bbc.com

Chanh Menton, loài chanh quý ở Pháp

Anna Muckerman

BBC Travel

Anna Muckerman

Nguồn hình ảnh, Anna Muckerman

Nếu bạn muốn biết người dân ở thị trấn miền biển Menton gắn bó như thế nào với quả chanh yêu quý của họ, đừng tìm đâu xa ngoài truyền thuyết ghi nhận nàng Eve đã đem nó tới vùng Riviera của Pháp.

Truyện kể rằng, sau khi bị trục xuất khỏi vườn Địa đàng, nàng Eve đã bứt một quả chanh để đem theo trên hành trình. bị trừng phạt vĩnh viễn, chàng Adam van nài Eve vứt chanh đi, và đó là điều mà nàng buộc phải làm ở nơi nàng chọn dừng chân.

Và nhờ đó, nàng đã tìm thấy Menton, nằm trên Vịnh Garavan lấp lánh, nơi dãy Alps lùi khỏi mặt nước vừa đủ để tạo nên những sườn dốc theo hướng đông-tây – điều kiện hoàn hảo để canh tác cây chanh.

Lễ hội Chanh

Tuy không thể xác định tính chân thực của bản thân truyền thuyết, nhưng tính biểu tượng của quả chanh địa đàng đã ăn sâu vào văn hóa dân gian của thị trấn miền biển với khoảng 30.000 cư dân này, nơi tuyến xe buýt được gọi là ‘Zeste’, tức vỏ chanh, và họa tiết chanh dường như là lựa chọn hợp lý đối với nhiều doanh nghiệp địa phương.

Thị trấn phình ra gần gấp đôi vào Fête du Citron, tức Lễ hội hanh – lễ hội hàng năm vào tháng Hai để tôn vinh lịch sử, văn hóa trồng chanh trong vùng, mà đáng chú ý nhất là chanh Menton, giống chanh được chính thức nhìn nhận, khác các giống chanh Corsica, Tây Ban Nha hay Ý với hương vị nhẹ và hình dáng to, tròn có vỏ sần sùi.

Sức hút của lễ hội nằm ở kiệu rước và hình nộm làm từ chanh, mỗi cái với hơn ba tấn chanh và cam buộc dây thun vào khung sắt có hình dạng phù hợp với chủ đề của năm. 

Fête du Citron nổi bật với các sự kiện Carnival khác ở Pháp ở chỗ các nhân viên đô thị, những người đã dành phần lớn thời gian trong năm để duy tu các công trình thành phố, cũng là người làm các hình nộm và kiệu rước.

Anna Muckerman

Nguồn hình ảnh, Anna Muckerman

Chụp lại hình ảnh,

Các nhà sản xuất lại nhìn thấy tiềm năng to lớn ở chanh

Với tựa đề ‘Nhạc và Nhảy’, phiên bản 2022 đánh dấu sự trở lại thắng lợi cho lễ hội sau khi nó bị hủy giữa chừng hồi năm 2020 do đại dịch virus corona. Cuộc diễu hành Chủ Nhật là lễ kỷ niệm có các ban nhạc diễn hành ầm ĩ, những người trình diễn sôi động và sáu chiếc kiệu rước phủ đầy chanh và cam, có cái cao tới 10 mét, được tô đắp tượng trưng cho các kiểu nhảy Samba, Can-can, Haka, Matachines, Salsa và Kathakali.

Từ trên kiệu rước, những người trình diễn mặc đồ hóa trang cùng với nhân viên đô thị mỉm cười trong áo bảo hộ xanh neon tung lượng hoa giấy dường như vô hạn vào 15.000 khán giả, những người vươn tay ra tỏ ý chừng đó vẫn là chưa đủ cho họ. 

Thịnh vượng rồi suy tàn

Khi tiệc tùng tưng bừng trên thung lũng, những sườn đồi bậc thang nhìn ra thị trấn chứa đựng một thực tế tàn nhẫn: Menton từng là khu vực trồng chanh hàng đầu trên toàn châu Âu, nhưng ngày nay, chỉ còn khoảng 15 nhà sản xuất. Toàn bộ quả chanh làm nên kiệu rước và hình nộm của Fête du Citron phải nhập từ Tây Ban Nha.

“Sản lượng chanh Menton hàng năm đạt từ 100 đến 120 tấn. Trong giai đoạn này, chúng tôi cần từ 150 đến 180 tấn chanh và cam. Vì vậy, năng suất chanh Menton không đủ cho toàn bộ Fête du Citron,” Christophe Ghiena, giám đốc dịch vụ kỹ thuật của thành phố, cho biết và nói thêm số chanh còn lại được bán giảm giá sau lễ hội.

Bên cạnh truyền thuyết trong Kinh Thánh, câu chuyện được ghi lại về sự xuất hiện và suy tàn của chanh Menton bắt đầu khi nó đến từ Tây Ban Nha vào thế kỷ 15. 

Loại quả này nhanh chóng thích nghi với vi khí hậu ôn đới của Menton, được tạo ra bởi kết hợp độc đáo của dãy núi phòng hộ và vị trí gần biển. Vào cuối thế kỷ 18, vùng này ước tính sản xuất một triệu quả chanh mỗi năm, David Rousseau, giám đốc Sở di sản của Menton, nói.

“Vào thế kỷ 17, 18 và 19, chanh thực sự là tài lộc của thành phố Menton. Nó được xuất khẩu đến tận Mỹ, sang Nga. Sản xuất chanh có quy mô toàn cầu,” ông nói.

Sự suy tàn của chanh Menton bắt đầu vào cuối Cách mạng Pháp, khi các đạo luật bảo vệ nó trước sự cạnh tranh từ các vùng sản xuất chanh khác được dỡ bỏ. 

Cú bồi thứ hai xảy ra vào thế kỷ 19, khi sự xuất hiện của du khách mùa đông đến từ Anh thúc đẩy xây khách sạn và biệt thự trên đất được dùng để làm vườn chanh. 

Cuối cùng, vào thập niên 1950, một đợt lạnh bất thường đã đưa đến hồi kết của chanh Menton.

“Có một đợt lạnh sâu ở Menton và ở Pháp, làm chết những cây chanh còn lại,” Rousseau cho biết. “Vào thập niên 1980, chanh bắt đầu trở lại nhờ một số người trồng cây nhìn thấy tiềm năng của nó và khởi động lại sản xuất.”

Nguồn hình ảnh, Anna Muckerman

Chụp lại hình ảnh,

Laurent Gannac (trong hình) và con trai sở hữu 750 cây chanh Menton trông trên 2,5ha

‘Tình thế đảo chiều’

Một trong những người trồng này là Laurent Gannac. Xuất thân ở tây nam Pháp, Gannac đến Menton vào năm 1988 để làm nghề tạo cảnh quan. Ông nói mỗi lần mang cây chanh đến cho khách hàng trong vùng, ông sẽ được hỏi cùng một câu: Có phải chanh Menton không?

“Tôi được đào tạo về khoa học và nông nghiệp và tôi thậm chí chưa bao giờ nghe nói về chanh Menton,” ông nói. “Nên tôi sẽ nói với họ ‘À, tôi đem nó xuống từ Menton, vì vậy tôi đoán đó là chanh Menton nếu muốn'.”

Ông nhanh chóng thấy tò mò về loài này và vào năm 1991, ông đã trồng cây chanh Menton đầu tiên. Vào lúc đó, một vài nhà trồng chanh còn lại đặt vấn đề tại sao một người trẻ lại quan tâm đến một loài cây dường như đã lỗi thời, Gannac nói.

Ngày nay, Gannac và con trai sở hữu 750 cây trên 2,5 ha đất với mục tiêu đạt 1.000 cây trong 3 năm tới. Mặc dù đó chẳng là gì so với sản lượng các nhà vườn ở Tây Ban Nha hoặc Ý, nhưng Gannac tự hào nói mình là người đầu tiên trong những năm gần đây sống hoàn toàn nhờ chanh Menton. Tuy nhiên, ông nằm trong số rất ít người làm được điều đó.

“Trồng 400 cây ở đây nghĩa là bắt đầu với địa điểm bỏ hoang hoàn toàn, phát quang, san lấp bậc thang, xây hồ tưới và dựng rào chắn ngăn lợn rừng,” ông nói. “Rất nhiều việc phải làm, nhất là khi cân nhắc việc phải mất 8 năm để thu hồi vốn.”

Nguồn hình ảnh, Anna Muckerman

Chụp lại hình ảnh,

Thị trấn Menton của Pháp phình to lên gần gấp đôi trong dịp lễ hội Fête du

Giờ đây, Gannac nói ông tin tình thế đã xoay chiều, chủ yếu nhờ nỗ lực của các quan chức, nhà vườn địa phương và các chủ trại để đạt Chỉ dẫn Địa lý Được Bảo vệ của Liên minh châu Âu cho chanh Menton, được trao hồi năm 2015.

Mặc dù vào lúc đó ông đã trồng chanh Menton được gần hai thập kỷ, nhưng chính trong quá trình này, Gannac đã bắt gặp sự độc đáo của loài cây này trong chuyến thăm Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia Pháp.

“Tôi luôn nghĩ dân Menton có một chút thiên vị cho chanh của họ,” ông nói. “Khi tôi có cơ hội đi từ cây này sang cây khác và nếm thử từng quả chanh, tôi nhận ra chanh Menton thực sự khác với những quả khác về mùi hương, vị ngọt và vỏ của nó nhẹ đến mức có thể ăn được.”

Dùng trong ẩm thực

Chanh Menton cũng được ca ngợi có lớp vỏ dày và hàm lượng tinh dầu cao, khiến nó trở thành thành phần yêu thích của các đầu bếp nổi tiếng như Mauro Colagreco ở Mirazur, nhà hàng Menton được xếp hạng nhất trong số 50 nhà hàng tốt nhất thế giới năm 2019.

“Chanh Menton là sản phẩm rất hiếm. Nó có hương vị và kết cấu khác với các loại chanh ở nơi khác và thậm chí có thể ăn trực tiếp từ cây (như là trái cây). Trong 5 vườn cây của chúng tôi, chúng tôi muốn giữ giống chanh lạ thường này. Mỗi năm chúng tôi đều trồng cây mới để duy trì canh tác,” Colagreco nói.

Nguồn hình ảnh, Anna Muckerman

Chụp lại hình ảnh,

Menton từng là vùng trồng chanh đứng đầu toàn châu Âu

Khi vào mùa, đầu bếp sử dụng nó trong các món như bánh tart chanh hay món tourbillon ấu trùng cá với chanh Menton và hẹ. Ông cũng làm món vịt nấu chanh để "nhớ hương vị cả năm".

Colagreco không phải là đầu bếp duy nhất trở thành đại sứ của loài cây này. 

Luisa Delpiano-Inversi là nhà sáng lập Pasta Piemonte, hãng mì ống đặt tại Menton mở cửa vào năm 2013. Ngay sau đó, Delpiano-Inversi đã có được thành công với món ravioli chanh Menton, sự kết hợp bất ngờ mà nay cô giao hàng trên khắp nước Pháp cho những ai sống xa Riviera được thưởng thức.

“Quả chanh này không giống bất kỳ loại chanh nào khác,” cô viết trong cuốn sách năm 2017  về chủ đề này. “Nước chanh có mùi thơm mãnh liệt với vị nửa chua và không đắng.”

Gannac nói ông nhớ có lúc chanh Menton chỉ là cái cớ được dùng để thu hút du khách đến Fête du Citron, vốn bắt đầu vào năm 1934. Khi người tiêu dùng Pháp ngày càng quan tâm đến các sản phẩm bản địa, Gannac tin lễ hội đã cho ông cơ hội gặp gỡ khách hàng để nói về sự độc đáo của loài cây này.

Rousseau đồng ý rằng các phiên bản gần đây của Fête du Citron đã giúp nâng cao nhận thức về chanh Menton. Nhiều tour du lịch có hướng dẫn đến vườn chanh trong năm nay đã được bán hết.

Nguồn hình ảnh, Anna Muckerman

Chụp lại hình ảnh,

Lễ hội Fête du Citron nhằm kỷ niệm lịch sử và văn hoá trồng chanh ở khu vực

Di sản và bản sắc

“Du khách quan tâm đến câu chuyện về chanh Menton nhiều hơn trước. Trước đây họ chủ yếu đến để xem các hình nộm và tham dự diễn hành,” ông nói. “Giờ đây, họ thực sự muốn khám phá thành phố và không chỉ đến để xem kiệu rước.”

Có lẽ kết quả hứa hẹn nhất của nỗ lực hồi sinh loài cây này có thể thấy trong sự nhiệt tình của thế hệ nhà vườn tiếp theo, trong đó có Laetita Sepicacchi, dân bản địa Menton vốn bắt đầu canh tác trên đất nhà vào năm 2015 phối hợp với sáng kiến của thành phố trồng nhiều cây hơn.

Vào lúc đó, Sepicacchi đang làm việc ở Paris và thường về nhà ở Menton để nghỉ ngơi và lấy lại sức. Chính là trong một trong những lần về quê này mà cô đã nhận ra vườn nho cũ là nơi hoàn hảo để tiếp tục truyền thống trồng chanh. 

Trong lúc đợi 35 cây non trưởng thành, Sepicacchi thu hoạch khoảng 100 kg chanh mỗi năm từ ba cây già. Cô bán chanh cho khách lẻ và các siêu thị Pháp và châu Âu, mặc dù một số khách hàng của cô cũng là các hãng nước hoa danh tiếng quan tâm đến tinh dầu chanh của cô.

“Dự án này cho phép tôi tìm lại và truyền lại di sản văn hóa,” cô nói. “Như thể cây bắt rễ trong di sản và bản sắc vào lúc thế giới chìm đắm trong văn hóa ảo, đôi khi là chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa cá nhân.”

Khi Sepicacchi ngẫm nghĩ về mục tiêu tối hậu của cô là trồng chanh Menton, cô tưởng tượng một ngày cây chanh một lần nữa định hình cảnh quan địa phương và hỗ trợ kinh tế thị trấn, thậm chí có thể giống mô tả của nhà thơ Pháp Stéphen Liégeard hồi năm 1887: "những thung lũng nhỏ để cho làn gió làm choáng váng người qua đường với mùi chanh nồng nàn".