ngộ độc cá biển được coi là ngộ độc thực phẩm thông thường, nhưng rốt cuộc nó chuyển thành cơn tê dại trên đầu ngón tay và ngón chân, và có thể xảy ra lặp lại trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Thỉnh thoảng nó gây ra cảm giác kích thích chuyển đổi cảm giác nóng lạnh (một tác dụng phụ may mắn là tôi không bị, nhưng với nhiều người, họ cảm thấy như thể ly nước ngọt ướp lạnh đang làm bỏng họ hoặc khiến họ không lường được là đang uống phải cà phê quá nóng).

Mặc dù nhiệt độ nước biển tăng và những hiện tượng thời tiết liên quan đã khiến tình trạng ngộ độc cá biển được báo chí chú ý giật tít, nhưng chất độc này đã cực kỳ phổ biến trong suốt một thời gian dài.

Từ Thế kỷ 4 trước Công nguyên, Alexander Đại đế được cho là đã cấm binh lính của ông ăn cá vì một căn bệnh được cho là ngộ độc cá biển.

Thật thú vị khi đọc lại mô tả từ Thế kỷ 18 của một trong những thuyền viên trên tàu của Thuyền trưởng James Cook, viết về thứ có vẻ như là ngộ độc cá biển khi họ khám phá vùng Nam Thái Bình Dương trên con tàu HMS Revolution, và so sánh triệu chứng được mô tả với tình cảnh của tôi.

"Các ngón tay, cẳng chân và ngón chân cảm thấy như thể bị tê, nói đúng hơn là tê liệt ở mức nào đó."

Thập niên sau đó, Phó Đô đốc William Bligh có thể đã bị nhiễm độc cá biển sau khi ăn cá nục heo (còn gọi là cá mahi mahi), lúc ông và những người trung thành với ông bị mắc kẹt trên một hòn đảo sau Cuộc nổi loạn trên tàu Bounty, một sự kiện đã được ghi vào sách vở.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Căn bệnh ngày càng phổ biến vì biến đổi khí hậu đã hủy hoại những rặng san hô

Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Bệnh tật (CDC) cho biết có đến khoảng 50.000 ca ngộ độc cá biển được ghi nhận mỗi năm trên khắp thế giới, nhưng không ai thực sự biết kiểu ngộ độc này phổ biến đến mức nào, bởi vì cũng như tôi, nhiều người không thực sự nhận ra họ bị ngộ độc cho đến thời gian rất lâu sau khi họ ăn cá.

Thêm vào đó, cách duy nhất để xác minh xem thực ra con cá đó có bị nhiễm độc không là phải xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Ngộ độc cá biển được cho là nguyên nhân gây ra một số ít vụ chết người trong nhiều năm qua - hầu hết là vì biến chứng do hiệu ứng chất độc tác động lên hệ thần kinh và hệ tiêu hóa - nhưng kiểu ngộ độc này hiếm khi gây chết người.

"Ngộ độc cá biển thường bị coi nhẹ," Richlen cho biết. "Nếu bạn xem trong văn bản, sẽ có ước tính sơ sài từ khoảng '50 đến 500 ngàn người ngộ độc mỗi năm'", bởi vì rất khó biết được thực sự là ai bị ngộ độc.

Cá có chất độc từ trùng roi xoắn có vẻ ngoài không khác biệt gì, nên không có cách nào khả thi để xét nghiệm cá; và dù nấu chín hay đông lạnh cá đều không tiêu hủy chất độc này.

Cũng chưa có phương thức nào giúp chữa hay giải độc được ngộ độc cá từ trùng roi xoắn.

Một ngày sau khi bị ngộ độc, cơn tê tê vẫn còn đâu đó trên bàn tay và bàn chân khi tôi lên máy bay đi Mexico City.

Nhưng cơn tê nhanh chóng giảm dần và tôi quên hẳn nó đi cho đến vài tuần sau đó.

Nằm trên giường sau một bữa ăn sushi ở bán đảo Baja, tôi cảm thấy hệt như đêm đó tại Oaxaca, nhưng không có vấn đề gì với tiêu hóa.

Vì vậy, giống như các bạn đồng trang lứa trong thế hệ thiên niên kỷ, tôi 'tham vấn' bác sĩ Google để xem mình có thể đang bị gì, và cuối cùng tìm thấy thông tin về một chứng bệnh có triệu chứng giống như tôi đang bị.

Thời gian của triệu chứng tiêu hóa ban đầu của tôi ở Oaxaca và cảm giác tê dại liên quan cực kỳ khớp với nhau, nhưng yếu tố giúp tôi xác nhận lại về sự tự chẩn đoán của mình đó là khi tôi đọc đến phần hệ quả lâu dài của việc bị ngộ độc.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Cá có trùng roi xoắn độc không có vẻ ngoài gì khác biệt, chẳng có cách nào dễ dàng để xét nghiệm ra chất độc, và dù ta có nấu chín hay đông lạnh cá, độc tố vẫn không bị tiêu diệt

Thông tin trên mạng ghi chú rằng ngộ độc cá gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và việc lặp lại nhiều lần - như tình trạng tê dại - được cho là có liên quan đến việc ăn một số thức ăn, trong đó có cả món sushi yêu thích của tôi từ thịt cá hồng.

Một thông tin hài hước đó là không ai thực sự biết đó là những món ăn nào, mặc dù có vẻ như cá là nguyên nhân gây ngộ độc, đặc biệt là cá sống ở rặng san hô.

Nhiều nguồn khác như đậu phộng, gà, thịt heo, rượu cồn, caffeine và thậm chí như tập thể dục cũng có thể kích thích gây cơn bệnh.

Lạ lùng là, nhiều tháng sau khi lần đầu bị ngộ độc cá biển, tôi phát hiện ra thức ăn vùng Tứ Xuyên có thể là yếu tố kích thích đặc thù với tôi, mặc dù tôi không biết thứ nguyên liệu hay gia vị nào gây ra điều đó.

Hầu hết các chẩn đoán ngộ độc cá biển dựa vào loại cá mà người đó ăn và vùng đánh bắt cá.

Việc ngộ độc xảy ra cực kỳ phổ biến ở các vùng biển nhiệt đới Caribbe, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - những nơi đầy bãi biển ngập nắng và sôi động vốn luôn khiến dân du lịch mơ đến - và ngộ độc thường từ các loại cá sống ở rặng san hô như cá mú và cá hồng.

Nhưng khi xem qua ảnh chụp trong thực đơn ở nhà hàng tại Oaxaca mà tôi nghĩ mình đã bị ngộ độc cá, bức ảnh chỉ cho thấy tôi đã gọi món "cá trong ngày", được chế biến thành gỏi cá, được ướp trong sốt ớt đen, ăn với dưa leo, hành củ đỏ và ớt habanero.

Dù vĩ độ của Oaxaca nằm trong vùng khuyến cáo của CDC nơi có hầu hết các ca ngộ độc cá (là vùng vĩ độ từ 35 độ Nam đến 35 độ Bắc), nhưng vùng này vẫn chưa ghi nhận có ca ngộ độc chính thức nào.

Vì không biết nguồn gốc cá mà tôi từng ăn cùng với triệu chứng rõ ràng như vậy, Richlen đồng ý rằng có vẻ như tôi bị ngộ độc cá biển.

Nhưng vì tôi chẳng thể làm gì một khi đã bị ngộ độc, cho nên chẩn đoán chính thức (có cách để xét nghiệm ra ngộ độc) cũng chẳng có ý nghĩa gì lắm.

Với Richlen, thiếu thông tin về loại cá khiến tôi ngộ độc chính là yếu tố làm nổi bật một trong những vấn đề nghiêm trọng với tình trạng ngộ độc cá biển.

"Với tình hình xuất khẩu cá ngày càng gia tăng trên thế giới, sẽ ngày càng nhiều người [bị nhiễm độc] trong những vùng [hoàn toàn trong đất liền] như [người Mỹ] ở miền Trung Tây [nước Mỹ]," bà nói.

Richlen nhắc tới đợt bùng phát hồi 2014 ở một chợ cá ở Hong Kong, bắt nguồn từ việc đem cá từ vùng Nam Thái Bình Dương về.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ngộ độc cá biển xảy ra với những người ăn phải cá loài cá ăn các loại tảo sống ở vùng san hô bị hủy hoại

Theo Liên Hiệp Quốc, từ năm 1976 đến năm 2016, lượng hải sản xuất khẩu khắp thế giới vì mục đích làm thực phẩm cho con người đã tăng khoảng 514%, và con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng thêm 24% nữa vào năm 2030.

Một nhà nghiên cứu khác về ngộ độc cá biển tại Đại học Florida Gulf Coast, Tiến sĩ Mike Parsons, kể lại ông từng phải xử lý cuộc gọi từ một luật sư có khách hàng bị ngộ độc cá vì ăn cá nhồng ở Thành phố New York.

Tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu

Parsons cũng tin rằng những khu vực có người bị ngộ độc cá biển giờ đây cũng đang thay đổi vì một lý do khác: đó là biến đổi khí hậu. "Tôi nghĩ người ta sẽ bắt phải cá có độc ở những khu vực mà trước đây tình trạng ngộ độc chưa phổ biến."

Richlen và Parsons giải thích rằng nhiệt độ nước biển ấm dần lên đã thay đổi phạm vi mà chất độc cá biển phát triển: vùng nước trở nên quá nóng khiến trùng roi xoắn độc hại không thể phát triển ở những nơi nó từng sinh sôi, và nay nó sinh sôi rất mạnh ở những vùng xa hơn về phía bắc nơi trước đây từng quá lạnh.

Những nơi như Vịnh Mexico, Parson giải thích, trùng roi xoắn nhiệt đới và cận nhiệt đới thường chết đi trong mùa đông, nhưng giờ đây chúng vẫn sống và phát triển quanh năm.

Một yếu tố khác gây ra tình trạng ngộ độc cá biển gia tăng đồng thời cũng là lĩnh vực chuyên môn mà Parson theo đuổi: đó là mối quan hệ giữa tình trạng nhiễm độc cá biển (mà sinh vật biển mang trong mình) và các rặng san hô bị hủy hoại.

Dù là tình trạng tẩy trắng san hô, bão nhiệt đới ngày càng tăng, hay suy thoái san hô do hoạt động của con người, ông nói, "Tôi ước đoán tình trạng nhiễm độc cá biển sẽ tăng lên khi sức khỏe của rạn san hô suy tàn."

Hiện thời, ông đang so sánh sự phân bố của loài trùng roi xoắn có độc tố ở nhiều khu vực tại Bahamas bị bão Dorian tấn công hồi tháng Tám và các khu vực không bị ảnh hưởng bão.

Dù vẫn đang có nghiên cứu về tình trạng ngộ độc cá biển, nhưng vẫn chưa có nhiều thông tin đáng tin cậy giải thích vì sao các rặng san hô chết gây ra tình trạng này.

Theo Richlen, trùng roi xoắn sống dựa vào một loại tảo phổ biến ở rặng san hô chết, và loại tảo này là thức ăn ưa thích của rất nhiều loài cá san hô.

Cá nghĩ rằng chúng bơi qua một cửa hàng kẹo dưới biển, ăn ngấu nghiến bọn tảo có tẩm độc và gia tăng khả năng khiến con người bị nhiễm độc cá biển.

Trong 30 năm qua, 50% trong số các rặng san hô trên khắp thế giới đã chết, phần lớn là vì biến đổi khí hậu, và một số dự báo cho biết có thể 90% sẽ chết vào thế kỷ tới.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các chuyên gia cảnh báo nên tránh ăn cá từ rặng san hô, như cá hồng, để giảm nguy cơ ngộ độc cá biển

Là người du lịch đến rất nhiều vùng có xảy ra tình trạng dịch ngộ độc cá biển, tôi hỏi Richlen và Parsons liệu có cách nào giúp tránh bị ngộ độc khi đi chơi không.

Cả hai lập tức đề cập đến cá nhồng, một thủ phạm chính gây ngộ độc cá biển vì loài cá này ăn những con cá san hô nhỏ hơn đã bị nhiễm độc.

Nhưng nói chung Richlen khuyên ta không nên ăn cá ở rặng san hô, như cá hồng hay cá mú.

"Các rặng san hô đang chịu quá nhiều áp lực từ nhiều nguồn, trong đó có tình trạng đánh bắt cá quá mức. Có lẽ tôi sẽ bỏ không ăn vì nhiều lý do," bà cho biết.

Parsons nói ông biết nhiều khu nghỉ dưỡng ở St Thomas và St Croix, cũng như ở nhiều đảo khác, đã phòng xa tới mức nhập khẩu cá.

"Họ không sử dụng cá ở địa phương nữa vì họ không tin tưởng chúng, họ không muốn khách hàng phát bệnh."

Ông cũng lưu ý rằng các loài cá kích cỡ lớn hơn có nguy cơ tích tụ chất độc gây bệnh nhiều hơn, vì vậy có vẻ như ăn các loài cá nhỏ sẽ an toàn hơn.

"Quan trọng là phải biết bạn đang ăn cá gì và nó được đánh bắt từ đâu" và biết rằng loài cá nào trong khu vực đó có nguy cơ có chất độc, ông giải thích.

Richlen gửi tôi một vài áp phích ở nhiều nơi trên thế giới, cảnh báo mọi người về những loại cá có nguy cơ, như cá hề chấm đỏ ở Fiji hay cá khế vây vàng ở Guadeloupe, và Parsons đề nghị bạn nên nói chuyện với ngư dân địa phương xem ăn cá gì thì an toàn vì họ sẽ biết rõ nhất.

Gần tám tháng sau đó, tôi vẫn bị ngộ độc tái phát.

Tôi không còn lo lắng tay mình sẽ bị liệt vĩnh viễn hay lo rằng sẽ bị nguy hiểm chết người như ngày đầu tiên bị nhiễm độc nữa.

Thay vào đó, tôi cười về tình trạng nhiễm độc cá kỳ quặc của mình và vẫn còn kinh ngạc về chuyện chúng ta, những người ăn cá, lại hầu như không hiểu biết gì về thứ thức ăn mà mình ăn vào, đặc biệt là khi đi du lịch.

Giờ đây, ngay cả khi đã được trang bị kiến thức về ngộ độc cá biển, tôi vẫn nhận ra rằng chẳng kiến thức nào có thể giúp tôi. Tôi không biết loài cá mình đã ăn. Tôi không biết cá đó đến từ nơi nào.

Tất cả những gì tôi biết là cá đó ngon, và tôi biết có lẽ tôi sẽ lại ăn chúng lần nữa.

Tất nhiên, bị ngộ độc cá biển một lần khiến bạn mẫn cảm hơn với chất độc, vì vậy có thể tôi sẽ lại bị ngộ độc lần nữa.