Vệ tinh quan sát Trái Đất suýt đâm vào rác vũ trụ của Nga

Chủ Nhật, 29 Tháng Năm 20221:00 SA(Xem: 1995)
Vệ tinh quan sát Trái Đất suýt đâm vào rác vũ trụ của Nga

Một vệ tinh theo dõi Trái Đất quan trọng phải điều chỉnh đường bay để tránh mảnh vỡ trôi nổi trên quỹ đạo của vệ tinh Cosmos đã ngừng hoạt động.

Vệ tinh Sentinel 1A và 1B nằm trong chương trình Copernicus của ESA. Ảnh: ESA

Vệ tinh Sentinel 1A và 1B nằm trong chương trình Copernicus của ESA. Ảnh: ESA

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) mô tả chi tiết cuộc đụng độ của vệ tinh Sentinel-1A trong bài đăng trên mạng xã hội Twitter hôm 18/5. Theo ESA, một thử nghiệm tên lửa của Nga vào năm 2021 đã làm vệ tinh Cosmos vỡ thành nhiều mảnh bay quanh quỹ đạo.

Hôm 16/5, Sentinel-1A tiến hành thao tác khẩn cấp để tránh vụ va chạm đầy rủi ro. "Theo dõi để tránh va chạm là công việc thường ngày ở phòng kiểm soát nhiệm vụ và đội ngũ của chúng tôi đã luyện tập kỹ lưỡng nhằm đối phó với sự kiện rủi ro cao", ESA cho biết. "Tuy nhiên, vụ va chạm hụt này đặc biệt ở chỗ tình huống thay đổi rất nhanh, rất khó tránh và chúng tôi được cảnh báo trước chưa đầy 24 giờ".

Sentinel-1A là vệ tinh thuộc chương trình quan sát Trái Đất Copernicus của ESA. Vệ tinh này chuyên phát hiện và theo dõi các vụ tràn dầu, lập bản đồ băng trên biển, thay đổi ở mặt đất và cung cấp dữ liệu nhằm xử lý thiên tai.

Vệ tinh phải dịch chuyển để tránh mảnh rác vũ trụ có đường kính vài centimet. Lực tác động từ mảnh vỡ nhỏ như vậy đủ để phá hủy vệ tinh. ESA dịch chuyển quỹ đạo của Sentinel-1A lên cao 140 m. Dù vệ tinh Cosmos quay quanh quỹ đạo ở độ cao hơn 200 km bên dưới Sentinel-1A, năng lượng giải phóng từ vụ nổ đẩy các mảnh vỡ văng ra khắp mọi phía, giao cắt với quỹ đạo của vệ tinh ESA. Nhóm phụ trách nhiệm vụ chỉ có vài giờ để lên kế hoạch và thực hiện những thao tác.

Hiện nay, Sentinel-1A đã an toàn. Vấn đề rác vũ trụ đang trở nên ngày càng tồi tệ hơn, không chỉ gây nguy hiểm cho vệ tinh mà cả Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Trạm ISS đôi khi phải né những mảnh rác bay sượt qua. Việc phá hủy Cosmos tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ mới trên quỹ đạo và lần bay qua Sentinel gần đây chắc chắn không phải là cuối cùng.

An Khang (Theo Cnet)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn