Phát hiện kho báu khảo cổ học thời đồ Đồng ở Cyprus

Thứ Sáu, 06 Tháng Năm 20229:00 SA(Xem: 1749)
Phát hiện kho báu khảo cổ học thời đồ Đồng ở Cyprus

Kết quả khai quật do các nhà khảo cổ học người Bỉ và Hy Lạp phát hiện trên một địa điểm của đảo Cyprus thật ấn tượng, làm sáng tỏ thêm về sự kết thúc của Thời đại Đồ Đồng ở Địa Trung Hải và về "Các dân tộc biển" bí ẩn.

Đó là một kho báu thực sự mà các nhà khảo cổ học từ các trường đại học Gent (UGent) và Leuven (KLeuven) phối hợp với các đối tác Hy Lạp đã phát hiện ra trên đảo Cyprus. Kho báu được tạo thành từ vàng, bạc, đồng và thạch cao, và hơn hết là vô số dữ liệu làm sáng tỏ thêm lịch sử phức tạp của cuối thời đại Đồ Đồng, khoảng năm 1200 trước Công nguyên.

Các nhà khảo cổ học Bỉ và Hy Lạp tại khu vực khai quật tại miền Đông Nam đảo Cyprus
Các nhà khảo cổ học Bỉ và Hy Lạp tại khu vực khai quật tại miền Đông Nam đảo Cyprus và phát hiện nhiều vật dụng từ thời Đồ Đồng. (Ảnh : D.R)

Thời kỳ này được gọi là "những năm khủng hoảng", khi các cung điện của Hy Lạp thời kỳ Mycenae (giai đoạn cuối cùng của thời đại Đồ Đồng tại Hy Lạp, kéo dài từ khoảng năm 1750 TCN - 1050 TCN) bị phá hủy, thành Troy bị thiêu rụi, Đế chế Hittite ở Anatolia sụp đổ và nhiều vương quốc dọc theo bờ biển Syria và Liban. Cùng lúc đó, Ai Cập bị tấn công bởi một liên minh bí ẩn của các dân tộc nước ngoài được gọi là "Các Dân tộc biển".

Những bộ lạc này thường bị đổ lỗi cho việc gây ra tất cả sự tàn phá. Tuy nhiên, kể từ khi phát hiện ra hình ảnh ban đầu của họ trên các bức tường của nhà mộ vua Ramses III (1193-1163 TCN) tại Medinet Habu ở Ai Cập, các cuộc thảo luận đã diễn ra về danh tính và nguồn gốc của Các Dân tộc biển.

Khám phá liên tiếp

Ngày nay, có vẻ như Cyprus đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử này. Từ năm 2014 đến năm 2021, một cuộc thám hiểm có sự tham gia của GS Joachim Bretschneider thuộc Đại học Gent (UGent), GS Jan Driessen (KLeuven), và Tiến sĩ A. Kanta thuộc Hiệp hội khảo cổ Địa Trung Hải, phối hợp với các nhà nghiên cứu từ Viện Cyprus và Vienna, đã được thực hiện trên một ngọn đồi lớn nằm gần làng Pyla, trên bờ biển phía đông nam của đảo Cyprus.

Các chiến binh Peleser trong bức phù điêu Medinet Habu.
Các chiến binh Peleser trong bức phù điêu Medinet Habu. (Ảnh : D.R)

Địa điểm này không xa các khu vực quan trọng của Thời đại Đồ Đồng muộn như Enkomi, Kition và Hala Sultan Teke. Đảo Cyprus cách bờ biển Syria chưa đến 200 km và cách Ai Cập chưa đầy 400 km. Những khoảng cách tương đối ngắn đối với tàu bè là điều quan trọng để hiểu rõ những gì đã diễn ra ở đây.

Vào những năm 1980, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Cyprus Vasos Karageorghis đã thực hiện một số khám phá thú vị ở Pyla. Gần đây hơn, hai tấm  bảng có chữ viết Cypro-Minoan đã được tìm thấy, rõ ràng là đã được lưu trữ. Tuy nhiên, chữ viết Cypro-Minoan chưa được giải mã.

Kể từ khi khởi động các cuộc khai quật mới vào năm 2014 bởi nhóm các nhà khảo cổ Bỉ-Hy Lạp, nhiều khám phá quan trọng đã được thực hiện. Rõ ràng là toàn bộ ngọn đồi bao gồm dày đặc những ngôi nhà gần như giống hệt nhau về quy mô và thiết kế; chúng được bao quanh bởi một bức tường xếp tầng, hai bên là các tháp và pháo đài. Toàn bộ mọi thứ đều được lên kế hoạch cẩn thận và có một cái nhìn quân sự. Điều đáng ngạc nhiên nhất là nơi này đột nhiên bị bỏ hoang và tất cả các đồ vật vẫn ở nguyên vị trí - các đồ vật bằng đất nung, đồng và đá được tìm thấy trên khắp khu phức hợp này, không có dấu hiệu của sự xáo trộn sau đó.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa khi lưu ý rằng, ngay trước khi cư dân rời đi, những đồ vật có giá trị lớn được cất giấu trong các hố và hầm. Vì vậy, nhóm của Joachim Bretschneider (UGent) đã tìm thấy một quả trứng trát trong một cái giếng sâu. Một “quả trứng”, khi được mở ra, bên trong nó là một chiếc đĩa vàng nặng 472 gr, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Larnaka. Nhóm của Jan Driessen đã phát hiện ra một chiếc bình lớn bằng thạch cao, vẽ hoa sen và rõ ràng là được đưa từ Ai Cập tới. Nó chứa đồ trang sức bằng đồng, ngà voi và đá. Nhiều trong số những kho báu bí mật này đã được phát hiện trên khắp ngọn đồi, một dấu hiệu chắc chắn về một mối đe dọa sắp xảy ra.

Chiến lợi phẩm cướp biển

Đối với nhà khảo cổ học Joachim Bretschneider, địa điểm Pyla là điều cần thiết để hiểu lịch sử của cuối thời đại Đồ Đồng, bởi vì thời kỳ ngắn ngủi của nó trùng khớp với thời với thời kỳ mà Các Dân tộc trên biển hoạt động ở phía đông Địa Trung Hải trước khi bị đánh bại bởi Ramses III, trong một trận chiến diễn ra vào năm thứ 8 của triều đại ông, có thể là vào năm 1186 TCN. Những phát hiện này ngày này rất quan trọng.


Kể từ khi khởi động các cuộc khai quật mới vào năm 2014 bởi nhóm các nhà khảo cổ Bỉ-Hy Lạp, nhiều khám phá quan trọng đã được thực hiện. (Ảnh : D.R)

Do đó, câu hỏi được đặt ra: liệu có thể địa điểm Pyla đã che chở cho Các Dân tộc của biển, từ đó họ tiến hành các cuộc tấn công cướp biển chống lại các khu vực xung quanh? Khu nhà kiên cố của họ có thể dễ dàng chứa khoảng 7.000 người, đủ để đưa các chiến binh lên hàng chục con tàu, khởi hành từ một cảng nội địa ẩn dưới chân đồi. Các cuộc tấn công và cướp bóc của cướp biển có thể giải thích sự hiện diện của nhiều tài sản có giá trị được tìm thấy trong tất cả những ngôi nhà này - những ngôi nhà mà cho đến nay người ta vẫn chưa tìm thấy dấu vết của một cung điện hay một ngôi đền. Những hàng hóa này tất nhiên có thể là kết quả của trao đổi thương mại, nhưng các đồ vật thu được từ việc buôn bán thường được tìm thấy trong một vài ngôi nhà, và không nằm rải rác khắp nơi.

Nhưng Các Dân tộc của biển là ai? Giáo sư Bretschneider cho biết địa điểm Pyla đã chuyển giao rất nhiều đồ vật lạ: bình Canaanite, bình đất nung Mycenaean và Minoan, bình thạch cao Ai Cập, bình Sardinia, đồ trang sức từ Ugarit và Hittites, v.v. tất nhiên là chưa kể đến nhiều bình hoa được sản xuất tại địa phương hoặc hàng nhái. Do đó, rất có thể các cư dân được hình thành từ sự pha trộn của nhiều dân tộc Địa Trung Hải.

Các cuộc khai quật mới cũng phát hiện ra những chiếc bình có hình thuyền và hình ảnh của các chiến binh tương tự như những gì được mô tả trên bức phù điêu về Các Dân tộc biển ở đền thờ Ramesses ở Medinet Habu. Một chiếc đầu nhỏ bằng đồng, được tìm thấy trong chiến dịch khai quật cuối cùng, tượng trưng cho một người đàn ông đội mũ lông vũ. Theo Jan Driessen, nếu mảnh vỡ này có thể thuộc về đại diện của một con vật thần thoại - tượng nhân sư - thì “sự tương đồng với những chiếc mũ lông vũ mà các chiến binh Peleset đội trên bức phù điêu của Medinet Habu cũng là điều hiển nhiên”.

Những chiến binh Peleset này thường được coi là tổ tiên của người Philistines. Sau khi bị đánh bại bởi Ramses III, họ định cư tại khu vực ven biển của Israel ngày nay, tại các thành phố Gaza, Ashekelon, Gath, Ashdod và Ekron (Pentapolis). Nguồn gốc của người Philistines cũng đã được thảo luận nhiều vì theo Kinh thánh, họ đến từ Kapthor, nơi được cho là đảo Crete. Phân tích ADN của các ngôi mộ Philistine cũng cho thấy họ có nguồn gốc từ Nam Âu và do đó có thể có nguồn gốc từ Hy Lạp, Crete hoặc Cyprus.

Ngày nay, các nhà Ai Cập học, chẳng hạn như Giáo sư Pierre Grandet, cho rằng từ Ai Cập (Egype) thường được phiên âm là "Peleset" thay vào đó nên được đọc là « Poulasti ». Jan Driessen chỉ ra sự tương đồng về ngữ âm giữa tiếng Poulasti và tiếng Hy Lạp Pula-Wasti của người Mycenaean, "thành phố Pyla". Có thể Pyla trên thực tế là nơi sinh của bộ tộc Poulasti? Có phải họ đã mang tên Pyla từ Hy Lạp, tên của Pyla và Pylos tồn tại ở Messenia (phía tây Peloponnese)? Đây là những giả thuyết trêu ngươi các nhà khảo cổ học.


Một chiếc đầu nhỏ bằng đồng được tìm thấy trong các chiến dịch khai quật thể hiện một người đàn ông đội mũ gắn lông chim. (Ảnh : D.R).

Các dân tộc trên Trái đất

Joachim Bretschneider nói, nếu mối liên hệ giữa địa điểm Pyla và Các Dân tộc của biển có thể được chứng minh, thì có thể sau khi cướp bóc các khu vực xung quanh, những người "Pylians" đã tạm thời từ bỏ các cơ sở của họ (cất giấu những vật có giá trị của họ) và tấn công Ai Cập, nơi cuối cùng họ đã bị đánh bại. Ramses III đã ngăn cản họ quay trở lại Cyprus và tái định cư họ ở nơi sau này được gọi là Philistia. Từ những "Dân tộc của biển", sau này họ sẽ trở thành "Dân tộc của đất"...

Các Dân tộc của biển có phải chịu trách nhiệm duy nhất cho sự tàn phá quy mô lớn khắp phía Đông Địa Trung Hải không? Chắc là không. Trong cuốn sách của mình, "Năm 1177 TCN. Năm mà nền văn minh đó sụp đổ", tác giả người Mỹ Eric Cline đã đưa ra và cân nhắc một loạt các giả thuyết giải thích cho sự sụp đổ mang tính khái quát này. Chúng bao gồm từ sự nóng lên toàn cầu, sau đó là hạn hán và nạn đói, trải qua động đất, nội chiến, sự di chuyển mạnh mẽ của các nhóm dân cư chạy trốn khỏi vùng đất xuất xứ của họ, v.v. Tuy nhiên, không có sự đồng thuận khoa học về vấn đề này.

Do đó, rất có thể Các Dân tộc biển chỉ là một phần của các tác nhân thời kỳ khủng hoảng chung bao gồm một loạt các sự kiện do biến đổi khí hậu lớn ở một số khu vực. Hiện tượng này gây ra các vấn đề đối với việc cung cấp lương thực và di cư môi trường luôn xảy ra. Do đó, sự kết thúc của Thời đại Đồ Đồng là sự kết thúc của hiệu ứng Hòn tuyết lăn hoặc sự sụp đổ của quân cờ Domino. Một hiệu ứng con bướm. Nhưng địa điểm của Pyla khiến việc tái tạo lịch sử trở nên dễ hiểu hơn một chút.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn