Đằng sau những cái chết vô thưà nhận ở Mỹ

Thứ Năm, 14 Tháng Mười 20217:00 CH(Xem: 2542)
Đằng sau những cái chết vô thưà nhận ở Mỹ

Tất cả những người có mặt xếp hàng sau cha xứ nhìn ông tụng kinh, làm lễ. Phần lễ kéo dài chỉ vỏn vẹn 10 phút. Không có một tiếng khóc nào, vì chẳng ai quen biết với người đã mất cả. Một báo cáo của tờ Washington Post cho biết, mỗi năm có khoảng 10.000 người chết không có thân nhân nhận xác. Kể từ khi báo cáo trên được xuất bản vào năm 2019, con số này đã tăng thêm 30% do đại dịch COVID-19. Rất nhiều người Mỹ đang đối mặt với một cái chết cô quạnh.

Không mối quan hệ

Nói về vấn đề này, bà Betsy Gara, Giám đốc điều hành Hội đồng các thị trấn ở bang Connecticut, nhận xét: “Những người chết mà không có ai nhận xác đều từng dành nhiều năm liền sống một mình, không gia đình, bạn bè”.

Thực tế cho thấy, người Mỹ đang ngày càng ít quan hệ với hàng xóm, chứ chưa nói gì đến họ hàng. Số lượng người độc thân hoặc cha mẹ sống một mình ngày càng có xu hướng gia tăng. Họ có thể sống, làm việc, vui chơi… tại chính ngôi nhà của mình mà không cần đi nửa bước ra cửa. Mặt khác, nhiều cá nhân gặp phải những vấn đề như trầm cảm, nghiện rượu và các bệnh tâm lý khác khiến họ không thể gần gũi với gia đình được.

Một vị quan chức bang Maryland, ông Adam Puche, đồng ý với nhận định trên nhưng cũng thêm vào: “Vấn đề có cả mặt xã hội lẫn mặt kinh tế… Nền kinh tế Mỹ đang khó khăn, mà chi phí tang lễ không hề rẻ”. Theo một số khảo sát thị trường, chỉ riêng việc hỏa táng, mua đất mộ và chôn cất thi hài,… cũng đã có thể lên đến hơn 7.500 USD. Trong trường hợp người chết không có vợ (hoặc chồng) và không để lại di chúc, luật pháp Mỹ quy định con cháu họ sẽ có trách nhiệm chôn cất thi thể. Nếu người chết không có cả con cháu, trách nhiệm sẽ rơi vào tay cha mẹ, anh em, hoặc người giám hộ.

Trớ trêu thay, xác chết không có người nhận còn đặt thêm gánh nặng tài chính lên chính quyền địa phương. Chỉ riêng tại hạt Maricopa, bang Arizona, chính quyền đã tốn tới 1 triệu USD/ năm để đi tìm người thân cho xác chết không thừa nhận. Trong nhiều trường hợp họ tìm thấy người thân, nhưng dù làm thế nào đi nữa chính quyền cũng không thuyết phục họ đến tiếp nhận người đã mất. Thường thì tại sở cảnh sát địa phương sẽ có một thám tử chuyên làm việc tìm kiếm thân nhân. Họ sẽ bắt đầu từ giấy tờ tuỳ thân để tìm hồ sơ khai sinh, hồ sơ bảo hiểm y tế,… của người đã khuất, sau đó cứ thế mà lần ngược lên. Đôi khi họ tìm thấy thân nhân người chết sống ở đầu kia của đất nước.

Heidi Williamson, một thám tử tìm kiếm thân nhân ở bang California, chia sẻ về những khó khăn trong công việc: “Phần lớn những người mà tôi tìm thấy tỏ ra lịch sự. Nhưng có những trường hợp suy sụp tâm lý nặng. Họ khóc lóc, nổi giận, ngất xỉu,… Khi chuyện đó xảy ra thì cách tốt nhất là đi để họ có thời gian bình tĩnh lại. Nhưng chắc chắn không bao giờ được tránh đi quá lâu, vì làm thế có khi họ sẽ thẳng thừng bỏ mặc thi thể của người thân để quên đi chuyện cũ”.

Đằng sau những cái chết không ai nhận ở Mỹ -0
Tiểu sành đựng tro cốt chuẩn bị được chôn cất.

Giải quyết vấn đề

Một nguyên nhân khác không thể không đề cập đến là những vấn đề về tâm lý. Nếu như cả người đã mất lẫn thân nhân của họ nhận được sự điều trị của bác sỹ tâm lý, mọi chuyện đã có thể không tồi tệ đến như thế. Nhưng chi phí điều trị tâm lý trung bình ở Mỹ là từ 60-120 USD/ buổi trị liệu một tiếng rưỡi. Do vậy vấn đề tiền bạc đang đặt điều này vượt quá khả năng của nhiều gia đình.

Millisia Anderson, con gái một cụ bà mất ở Maricopa, kể lại: “Mẹ tôi mắc nhiều bệnh về xương khớp nên luôn sống trong đau đớn. Chưa hết, vì dùng nhiều thuốc giảm đau nên tâm lý mẹ tôi không ổn định. Bảo hiểm y tế lại không chi trả cho những trường hợp phải điều trị tâm lý vì thuốc giảm đau, nên chúng tôi có hai lựa chọn: Hoặc là tiếp tục chữa bệnh xương khớp nhưng không chữa bệnh tâm lý; hoặc là chữa bệnh tâm lý nhưng không chữa bệnh xương khớp”.

Mẹ của Millisia mất vì trong cơn hoang tưởng ngã xuống cầu thang. Millisia không thể vượt hơn 1.000 dặm từ Des Moine đến Maricopa để nhận xác mẹ mình được, phần vì không có đủ tiền đi xe, phần vì sợ bị chủ nợ bám đuổi. Nguyên nhân là bởi lúc mất bà cụ còn nợ bệnh viện hơn 5.000 USD. Số tiền này chủ yếu được dùng để chữa trị tâm lý cho bà.

Ngay cả đội ngũ bác sỹ cũng bất bình trước hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm lý tại Mỹ. Tiến sỹ Margie Opachinsky, Trưởng khoa Tâm lý tại Bệnh viện Đại học UCLA, phát biểu trước một cuộc tuần hành đòi nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ tâm lý như sau: “Chúng tôi đang gặp phải quá nhiều khó khăn. Chữa trị cho các bệnh nhân mắc hội chứng tâm lý không phải là việc kiếm ra tiền, nên bên tư nhân không bao giờ đầu tư vào. Trong khi đó có bao nhiêu tiền vốn nhà nước ít ỏi cũng phải dành hết cho các phòng, khoa khác”.

Không thiếu những ý tưởng, sáng kiến giúp giải quyết vấn đề người chết không thừa nhận. Ngoài việc nâng cao chất lượng chữa trị tâm lý, các chuyên gia đã đề xuất việc trích ra một quỹ hỗ trợ chi phí tang lễ ở từng địa phương. Việc tổ chức tang lễ sẽ được đảm nhận bởi các hội, nhóm tình nguyện kiêm luôn trách nhiệm quản lý các nhà hỏa táng từ thiện. Vấn đề ở đây là chính quyền có thật sự quan tâm đến hiện trạng đang càng ngày trở nên nghiêm trọng hay không mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn