Ô nhiễm trong nhà: Kẻ thù vô hình ít ai biết

Thứ Hai, 27 Tháng Mười Hai 20217:00 SA(Xem: 5798)
Ô nhiễm trong nhà: Kẻ thù vô hình ít ai biết
Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Các chuyên gia nói rằng nguồn không khí ô nhiễm mà chúng ta tiếp xúc chủ yếu là ở môi trường trong nhà. Làm thế nào để có thể làm giảm mức ô nhiễm này một cách hiệu quả nhất?

Khi đại dịch Covid-19 buộc chúng ta phải áp dụng biện pháp phong tỏa toàn cầu hồi đầu năm nay, một điều tích cực - tuy chỉ mang tính tạm thời - là giảm mức ô nhiễm không khí ngoài trời.

Từ Mỹ đến Trung Quốc, mức độ ô nhiễm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi các quốc gia mở cửa trở lại, mức ô nhiễm tăng về mức như trước đại dịch.

Nhưng sự tập trung xem xét mức độ ô nhiễm không khí ngoài trời này lại bỏ qua một thực tế đơn giản rằng hầu hết việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm của chúng ta diễn ra ở ngay ở môi trường trong nhà.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), độ ô nhiễm không khí trong nhà có thể cao hơn từ hai đến năm lần so với ngoài trời - và việc phong tỏa càng làm cho tình hình trầm trọng thêm.

Từ đầu tháng Ba đến đầu tháng Năm 2020, Airthings, hãng sản xuất thiết bị thông minh theo dõi chất lượng không khí có trụ sở tại Na Uy, đã phân tích dữ liệu người dùng của họ ở Hoa Kỳ và Châu Âu.

Tác động của lệnh phong tỏa

Hãng phát hiện ra rằng mức độ dioxide carbon và các hạt lơ lửng trong không khí - được gọi là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) - tăng lên từ 15 đến 30% tại hơn 1.000 ngôi nhà ở một số nước châu Âu.

Tương tự, dữ liệu do Dyson thu thập về các máy lọc không khí đã đăng ký của họ ở 11 thành phố trên bốn châu lục cho thấy mức VOC và dioxide nitrogen (NO2) tăng lên kể từ khi có chính sách phong tỏa.

"Tại các nước phát triển, người dân dành đến 90% thời gian ở trong nhà, thế nhưng khi nói đến vấn đề ô nhiễm thì chúng ta lại tập trung vào ngoài trời là nơi chúng ta dành chỉ có 10% thời gian ở đó," Nicola Carslaw, giáo sư hóa học chuyên về lĩnh vực không khí trong nhà tại Đại học York, cho biết. "Song phần lớn mọi người tiếp xúc với ô nhiễm không khí ở ngay bên trong nhà mình."

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hút bụi có thể làm tăng ô nhiễm không khí trong nhà nếu máy hút không sử dụng các bộ lọc phù hợp

Tất nhiên, cũng cần lưu ý rằng vấn đề không phải là "chỉ cái này hoặc cái kia", bởi ô nhiễm không khí ngoài trời cũng xâm nhập được vào trong nhà.

Một số loại ô nhiễm gây chết người nhất, trong đó có oxide nitrogen và các hạt nano, cũng là những hạt nhỏ, mịn nhất - nhỏ đến mức chúng thừa sức đi xuyên không chỉ các vách ngăn của phổi và xâm nhập tới mạch máu, cho nên dĩ nhiên là chúng dễ dàng lọt qua những kẽ hở của cánh cửa đóng kín để vào nhà.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 3,8 triệu người chết do tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà.

Chất lượng không khí trong nhà kém có liên quan đến một loạt bệnh tật, như hen suyễn, viêm phổi, ung thư phổi, bệnh phổi mãn tính và bệnh tim mạch.

Những sinh hoạt thường nhật gây ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí trong nhà phát sinh từ một loạt các sinh hoạt thường ngày.

Các hạt mịn được giải phóng từ các hoạt động như nấu ăn (đặc biệt là chiên rán và nướng), chùi rửa, đốt lửa thắp nến.

Trên thế giới, ước tính có ba tỷ người vẫn nấu ăn bằng các loại bếp phát ngọn lửa trực tiếp hoặc các loại bếp nấu thô sơ như bếp sử dụng dầu hoả, than hoặc khí đốt sinh học, là những nguồn tạo ra lượng lớn ô nhiễm không khí trong nhà.

Nhưng ngay cả việc sử dụng bếp hiện đại cũng vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạn tiếp xúc với PM2.5 (các hạt cực nhỏ nguy hiểm cho sức khỏe con người khi hít phải) khi tráng trứng trong nhà bếp nhiều hơn là đứng ven đường tại London.

Một nghiên cứu khác cho thấy làm món thịt nướng vào ngày Chủ Nhật hoặc bữa tối trong Lễ Tạ ơn có thể tạo ra mức PM2.5 cao hơn so với những gì được tìm thấy trên đường phố Delhi, một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Theo Marina Vance, kỹ sư môi trường tại Đại học Colorado Boulder, và các đồng nghiệp của bà, những người đã tiến hành nghiên cứu, thì những hạt này gây ra nguy cơ đặc biệt đối với hệ hô hấp. Đáng ngạc nhiên là mức PM2.5 cao nhất được phát hiện ra là khi chúng ta nấu bữa sáng.

Đây là lý do tại sao các chuyên gia nhấn mạnh rằng mọi người nên luôn sử dụng quạt hút mùi hoặc mở cửa sổ khi nấu ăn.

Chúng ta cũng sử dụng rất nhiều hóa chất có thể phát tán trong không khí trong nhà.

Những hóa chất này tồn tại sẵn trong keo dán đồ nội thất cũng như trong sơn, keo gắn mạch tường, mạch gỗ, trong gỗ và trong các loại vật liệu xây dựng.

Ngoài ra còn có VOC phát tán từ các sản phẩm tẩy rửa gia dụng, sản phẩm vệ sinh cá nhân như sữa tắm và nước hoa, keo dán, mực và chất tạo mùi thơm cho không khí.

Xét từng loại đơn lẻ thì có một số VOC gây tác hại lớn hơn một số khác, mặc dù hầu hết tất cả đều phản ứng với thành phần oxide trong hợp chất của nitrogen để tạo ra ozon trên bề mặt Trái Đất.

"Nếu gắn hộp xả mùi làm thơm mát không khí trong phòng, là loại liên tục phát tán ra VOC, thì ta biết rằng chúng sẽ có phản ứng hoá học ngay trong nhà để tạo thành các hạt mịn," Carslaw nói.

"Nếu bạn nói với mọi người rằng họ đang tiếp xúc với các hạt gây ô nhiễm ngoài trời do các phương tiện giao thông xả ra thì họ sẽ thấy giật mình ngay và có thể muốn tránh một số tuyến đường nhất định - nhưng sau đó họ sẽ vô tư bật máy điều hòa mà không hề nhận ra rằng chúng cũng đang tạo ra các hạt nguy hiểm."

Nếu bạn cần phải sử dụng sản phẩm làm sạch có mùi thơm hoặc chất làm thơm không khí trong phòng, hãy làm một cách chừng mực và nhớ giữ cho căn phòng thông thoáng.

Hút bụi cũng là một nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà nếu máy hút không sử dụng các bộ lọc cao cấp phù hợp. Lau nhà bằng các sản phẩm tẩy rửa nhất định cũng có thể làm tăng mức độ hóa chất trong không khí.

Các chất ô nhiễm khác còn có bào tử nấm mốc và các mảnh nấm mốc do ẩm ướt và đọng hơi nước.

Khí đốt, bao gồm monoxide carbon, dioxide carbon và oxide nitrogen, cũng chủ yếu được xả ra từ máy sưởi và bếp gas, mặc dù nến, đèn dầu và việc hút thuốc lá cũng đóng góp gây nên những chất độc này. Các khí như dioxide nitrogen cũng xuất hiện trong không khí ngoài trời, nhưng chúng tích tụ ở nồng độ cao hơn nhiều bên trong nhà.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng quạt hút mùi khi nấu nướng do ô nhiễm không khí sẽ tăng đột ngột vào lúc này

"Nấu nướng và lau chùi là hai trong số những nguồn chính gây ô nhiễm không khí trong nhà," Carslaw nói. "Khi nấu ăn, bạn tạo ra dioxide nitrogen và các hạt, là những chất gây ô nhiễm giống như ở ngoài trời - chỉ là phát sinh từ nguồn khác mà thôi."

Radon, một loại khí phóng xạ tự nhiên không mùi, cũng có thể xâm nhập vào trong nhà qua mặt đất hoặc qua các vết nứt trên tường, và có thể tích tụ trong nhà nếu không có hệ thống thông gió đầy đủ. Ở Mỹ, phơi nhiễm radon là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc.

Bản phúc trình ra hồi năm ngoái của các chuyên gia của Airtopia chuyên về ô nhiễm không khí trong nhà cho thấy gần một nửa số ngôi nhà ở Anh có mức ô nhiễm không khí trong nhà cao.

Dữ liệu từ 47 ngôi nhà ở Birmingham, London và các hạt xung quanh vùng Đại London cho thấy một phần năm các nhà có nồng độ formaldehyde cao gấp đôi mức an toàn cho phép. Và 45% ngôi nhà có mức VOC tăng lên đáng kể - với 28% chủ hộ ở những ngôi nhà có chỉ số VOC cao cho biết họ gặp nhiều vấn đề về hô hấp.

Một nghiên cứu khoa học mới đây, được thực hiện bởi các chuyên gia ở Bồ Đào Nha, đã tập trung đánh giá chất lượng không khí trong những ngôi nhà có các bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Họ phát hiện ra rằng ba phần tư số ngôi nhà có mức PM2.5 vượt quá giới hạn mà WHO khuyến nghị, trong đó 41% số ngôi nhà vượt quá giới hạn khuyến nghị đối với các chất ô nhiễm PM10, loại bụi hạt có kích thước to hơn so với PM2.5.

Tuy nhiên, trong khi mức độ ô nhiễm không khí trong nhà đôi khi có thể trở nên khá cao và một số hợp chất nhất định có thể đạt đến mức độc hại, thì mỗi ngôi nhà lại ô nhiễm theo một kiểu khác nhau và mỗi người bị ảnh hưởng bởi không khí trong nhà theo những cách khác nhau, tùy theo hoạt động và thói quen của họ. Điều đó có nghĩa là nó thay đổi đáng kể, thậm chí gây khó khăn trong việc nghiên cứu so với ô nhiễm không khí ngoài trời.

"Ở ngoài trời, tất cả chúng ta đều có thể biết rõ mức độ ô nhiễm không khí đang diễn ra hàng ngày. Vậy mà ở trong nhà, ngay trong nhà riêng của mình thì chúng ta lại không hay biết gì," Alastair Lewis, giám đốc khoa học tại Trung tâm Khoa học Khí quyển Quốc gia của Vương quốc Anh, cho biết.

"Trong những ngôi nhà không thoáng khí mà lại có các nguồn lớn gây ô nhiễm, mật độ các hạt trong nhà có thể cao hơn nhiều so với ngoài trời."

"Trong nghiên cứu của riêng chúng tôi, khi nhìn vào VOC trong các ngôi nhà ở Anh, ta sẽ thấy có cả ngàn khác biệt giữa hai ngôi nhà ở ngay cạnh nhau."

Giải pháp

Để giảm các chất ô nhiễm không khí trong nhà, các chuyên gia đồng ý rằng việc loại bỏ nguồn gây ô nhiễm và tăng biện pháp thông gió là hai giải pháp then chốt.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tráng trứng hoặc làm bữa sáng có thể giải phóng một lượng đáng ngạc nhiên các hạt mịn nhỏ li ti, được gọi là hạt PM2.5

"Trong hầu hết các trường hợp, có hai giải pháp rõ ràng cho hầu hết các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà," Ben Barratt, giảng viên cao cấp về tiếp xúc với môi trường và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Imperial College, London, nói.

"Một là loại bỏ nguồn gây ô nhiễm ngay từ đầu - tức là sử dụng bếp điện thì sẽ tốt hơn so với bếp gas. Hãy thận trọng khi dùng các chất tẩy rửa và không nên lạm dụng chúng; hãy thận trọng khi dùng nến và hương, và không dùng quá mức cần thiết. Trong mọi trường hợp, nếu bạn nhận ra mình đang tạo ra ô nhiễm không khí trong nhà thì hãy thông gió, mở cửa sổ."

Nhưng nếu bạn sống gần một con đường đông đúc hoặc trong trung tâm đô thị, việc mở cửa sổ lại có thể chỉ làm tăng thêm ô nhiễm trong nhà mà thôi.

Trong trường hợp đó, các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng bộ lọc Hepa (Bộ lọc không khí có hiệu suất cao), có thể loại bỏ hiệu quả các hạt có kích thước 0,3 micromet trở lên. Tuy nhiên, một hạt 0,3 micromet vẫn là lớn hơn nhiều lần so với phân tử oxide nitrogen hoặc các hạt nano - vì vậy bộ lọc Hepa cũng chưa phải là thuốc chữa bách bệnh.

Tuy nhiên, một vấn đề nữa là độ khả tín trong các tuyên bố của các công ty sản xuất máy lọc không khí.

"Điều khiến tôi quan ngại về những máy làm sạch không khí này là chất lượng của chúng hầu như không được kiểm soát," Carslaw nói. "Vậy nên, bất kỳ công ty nào cũng có thể đưa một sản phẩm ra thị trường và nói rằng sản phẩm này có thể loại bỏ 99% chất gây ô nhiễm".

Để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm lượng khí thải carbon, nhiều kiến trúc sư đang hướng tới các tòa nhà kín gió hơn. Nhưng làm như vậy, chúng ta nên cẩn thận để không làm giảm chất lượng không khí trong nhà, các chuyên gia nói.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Việc xe cộ đi lại trên đường lâu nay đã khét tiếng là nguồn chủ yếu gây ô nhiễm ngoài trời, nhưng ô nhiễm trong nhà lại thường bị bỏ qua mặc dù chúng ta dành phần lớn thời gian ở trong nhà

"Chúng ta phải ý thức rất rõ rằng chúng ta không hề muốn sống trong những chiếc hộp kín bưng," Barratt nói. "Với những tòa nhà kín và cách nhiệt, chúng ta có thể không phải dùng nhiều máy sưởi và chúng ta có thể không bị ảnh hưởng quá mức bởi ô nhiễm không khí ngoài trời - nhưng chúng ta lại cần lưu ý những điều như độ ẩm, bào tử nấm mốc, ô nhiễm không khí trong nhà, và chúng ta cần đảm bảo thông gió tốt."

Trong điều kiện bình thường, chúng ta đã dành đến 90% thời gian ở trong nhà. Nay, xã hội chuyển hướng sang làm việc tại nhà là chủ yếu thì thời gian tiếp xúc môi trường trong không gian kín lại càng nhiều hơn, do đó chất lượng không khí trong nhà càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Nồng độ chất ô nhiễm bên trong các tòa nhà thường cao hơn so với không khí bên ngoài, nhưng một điều đáng báo động là hầu như chưa có quy định nào được ban hành đối với việc kiểm soát không khí trong nhà.

Rõ ràng cần phải nâng cao hơn nhận thức của cộng đồng về mối liên hệ giữa chất lượng không khí trong nhà và vấn đề sức khỏe yếu kém.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn