Tàu hoả tre ở Campuchia

Thứ Năm, 01 Tháng Chín 20223:00 CH(Xem: 1499)
Tàu hoả tre ở Campuchia

Động cơ khọt khẹt hai lần, rồi gầm lên, nổ máy. Bác tài Vanny thở phào với nụ cười tươi trên môi.

Anh lái đi, đưa chúng tôi ra khỏi Ga O Dambong cùng đám gia cầm chạy tán loạn và những tài xế uể oải nơi đó.

Chúng tôi di chuyển nhanh hơn cho tới khi làn gió nóng thổi đầy bầu không khí, những cây chuối, cây thốt nốt trở nền loa lóa hai bên.

Chúng tôi lướt đi trên đoạn đường ray xe lửa xập xệ rồi chậm dần khi tới cầu vượt xiêu vẹo. Bọn trẻ con ùa ra hai bên, giơ tay ra vỗ vào tay chúng tôi khi tàu đi qua.

Chúng tôi đang trên chiếc tàu hỏa tre của Campuchia, một biểu tượng kỳ vĩ về sự khéo léo của con người và về sự sáng tạo kinh doanh đúng lúc trong lĩnh vực du lịch.

Chúng tôi có lẽ nằm trong số những hành khách cuối cùng. Cái chết được đoán trước của chiếc tàu hỏa tre cũng giống như câu chuyện về Bigfoot - nổi tiếng, không thể xác nhận được, và có lẽ không ai dám chắc là nó có thật.

Câu chuyện được bắt đầu từ 2006, khi có một dự án được công bố nhằm phục hồi hệ thống hỏa xa của Campuchia.

Sau đó là nhiều năm trì hoãn, do vấn đề ngân sách và do chương trình tái định cư gây tranh cãi.

Đường ray ở miền nam đất nước, nối từ Phnom Penh tới Sinanoukville đã được hoàn thành vào năm 2013. Nhưng khoản cấp viện quốc tế cạn kiệt, và nhiều người tin rằng các kế hoạch cho tuyến đường ray ở miền bắc, nơi chiếc Tàu hỏa Tre đang chạy, có lẽ sẽ âm thầm bị xếp xó.

"Chúng ta có thể đi xa hơn được nữa không?" tôi hỏi khi chúng tôi tới Ga O Sra Lau, điểm quay lại của hành trình.

Người lái tàu, Vanny, lúc nào miệng cũng luôn mỉm cười kể cả khi phải nhắc tới tin xấu.

Đoạn đường ra tiếp theo quá xập xệ, con tàu của chúng tôi không thể chạy nổi. Nhưng anh nhắc tới một điểm sáng, đó là có Coca Cola ở O Sra Lau.

Hệ thống xe lửa quốc gia của Campuchia đã bị bỏ đi hồi thập niên 1970, trong cuộc nội chiến và trong những năm tàn bạo của Khmer Đỏ.

Các con tàu bắt đầu chạy trở lại trong thập niên 1980, nhưng cuộc kháng cự dai dẳng của các phiến quân đã khiến cơ sở hạ tầng của đất nước bị lụn bại nghiêm trọng.

Đường sá ở địa phương tồi tàn, nhiều cộng đồng bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi dịch vụ xe lửa rất thất thường và rồi cuối cùng chết hẳn.

Tàu hỏa Tre là giải pháp bình dân. Sàn gỗ, được gọi là norry, được ráp từ các nguyên vật liệu có sẵn và được di chuyển bằng cách để lên trên các bánh xe lăn trên đường ray, giống như những chiếc thuyền gondola nổi tiếng của Venice, Ý vậy.

Chúng chở được mọi thứ, từ người cho tới nông sản, hàng hóa để mua bán trao đổi.

Động cơ được gắn thêm từ hồi thập niên 1990, cung cấp lực đẩy cho các toa xe bằng một đai cao su móc vào trục sau.

Nhưng norry đang hấp hối.

Trong lúc đường sá được cải thiện, các tuyến đường ray xe lửa vẫn tiếp tục xuống cấp tàn tệ.

Nay các tuyến đường cao tốc của Campuchia có đầy xe máy, xe hơi qua lại, và điều đó khiến Tàu hỏa Tre chỉ chôn chân ở đoạn đường ray dài 7km bị bỏ hoang bên ngoài thành phố Battambang.

Nó được duy trì trong vai trò phục vụ du khách, một phần lịch sử còn sót lại.

Sàn ga đổ nát O Sra Lau có rất nhiều sạp, kệ bán nước giải khát ướp lạnh và quần in hình voi.

Chúng tôi ngồi với Darren và Paul, hai du khách đến từ Glasgow.

Họ trước đó đã từng tới thăm Campuchia, nhưng đây là lần đầu tiên họ thử Tàu hỏa Tre.

Norry chạy được ở vận tốc 30 dặm một giờ. "Có lẽ không an toàn lắm," Darren nói, "nhưng khá hay."

Họ uống hết món đồ mát lạnh rồi quay trở lại norry của mình.

Tàu hỏa Tre đem lại cảm xúc lẫn lộn cho những ai đi nó. Đó chỉ là nhận xét của các du khách, nhưng ta không nên vì thế mà đánh giá thấp các chuyến đi này.

Trên đường quay về O Dambong, điểm khởi hành và kết thúc chuyến đi, chúng tôi gặp một chiếc norry chạy ngược lại trong lúc chỉ có một đường ray.

Việc đếm đầu người nhanh chóng diễn ra, tàu của chúng tôi có bốn người, và tàu của họ, có năm, và thế là chúng tôi trèo xuống lên để họ đi qua.

Vanny kéo sàn tre của chúng tôi ra khỏi đường ray rồi vứt các bánh xe và trục xe xuống lớp cỏ bên lề đường ray.

Khi chiếc tàu kia đã đi qua, tài xế tàu đó nhảy xuống giúp Vanny ráp lại chiếc norry của chúng tôi.

Trong lúc chờ đợi, chúng tôi tán gẫu với các hành khách người Slovenia vui vẻ. Họ rất thích thú với phong cảnh, những cú xóc nảy người, và thậm chí cả mặt trời nóng gay gắt trong hành trình.

"Đúng là điên rồ!" một người phụ nữ hét vang trong lúc tàu họ rú máy lướt đi.

Hồi tháng Bảy năm ngoái, chính phủ công bố các kế hoạch tái thiết hệ thống hoả xa ở miền bắc, dài 386km, nối Phnom Penh với biên giới Thái Lan.

Theo Sok-Tharath Chreung, phó giám đốc Cục Hoả xa, ưu tiên hàng đầu là phải khôi phục dịch vụ từ biên giới tới Sisophon, nhà ga gần nhất với Ankor Wat.

Sau đó sẽ là các kế hoạch trẻ hoá những phần còn lại của hệ thống xe lửa miền bắc.

Tàu hoả Tre sẽ chấm dứt hoạt động vào lúc công nhân đạt tiến độ tới ga O Dambong.

Những người bán hàng rong quanh O Sra Lau và O Dambong sẽ không chỉ mất khách hàng mà có lẽ còn mất cả các quầy, kệ bán hàng nữa, bởi sẽ cần có một hành lang 3,5m lưu không ở hai bên đường ray.

Không ai biết chắc ngày giờ cụ thể, nhưng có lẽ thời điểm đó sẽ không còn cách xa: Chreung cho là các chuyến tàu hàng sẽ bắt đầu hoạt động từ 2017.

Tại O Dambong, chúng tôi gặp Visal Daid, người làm ra các norry và lái chúng khi dịch vụ này còn sơ khai.

Anh đưa chúng tôi đi xem toàn bộ quá trình, từ lúc dựng khung cho tới việc cắt các giát tre để ráp sàn.

Những chiếc norry hoàn thiện, gồm cả động cơ và bánh lăn, có chi phí lên tới 1.600.000 riel, bằng vài tháng lương của một người lái tàu, nhưng động cơ còn có thể dùng để chạy thêm các thiết bị phụ khác, chẳng hạn như máy ép nước mía.

Tôi hỏi Daid là liệu anh có lo lắng về chuyện sẽ hết việc làm sau khi dịch vụ Tàu hoả Tre ngưng lại không. Anh nhún vai, lúc nào mà thợ mộc chả có việc!

Thế nhưng hầu hết những người lái tàu đều không có nghề nào khác.

Visal Daid làm norry hoàn toàn bằng biện pháp thủ công

Nguồn hình ảnh, Samuel Bergstrom

Chụp lại hình ảnh,

Visal Daid làm norry hoàn toàn bằng biện pháp thủ công

Vanny mời chúng tôi tới chơi nhà, chỉ cách đường tàu một đoạn, gần ga O Dambong.

Nhà anh thực ra chỉ là phần cơi nới được dựng lên bằng tre và giấy dầu, dựa vào nhà của một người bà con.

Anh đã làm nghề lái norry từ 10 năm nay, và nếu Tàu hoả Tre không hoạt động nữa, anh sẽ phải đi kiếm việc ở nơi khác, có lẽ là ở Thái Lan.

Một nhóm những người lái tàu đã kiến nghị chính quyền địa phương hãy duy trì Tàu hoả Tre.

Sinnara Mak, phó giám đốc Sở Du lịch Battambang, cho rằng đây là điều khó thực hiện.

Một khi những đoạn đường ray xe lửa được khôi phục hoàn toàn, các đoàn tàu sẽ chạy với vận tốc 50 dặm một giờ, ít nhất là như thế.

Mak nói với tôi là một số công ty tư nhân đang tính chuyện đưa Tàu hoả Tre vào hoạt động ở đoạn đường ray riêng, dài 15km.

Nhưng ông nói chớ nên trông đợi nhiều vào chuyện này, bởi việc làm một đoạn đường ray xe lửa đặc trưng khác kiểu sẽ rất đắt đỏ, chưa kể đất đai phục vụ cho dự án sẽ cần phải mua lại từ các nông dân.

Vào lúc này, Tàu hoả Tre sẽ vẫn chở du khách đi trên hành trình lọc cọc từ O Dambong tới O Sra Lau. Nó sẽ vẫn đi trên những đoạn đường ray cho tới khi phải dừng hẳn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn