Kính James Webb hoàn thành mở tấm chắn nắng dài 21 m

Thứ Tư, 12 Tháng Giêng 20223:00 SA(Xem: 3051)
Kính James Webb hoàn thành mở tấm chắn nắng dài 21 m

Siêu kính viễn vọng James Webb trị giá 10 tỷ đô hôm 4/1 triển khai thành công tấm chắn nhiệt khổng lồ, một trong những nhiệm vụ phức tạp nhất.

"Cả 5 lớp của tấm chắn đều đã được căng hết mức", phát ngôn viên của NASA tại trung tâm điều khiển kính viễn vọng không gian James Webb ở Baltimore, bang Maryland, Mỹ, cho biết trong một tuyên bố.

Tấm chắn nhiệt hình cánh diều dài 21,2 m và rộng 14,2 m, tương đương một sân tennis, hoạt động như chiếc dù che nắng, tạo bóng râm để các thiết bị khoa học của James Webb có thể phát hiện tín hiệu hồng ngoại mờ nhạt từ những vùng xa xôi của vũ trụ.

James Webb là kính viễn vọng không gian mạnh nhất từng được chế tạo. Ảnh: NASA

James Webb là kính viễn vọng không gian mạnh nhất từng được chế tạo. Ảnh: NASA

Do kích thước lớn, kính viễn vọng phải được gấp gọn theo kiểu origami để đặt vừa bên trong khoang trọng tải hình nón của tên lửa. Sau đó, nó phải tự động mở ra khi ở trong không gian. Chỉ riêng việc triển khai tấm chắn nhiệt đã mất tới 8 ngày, trong đó mỗi lớp của tấm chắn mất 1 - 2 ngày. Đây là nhiệm vụ triển khai khó khăn nhất mà NASA từng thực hiện.

"Lần đầu tiên có một kính viễn vọng lớn như vậy được đưa vào không gian. Việc triển khai tấm chắn nắng thành công là một minh chứng đáng kinh ngạc cho sự khéo léo của con người", phó giám đốc sứ mệnh khoa học Thomas Zurbuchen của NASA nhấn mạnh.

Theo Krystal Puga, kỹ sư chế tạo James Webb, hệ thống tấm chắn nhiệt của kính viễn vọng bao gồm 140 cơ cấu nhả, 70 khớp bản lề, 8 motor triển khai, lò xo, bánh răng, khoảng 400 ròng rọc và 90 dây cáp dài tổng cộng 400 m.

5 điều cần biết về siêu kính viễn vọng James Webb

Mô phỏng quá trình triển khai tấm chắn nhiệt của James Webb. Video: Reuters

Được phát triển để thay thế kính viễn vọng Hubble, công cụ mang tính biểu tượng của NASA và ESA trong hơn ba thập kỷ hoạt động trên quỹ đạo, James Webb được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong công cuộc khám phá không gian.

Với độ nhạy cải thiện gấp 100 lần và khả năng quan sát vũ trụ ở bước sóng dài hơn ánh sáng khả kiến, kính thiên văn hồng ngoại thế hệ mới này có thể "nhìn xuyên quá khứ" để thu thập thông tin về tất cả các giai đoạn lịch sử của vũ trụ, kể từ sau vụ nổ Big Bang cách đây khoảng 13,8 tỷ năm đến nay, cho phép khám phá những vật thể và cấu trúc xa xôi nhất, chẳng hạn như sự hình thành của các thiên hà đầu tiên, hay đặc điểm khí quyển của những ngoại hành tinh có thể sinh sống được.

James Webb là kết quả của một nỗ lực hợp tác quốc tế lớn với sự tham gia của hàng chục quốc gia, dẫn đầu bởi NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Cơ quan Vũ trụ Canada. Hơn 10.000 người đã làm việc tại dự án cho đến nay. Thời gian hoạt động của James Webb được kỳ vọng sẽ kéo dài ít nhất 10 năm.

Đoàn Dương (Theo AFP)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn