• Dale Shaw
  • BBC Earth

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Từng rất phổ biến tại Siberia, chúng là loài to nhất thuộc họ nhà mèo sống nơi hoang dã. Nhưng chúng cũng đang phải đối diện với những thách thức vô cùng to lớn.

Hồi thập niên 1940, hổ Amur (Panthera altaica) bấp bênh bên bờ tuyệt chủng, với chỉ 40 con được cho là còn sót lại trong đời sống tự nhiên.

Năm 1947, Liên Xô đã có hành động cương quyết nhằm kiểm soát nạn săn bắn bất hợp pháp, và đã thiết lập một mạng lưới các vùng bảo vệ dành cho loài này.

Ngày nay, có khoảng 500 con hổ Amur sinh sống, chủ yếu ở các khu vực rừng taiga ở miền đông nước Nga, và ở miền đông bắc Trung Quốc.

Tuy mức tăng này là rất tích cực - và số lượng hổ được duy trì ở mức tương đối ổn định trong những năm gần đây - nhưng số lượng các cá thể hổ Amur còn lại khiến chúng vẫn nằm trong danh sách những loài khẩn nguy.

Vì sao vậy, và ta có thể làm được gì để cứu loài động vật này?

Điều gì khiến hổ Amur được coi là loài đặc biệt?

Trước đây, chúng được gọi là hổ Siberia. Ngày nay, chúng được biết đến nhiều hơn với cái tên gắn với con sông nằm ở biên giới giữa Nga và Trung Quốc, nơi chúng tập trung sinh sống nhiều nhất: sông Amur.

Sinh tồn được trong những điều kiện khắc nghiệt của mùa đông nước Nga, hổ Amur lớn hơn các loài hổ khác, chẳng hạn như hổ Sumatra hay hổ Bengal.

Để tự bảo vệ mình giữa khí hậu băng giá, chúng có bộ lông dày hơn và dài hơn.

Để giữ nhiệt được tốt hơn nữa, chúng thậm chí còn có bờm quanh cổ và có thêm lông mọc ở quanh móng chân.

Bộ lông màu vàng đặc trưng mà ta thường thấy ở hồ thì không được thể hiện rõ ràng lắm ở hổ Amur.

Trong những tháng mùa đông, bộ lông của chúng thậm chí trở nên nhạt màu hơn, và những phần vằn vện trở nên mảnh hơn, giúp chúng có thể ngụy trang tốt giữa các cây rừng.

Môi trường sống của chúng có lẽ mang nhiều thách thức hơn so với môi trường sống của những loài hổ khác - ban đêm nhiệt độ có thể lạnh tới -40 độ C - thế nhưng điều này cũng mang lại cho chúng những lợi thế nhất định.

Việc sinh sống ở nơi hoang vu khiến chúng có thể tự do đi lại.

Số lượng người sinh sống ở nơi đây rất thưa thớt, và điều đó đồng nghĩa với việc môi trường sống của hổ Amur ít bị mất đi do tình trạng chặt phá, xâm lấn rừng so với những nơi khác (tuy tình trạng đốn gỗ lậu vẫn là một vấn đề tại nơi này).

Những con hổ này cũng sống đơn độc và chỉ kết nhóm với nhau trong mùa sinh sản. Chúng rất hay lảng tránh các đối tượng khác và rất tài tình trong việc ngụy trang lẫn lộn vào môi trường, do đó việc lần theo dấu vết chúng là vô cùng khó khăn.

Trong lúc điều này đem lại cho chúng sự yên ổn ít nhiều trước những kẻ săn trộm, nhưng nó cũng khiến cho các nhà bảo tồn và các khoa học gia chuyên nghiên cứu về hổ gặp nhiều khó khăn.

Điều gì để dọa tới hổ Amur?

Theo một nhóm bảo tồn, có ít nhất 80% lượng hổ Amur bị chết là do con người gây ra.

Bất chấp các nỗ lực bảo tồn và lệnh cấm sắn bắn rất nghiêm ngặt, chúng vẫn bị giết làm chiến lợi phẩm. Kích cỡ to lớn của hổ Amur khiến chúng là thứ giải thưởng mà những tay thợ săn rất muốn đoạt được.

Ngoài việc chính bản thân chúng bị săn bắn, thì các loài động vật là mồi săn của chúng - như hươu rừng, lợn rừng - cũng bị săn trộm.

Do nguồn thức ăn bị giảm sút, bọn hổ cái buộc phải tìm các nguồn thực phẩm thay thế để chăm nuôi gia đình, và chúng thường tìm đến chỗ con người để bắt gia súc, vật nuôi. Việc chuyển tới sống gần với con người hơn khiến chúng có nguy cơ bị giết cao hơn, do con người báo thù việc bị mất gia súc, và cũng khiến chúng càng dễ bị săn trộm hơn.

Bọn hổ con thì dựa vào hổ mẹ cho đến khi được hai tuổi, cho nên việc một con hổ cái trưởng thành bị chết sẽ dẫn tới việc có thêm nhiều con hổ khác bị chết.

Nhưng tại sao loài động vật này lại hấp dẫn bọn săn trộm đến vậy?

Một khi sập bẫy, con hổ sẽ bị làm thịt, với các bộ phận cơ thể được buôn lậu qua biên giới Nga sang Trung Quốc để làm thuốc chữa bệnh theo kiểu đông y.

Các bệnh từ thấp khớp, thương hàn, sốt rét, lỵ, và sốt do chuột cắn được chữa bằng các bộ phận cơ thể khác nhau của hổ. Thậm chí cả râu hùm cũng hữu dụng: chúng được đeo làm bùa hộ mệnh.

Đã có những gì được làm để bảo vệ hổ Amur?

Nhóm bảo tồn 'Trung tâm Hổ Amur' nói có tới 70 con hổ mỗi năm bị săn trộm hồi 10 năm về trước.

Trong những năm gần đây, các nỗ lực phối hợp để bảo tồn hổ đã giúp giảm con số này xuống mức khoảng 20.

Nhóm này, cùng với các nhóm bảo tồn khác, tuần tr các vùng lãnh thổ sinh sống của hổ Amur bằng xe bọc thép nhằm phát hiện những kẻ săn trộm.

Luật pháp Nga cũng đã được củng cố với những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với những kẻ săn bắn trộm và đốn gỗ bất hợp pháp.

Công nghệ cũng đóng vai trò trong việc này. Các camera hồng ngoại có thể phát hiện ra từng cá thể động vật và trí tuệ nhân tạo được sử dụng để xác định loài, kích thước và trọng lượng con vật.

Dữ liệu này sau đó được lưu trữ để phục vụ công tác nghiên cứu trong tương lai.

Việc xác định được số lượng hổ sống rải rác có thể giúp xác định chính xác khu vực sinh sống của chúng và qua đó, bảo vệ chúng một cách hiệu quả.

Tuy sự hoang vu hẻo lánh của vùng Siberia khiến con người hiện diện thưa thớt tại đây, nhưng mức hoạt động công nghiệp ngày càng tăng và mức tăng dân số khiến con người xây cất thêm nhiều đường sá ở các khu vực sinh sống của hổ.

Để thích ứng, các hành lang sinh thái đã được thiết lập, kết nối các vùng lãnh thổ khác nhau của hổ, cho phép những cá thể vốn có tập tính sinh sống đơn độc có thể di chuyển dễ dàng từ vùng này tới vùng khá.

Tại một địa điểm, 'Hành lang Cọp' dài nửa km đã được xây dựng để chúng có thể đi lại an toàn qua một con đường chạy cắt ngang lãnh thổ của chúng.

Có thể loài hổ Amur rồi sẽ có kết cục tốt đẹp. Nhờ vào các nỗ lực bảo tồn ráo riết, những tiến bộ công nghệ, và nhận thức của con người được nâng cao mà số lượng hổ trong hoang dã tại một số nơi trên thế giới có vẻ như đang tăng lên.

Nga là một ví dụ về điều này. Hiện vẫn còn là trong những thời gian ban đầu, nhưng loài lớn nhất thuộc họ nhà mèo sống trong tự nhiên này có lẽ đã có cú hồi sinh trở lại rất mạnh mẽ.