Vị bác sĩ tạo nên "ngành công nghiệp" trộm mộ ở Anh

Thứ Sáu, 25 Tháng Ba 20227:00 CH(Xem: 1509)
Vị bác sĩ tạo nên "ngành công nghiệp" trộm mộ ở Anh

Vào đầu những năm 1700, việc mua bán thi thể người chết để sử dụng trong nghiên cứu y học là một trong những chủ đề gây tranh cãi kịch kiệt của giới y khoa Anh. Thậm chí, nó đã trở thành chủ đề nhạy cảm được ngầm thống nhất rằng không nên đề cập đến. Nguồn thi thể phục vụ cho nghiên cứu rất khan hiếm, thường đến từ những kẻ trộm mộ.

Thời đó, nạn trộm mộ cũng chưa phổ biến, chỉ một số ít người dân khó khăn hoặc những kẻ lưu manh cần tiền mới đi đào trộm mộ của người khác.

Người đã thay đổi hoàn toàn tình trạng đó là John Hunter (1728 – 1793), người Scotland, một trong những nhà giải phẫu và bác sĩ phẫu thuật hàng đầu của thời đại trước. Ông được tôn sùng vì những khám phá trong y học, nhưng đồng thời cũng bị chính đồng nghiệp và người dân ở Anh quốc ghê sợ vì niềm đam mê bất thường đối với việc giải phẫu thi thể người. Bác sĩ Hunter chính là người đã biến hoạt động trộm mộ ở Anh quốc trở thành một “ngành công nghiệp” lớn với sự góp sức của chính ông và số lượng thi thể khổng lồ mà ông mua từ vô số băng trộm.


Bác sĩ John Hunter được tôn sùng vì những khám phá trong y học, đồng thời cũng bị ghê sợ vì niềm đam mê bất thường đối với việc giải phẫu thi thể người.

Hoạt động của bác sĩ Hunter cùng sự bùng nổ trong việc tuyển sinh ở các trường y đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn thi thể, đồng thời đẩy giá mua bán xác người tăng vọt. Từ khoảng 2 bảng Anh vào những năm 1780 lên tới 16 bảng Anh (tương đương với gần 1.000 USD ngày nay) vào những năm 1810. Mức giá này ngang với thu nhập trung bình của một người lao động phổ thông ở Anh trong nhiều năm.

Giá thi thể càng cao, ngành công nghiệp trộm mộ càng phát triển rực rỡ, kèm theo đó là vô số người bị tước đi quyền an nghỉ trên mộ phần gia đình.


Giá thi thể càng cao, ngành công nghiệp trộm mộ càng phát triển rực rỡ.

Khi ngành công nghiệp trộm mộ lên ngôi

Những kẻ trộm mộ thường làm việc theo nhóm. Các băng nhóm thiếu kinh nghiệm thường săn xác người từ các ngôi mộ tập thể - những huyệt lớn chờ được lấp đầy bởi thi thể người bệnh. Các nhóm tinh vi hơn thì có nhiều thủ đoạn nhằm vào mộ cá nhân. Nhiều nhóm còn thuê nữ gián điệp làm nhiệm vụ chà trộn gần các bệnh viện để chờ người chết, sau đó ghi lại vị trí chôn và thăm dò các biện pháp bảo vệ mộ. Nếu nghĩa trang có người trông giữ, họ sẽ tiến hành mua chuộc hoặc chuốc say người này khi hành động.

Đến đêm, những tên trộm chuyên nghiệp sẽ tính toán thời điểm trăng lên thích hợp nhất, vô hiệu hóa bẫy bảo vệ do gia đình người mất sắp đặt và đào bới bằng những chiếc xẻng bằng gỗ nhẹ. Các băng trộm rất hiếm khi phá hủy quan tài, thay vào đó, họ chỉ đào một phần rồi dùng xà beng bật nắp hòm. Sau khi lấy được thi thể, họ thường rạch nát mặt “nạn nhân” để không bị nhận dạng. Vải liệm và bất kỳ đồ trang sức được trôn kèm theo sẽ bị bỏ lại do nếu bị bắt, việc trộm tài sản sẽ khiến tội nghiêm trọng hơn. Các băng nhóm chuyên nghiệp có thể “dọn sạch” một ngôi mộ trong 15 phút và khôi phục nguyên trạng bên ngoài của mộ phần. Do đó, có không hiếm những phi vụ trắng tay do đào phải phần mộ đã bị nhóm khác ghé thăm trước.

Sau khi trộm thành công là công đoạn định giá. Thi thể người lớn có chung một khung giá, biến động tùy thời điểm. Thi thể trẻ em được tính giá bán theo từng inch. Đối với các mẫu vật quý hiếm như phụ nữ mang thai, giá có thể lên tới 20 bảng Anh (tương đương với khoảng 2.500 USD ngày nay). Một kẻ trộm mộ năng suất có thể kiếm được tới 100 bảng Anh chỉ trong một đêm.

Dù đem lại nguồn thu nhập khổng lồ, trộm mộ cũng là một công việc nguy hiểm. Nếu bị bắt, kẻ trộm có thể ngồi tù hoặc bị đày đến các thuộc địa của Anh. Không chỉ vậy, họ sẽ bị đám đông dân chúng sỉ nhục, đánh đập, quất bằng dây kim loại, thậm chí là bị chôn sống trong chính ngôi mộ họ vừa đào.

Giữa các băng nhóm cũng có sự cạnh tranh. Nếu khách quen – thường là các nhà giải phẫu học - mua xác người từ nhóm đối thủ, họ có thể đột nhập vào phòng thí nghiệm của khách hàng và phá hủy các thi thể.

Dù đem lại nguồn thu nhập khổng lồ, trộm mộ cũng là một công việc nguy hiểm.
Dù đem lại nguồn thu nhập khổng lồ, trộm mộ cũng là một công việc nguy hiểm.

Vị bác sĩ ám ảnh với thi thể

John Hunter là con út trong một gia đình 10 anh chị em ở Scotland. Ông theo nghiệp y một phần vì 6 anh chị em trong nhà đều chết trẻ vì bệnh tật. Vào năm 1748, Hunter 20 tuổi chuyển đến London làm trợ lý giải phẫu cho anh trai William, một bác sĩ sản khoa danh tiếng. Việc tiếp xúc với nhiều thi thể trong quá trình làm việc đã thổi bùng lên niềm đam mê, nỗi ám ảnh của ông.

Nỗi ám ảnh của bác sĩ Hunter bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Đầu tiên, ông chỉ đơn giản là yêu thích giải phẫu học. Không chỉ giải phẫu con người, ông cũng đã mổ xẻ hàng nghìn con vật, bao gồm cả những ca phức tạp trên một bộ phận cực nhỏ như tinh hoàn của chim sẻ hay nhau thai khỉ.

Thứ hai, ông coi giải phẫu là con đường cải cách y học. Y học trong thời đại ấy vẫn còn nhiều sơ sài, ông khao khát hiện đại hóa y học, và coi giải phẫu là nền tảng của cải cách, bởi để chữa bệnh thì các bác sĩ cần có kiến thức chuyên sâu về cơ thể người. Ông cần nhiều, nhiều hơn nữa những thi thể để thực hiện lý tưởng của mình. Nhà của ông thậm chí còn có cửa sau dành riêng để đón những kẻ trộm mộ, những căn phòng kế đó luôn bốc ra mùi xác chết.

Bằng những phương pháp “không chính thống”, bác sĩ Hunter đã khám phá hàng chục kiến thức mới về giải phẫu học. Ông đã giám sát ca thụ tinh nhân tạo đầu tiên ở người và đi tiên phong trong việc sử dụng điện để kích tim. Ông cũng là người sáng tạo ra biểu đồ về sự phát triển của trẻ sơ sinh trong tử cung và phân chia cách phân loại răng hiện đại. Nhờ những thành tựu đó, John Hunter được bầu vào hiệp hội Hoàng gia Anh năm 1767.

Nhưng danh tiếng của ông luôn đi kèm với tai tiếng, đặc biệt là về các giao dịch của ông với những kẻ trộm mộ. Thậm chí có lúc ông còn tự mình trộm thi thể - hành động bị hầu hết các nhà giải phẫu học thời đó coi thường vì họ coi kẻ trộm mộ là “những tên côn đồ hèn hạ” .

Đánh cắp thi thể “người khổng lồ”

Trong hơn mười năm làm việc cho anh trai, bác sĩ John Hunter đã mổ xẻ 2.000 thi thể, gần như tất cả đều đã bị đánh cắp bởi các băng trộm mộ, đôi khi chính ông làm. Trong đó, vụ việc đáng hổ thẹn nhất là về “người khổng lồ” người Ireland Charles Byrne.

Theo ghi chép, Charles Byrne cao đến gần 2,5m.
Theo ghi chép, Charles Byrne cao đến gần 2,5m.

Theo ghi chép, Byrne cao đến gần 2,5m. Để kiếm sống, anh tự trưng bày bản thân ở các hội chợ trên khắp Ireland và Anh. Khoảnh khắc bác sĩ John Hunter nhìn thấy Byrne, ông lập tức bị ám ảnh với ý muốn giải phẫu anh chàng khổng lồ.

Bác sĩ Hunter đã tiếp cận Byrne và đề nghị mua lại thi thể của người khổng lồ sau khi anh chết. Ông cho rằng việc được giải phẫu bởi chính ông, nhà giải phẫu hàng đầu thế giới, là một vinh dự. Nhưng Byrne đã tức giận và từ chối với thái độ vô cùng quyết liệt. Thậm chí, người khổng lồ đã hẹn gặp bạn bè của mình và yêu cầu họ thề với Chúa rằng sẽ giúp vứt xác anh xuống biển sau khi chết để John Hunter không bao giờ đạt được mục đích.

Vào tháng 6/1783, Charles Byrne uống rượu tự sát vì không chịu nổi căn bệnh viêm khớp hành hạ.

Bạn bè của Byrne đã trưng bày thi thể của anh để thu tiền. Sau bốn ngày, họ mới bắt đầu cuộc hành trình dài 75 dặm qua Canterbury ra biển để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của người khổng lồ mà không hay biết xác bạn mình đã bị đánh tráo.

Khi hay tin về cái chết của Byrne, bác sĩ Hunter đã hối lộ một thành viên trong nhóm đưa tiễn thi thể với giá 500 bảng Anh (tương đương với 50.000 USD ngày nay) để giúp ông trộm xác. Những người bạn của Byrne đã đưa theo một chiếc quan tài nhồi đầy đá, còn thi thể anh chàng khổng lồ tội nghiệp bị đưa đến phòng thí nghiệm của John Hunter ở London.

Vị bác sĩ đam mê giải phẫu không mổ xẻ Byrne mà đun thi thể của anh lên trong một chiếc thùng đồng lớn, vớt hết lớp mỡ bị tách ra và giữ lại bộ xương.


Ngày nay, bộ xương của Charles Byrne vẫn đang bị trưng bày ở London, Anh.

Charles Byrne, người thà bỏ mình giữa biển còn hơn bị mổ xẻ, cuối cùng trở thành một bộ xương trưng bày trong bảo tàng của bác sĩ Hunter ở London. Bảo tàng được gọi là “bộ sưu tập của Hunter về những nỗi đau khổ của con người”. Đến tận ngày nay, bộ xương vẫn đang bị trưng bày trái với mong muốn của khổ chủ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn