Một nghiên cứu đã cập nhật tuổi chính xác nhất của vũ trụ được tính cho đến nay: 13,77 tỷ năm, với sai số khoảng 40 triệu năm.  Tuy nhiên, có một sự khác biệt không thể giải thích được giữa kết quả này và kết quả thu được bằng một phương pháp đo lường thường được sử dụng khác trong thiên văn học, theo Epoch Times.

Nghiên cứu này đã sử dụng Kính thiên văn vũ trụ Atacama (ACT) trên sa mạc Atacama ở Chile để thu thập dữ liệu quan sát trong 730 ngày từ năm 2013 đến năm 2016 để có được kết quả này. Kính thiên văn này được đặt tại một sa mạc hẻo lánh, tránh được sự ô nhiễm của ánh sáng nhân tạo, là điều kiện thuận lợi để quan sát thiên văn.

Các nhà khoa học sử dụng hệ số giãn nở của vũ trụ, còn được gọi là hằng số Hubble, để tính tuổi của vũ trụ. Có nhiều cách để tính toán hệ số giãn nở của vũ trụ. Phổ biến nhất có hai phương pháp. Một loại sử dụng các ngôi sao đặc biệt chẳng hạn như Cepheid để đo khoảng cách giữa các ngôi sao và tính toán hệ số giãn nở của vũ trụ; loại kia sử dụng ánh sáng nền vi sóng (CMB) phát ra từ giai đoạn sớm nhất của vũ trụ để phân tích lộ trình chúng đi và tính toán tốc độ giãn nở của vũ trụ.

Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Vũ trụ học và Vật lý Hạt thiên văn (Journal of Cosmology and Astroparticle Physics) vào ngày 30/12/2020, sử dụng phương pháp thứ 2. Hằng số Hubble đo được là 67,6 km/(giây⋅triệu parsec), có nghĩa là không gian xa chúng ta hơn một triệu parsec (khoảng 3,26 triệu năm ánh sáng), tốc độ cách xa chúng ta là 67,6 km/giây.

Kết quả này gần như phù hợp với những quan sát và tính toán của vệ tinh Planck của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vào năm 2013. Kết quả mà vệ tinh Planck thu được là 67,4 km/(giây⋅triệu parsec).

Một trong những nhà nghiên cứu, Simone Aiola của Trung tâm Vật lý Thiên văn Tính toán tại Viện Flatiron ở New York, cho biết trong một thông cáo báo chí công bố kết quả nghiên cứu: “Bây giờ chúng tôi có một kết quả trùng khớp với vệ tinh Planck. Các phép đo này rất khó. Thực tế này cho thấy kết quả đo lường của chúng tôi là đáng tin cậy”.

Phương pháp được nghiên cứu này và vệ tinh Planck sử dụng đều là phương pháp thứ 2, nó rất khác so với kết quả thu được bằng phương pháp đo đầu tiên.

Kết quả thu được theo phương pháp đầu tiên là 74 km/(giây⋅triệu parsec). Đây cũng là một trong những nghi vấn nan giải trong cộng đồng thiên văn học. Hầu hết các nhà khoa học tin rằng điều này là do sự hiểu biết hiện tại về vũ trụ có thể vẫn còn thiếu một số liên kết quan trọng.

Michael Niemack, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Cornell, một trong những tác giả của nghiên cứu này, cho biết: “Có thể việc giải thích lý thuyết của một trong các phương pháp là không chính xác, dẫn đến các vấn đề mang tính hệ thống. Khả năng thú vị hơn là nó có thể chỉ ra rằng lý thuyết mô hình vũ trụ chính hiện tại có một liên kết bị thiếu (có nghĩa là có thể có vấn đề với mô hình nhận thức chính của vũ trụ)”.

Chú thích: Parsec (thị sai giây cung) được xác định theo đơn vị thiên văn, là khoảng cách của một vật thể với thị sai bằng 1 giây cung.