Lý do tảng băng trôi rộng 3.900km2 vỡ nát

Thứ Ba, 01 Tháng Mười Một 20225:00 CH(Xem: 1493)
Lý do tảng băng trôi rộng 3.900km2 vỡ nát

Sự biến đổi của các dòng hải lưu ở Nam Đại Dương có thể khiến tảng băng trôi khổng lồ A68a nứt vỡ.

A68a, với diện tích bề mặt 3.900km2, là mảnh lớn nhất của tảng băng trôi A68 tách ra từ thềm băng Larsen C ở châu Nam Cực năm 2017. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances hôm 19/10, nhóm chuyên gia tại Đại học Princeton sử dụng hình ảnh và dữ liệu vệ tinh để quay lại tháng 12/2020, khi tảng băng trải qua hai sự kiện vỡ, và tìm hiểu nguyên nhân.

 Ảnh vệ tinh cho thấy sự thay đổi của tảng băng trôi A68a và hai sự kiện vỡ mà nó trải qua vào năm 2020.
Ảnh vệ tinh cho thấy sự thay đổi của tảng băng trôi A68a và hai sự kiện vỡ mà nó trải qua vào năm 2020. (Ảnh: Science Advances).

Sau khi di chuyển ngang qua đảo Nam Georgia, A68a bắt đầu nứt, một mảng lớn vỡ ra do đáy của tảng băng trôi bị kéo lê dưới đáy biển. Tuy nhiên, sự kiện nứt vỡ thứ hai khiến các chuyên gia bối rối vì tảng băng khi đó đang nổi giữa vùng biển sâu và thoáng.

"Thông thường, băng trôi vỡ do chúng chạm xuống đáy biển, khiến các phần vỡ ra. Nhưng trong trường hợp này, sau khi xem xét dữ liệu hải lưu, chúng tôi nhận thấy phần hình ngón tay của tảng băng dường như chồng lên một đoạn hải lưu mạnh hơn các đoạn khác. Vì vậy, có vẻ hợp lý khi nghi ngờ rằng điều này đã tạo ra đủ áp lực để phá vỡ tảng băng", Alex Huth, tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia của Chương trình Khoa học Khí quyển và Đại dương (AOS) tại Đại học Princeton, giải thích.

Nhóm nhà khoa học đặt giả thuyết rằng sự kiện vỡ lần thứ hai xảy ra do "hải lưu dịch chuyển" và sự thay đổi của các hải lưu dẫn đến một phần tảng băng trôi bị vỡ - điều chưa từng được ghi nhận. Để kiểm tra giả thuyết, họ đánh giá xem các lực bên ngoài như hải lưu và gió tác động đến tảng băng như thế nào.

Lập bản mô phỏng của A86a, nhóm nghiên cứu nhận thấy khi một tảng băng trôi nằm ở vị trí có hải lưu rất mạnh với một dòng hải lưu khác rất yếu, liên kết giữa các phần sẽ bắt đầu rạn nứt. Ngoài ra, hình dạng giống ngón tay của tảng băng trôi cũng có thể góp phần dẫn đến sự nứt vỡ vì nó làm cho khối băng đủ dài để chồng lên hai dòng hải lưu.

Thông qua việc nghiên cứu sự nứt vỡ của A68a, Huth cùng đồng nghiệp tin rằng họ có thể hiểu rõ hơn về vai trò của các tảng băng trôi trong hệ thống của Trái đất và cách chúng tương tác với những lực tác động từ bên ngoài.

"Các tảng băng trôi chiếm khoảng 50% lượng băng mất đi ở Nam Cực, hình thành khi tách ra từ dải băng. Khi trôi đi, chúng cũng mang nước tan chảy ra xa khỏi các dải băng. Điều này có thể ảnh hưởng đến hoàn lưu đại dương thông qua việc phân tầng cột nước và bổ sung sắt cho đại dương, từ đó dẫn đến gia tăng thực vật phù du", Huth cho biết.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn