Nghi vấn mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ

Thứ Năm, 14 Tháng Tư 20229:00 SA(Xem: 2140)
Nghi vấn mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ

Vòng kim loại và khối cầu lớn có thể thuộc về tên lửa Trường Chinh 3B rơi xuống một ngôi làng ở vùng hẻo lánh phía tây Ấn Độ.

Dân làng bao quanh vòng kim loại. Ảnh: 24News

Dân làng bao quanh vòng kim loại. Ảnh: 24News

Vòng kim loại có đường kính 2 - 3 m và nặng hơn 40 kg được phát hiện ở cánh đồng tại bang Maharashtra vào chiều tối hôm 2/4, theo quản lý quận Ajay Gulhane.

"Chúng tôi đang chuẩn bị một lễ hội cộng đồng thì vành đĩa màu đỏ rơi xuống kèm theo tiếng động lớn trên khoảng đất trống trong làng", một phụ nữ giấu tên ở quận Chandrapur thuộc bang Maharashtra, kể lại. "Mọi người vội vã chạy về nhà do lo sợ sắp có vụ nổ xảy ra và ở trong nhà suốt gần nửa giờ".

Một vật thể khác là khối cầu kim loại lớn với đường kính khoảng nửa mét rơi xuống ngôi làng khác trong quận. Theo Gulhane, nhà chức trách đã kiểm tra đồ vật và cử cán bộ xuống từng làng để tìm thêm các bộ phận khác nằm rải rác. Tuy nhiên, không có báo cáo nào về thương tích hay thiệt hại đối với những công trình.

Một nhân viên của Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết thời gian hai vật thể xuất hiện phù hợp nhất với hoạt động hồi quyển vào hôm 2/4 của mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc phóng hồi tháng 2/2021. Do thân tên lửa không bị cháy rụi trong khi bay qua khí quyển, các bộ phận như ống phun, vành đai và bình chứa có thể rơi xuống đất.

Nhà thiên văn học Jonathan McDowell ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết vòng kim loại phù hợp với tên lửa Trường Chinh 3B của Trung Quốc. Các vật thể tạo ra nhiệt lượng và ma sát cực lớn khi rơi trong khí quyển, khiến chúng bốc cháy và vỡ thành nhiều mảnh. Nhưng vật thể lớn có thể không bị phá hủy hoàn toàn. Bộ phận còn sót lại có thể rơi trên mặt đất và gây thiệt hại về người và của, dù nguy cơ rất thấp. Năm 2020, mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc rơi xuống ngôi làng ở Bờ Biển Ngà, phá hủy một số công trình nhưng không gây thương tích.

An Khang (Theo Phys.org)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn