Robot tắc kè đổi màu theo môi trường

Thứ Năm, 19 Tháng Tám 20213:00 SA(Xem: 1686)
Robot tắc kè đổi màu theo môi trường

Hàn QuốcRobot mềm thay đổi màu sắc theo thời gian thực tương ứng với cảnh vật giống tắc kè có thể mở đường cho cách thức ngụy trang mới trong quân sự.

Robot tắc kè đổi màu theo môi trường

Robot tắc kè di chuyển qua các sọc màu. Video: Seung Hwan Ko.

Lớp da tắc kè nhân tạo bao phủ phần lưng của robot bằng nhựa được phát triển bởi nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Quốc gia Seoul. Để mô phỏng loài vật, robot biết đi cỡ nhỏ dài 38 cm, rộng 15 cm và nặng 0,9 kg.

Video ghi hình robot tắc kè cho thấy nó bò qua bề mặt có nhiều sọc màu và họa tiết khác nhau. Robot dùng cảm biến để nghiên cứu màu sắc. Khi di chuyển qua mỗi sọc màu, các đoạn ở lưng robot dần đổi màu tương ứng, chuyển từ màu đỏ cam tới xanh lá cây và xanh dương. Các ứng dụng của công nghệ bao gồm tạo ra màn hình hiển thị linh hoạt đeo trên người, sản xuất xe hơi hoặc xây nhà cửa có thể đổi màu theo mong muốn của người sử dụng.

"Ứng dụng cao cấp nhất là áo tàng hình, thông qua hòa lẫn vào môi trường", kỹ sư cơ khí Seung Hwan Ko ở Đại học Quốc gia Seoul, giải thích. "Đối với quân đội, công nghệ sẽ giúp tạo ra robot do thám thông minh có khả năng che giấu tuyệt vời, khiến quân địch không thể nhận ra. Công nghệ cũng cho phép binh sĩ chủ động ngụy trang. Các loại đồng phục quân sự hiện nay khá "bị động". Chúng có màu sắc hoặc họa tiết cố định và không thể phản ánh sự thay đổi môi trường xung quanh".

Trái lại, lớp ngụy trang mới có thể thay đổi hình dáng để hòa lẫn tốt hơn vào cảnh vật. Trước đây, việc phát triển công nghệ như vậy từ lâu vẫn là thách thức lớn bởi thiết bị ngụy trang nhân tạo cần hiển thị nhiều màu sắc để thay đổi theo yêu cầu và phản ánh tốt những chi tiết của cảnh vật.

Trong nghiên cứu công bố hôm 10/8 trên tạp chí Nature Communications, giáo sư Ko và cộng sự đạt được điều này nhờ sử dụng phương pháp mới kết hợp các lớp tinh thể lỏng sắc tố nhiệt (sự thay đổi màu sắc theo nhiệt độ) với mạng lưới làm nóng bằng dây nano bạc xếp chồng lên nhau. Cảm biến màu sắc và hệ thống phản hồi trên robot phát hiện màu sắc cảnh vật, sau đó chuyển đổi màu sắc ở lớp da tương ứng. "Bạn có thể tưởng tượng một loại vải thay đổi màu sắc và hoa văn theo ý thích của bạn hoặc môi trường", giáo sư Ko mô tả.

Hiện nay, robot tắc kè hơi lớn hơn một chút so với vật thật. Tuy nhiên, khi nghiên cứu ban đầu hoàn thiện, các nhà khoa học hy vọng có thể thu nhỏ thiết kế. Họ cũng đang tìm cách mang tới cho robot khả năng phản ánh đặc điểm bề mặt cảnh nền với độ phân giải lớn hơn.

An Khang (Theo Mail)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn