Chiến tranh đà điểu tại xứ sở chuột túi

Chủ Nhật, 04 Tháng Bảy 20217:00 SA(Xem: 2101)
Chiến tranh đà điểu tại xứ sở chuột túi
bay-da-dieu

Một trong những loài vật bản địa độc đáo của “xứ sở chuột túi” là chim emu, hay còn gọi là đà điểu sa mạc Australia, loài chim lớn thứ hai trên thế giới còn tồn tại.

Không dữ dằn gây nguy hiểm cho người, thế mà có thời điểm chúng từng chiến đấu ngoan cường với quân đội Australia và đã giành chiến thắng.

Đất lành chim đậu

Sau Thế chiến thứ Nhất, một số cựu chiến binh đã được chính phủ Australia cấp đất ở những khu vực hoang hóa ở miền Tây chưa có người khai phá. Tại vùng đất mới này, những người từng cầm súng mong muốn bỏ lại phía sau những nỗi kinh hoàng của chiến tranh, chấp nhận một cuộc sống yên bình với công việc nhà nông. Chẳng bao lâu sau khi họ đến, toàn bộ khu vực này bạt ngàn cánh đồng lúa mì, loại lương thực thiết yếu ở thị trường lúc đó.

Ảnh minh họa cuộc chiến chống đà điểu của quân đội Australia.
Ảnh minh họa cuộc chiến chống đà điểu của quân đội Australia.

Mọi chuyện tưởng chừng suôn sẻ thì đột nhiên xuất hiện hàng chục nghìn con đà điểu to lớn tìm đến làm nơi cư trú. Nguyên do đất đai ở đây đã được trồng trọt, có lúa mì để chúng ăn và nguồn nước không bao giờ thiếu. Khi những cánh đồng lúa mì sắp vào mùa thu hoạch, chúng xông vào phá những hàng rào ngăn thỏ, hủy hoại mùa màng khiến những nông dân ở vùng đất mới cảm thấy vô cùng khốn khổ. Thời điểm này, họ lại đang phải chật vật với cuộc sống, do giá lúa mì lại tuột dốc, đồng thời cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến mọi thứ liên quan đến gia đình họ.

Chiến tranh

Trước nạn đà điểu phá hại, những nông dân nguyên là cựu chiến binh lãnh trách nhiệm diệt loài chim to lớn này với những khẩu súng trường cổ lỗ, nhưng sự cố gắng của họ không mang lại hiệu quả. Cuối cùng, họ cử một phái đoàn đến gặp Bộ trưởng Quốc phòng George Pearce, yêu cầu được cấp vũ khí hiện đại để xử lý mối nguy hại này. Bộ trưởng cho rằng, vũ khí phải được quân đội quản lý nên sẽ cử một lực lượng đến hỗ trợ, nông dân chịu trách nhiệm lo chỗ đồn trú và cung cấp lương thực để họ chiến đấu.


Bầy đà điểu trên cánh đồng lúa mì ở miền Tây Australia.

Ngay sau đó, vào tháng 10/1932, những toán quân và khí tài quân sự được triển khai đến khu vực bị ảnh hưởng do thiếu tá W. Meredith, thuộc lực lượng Pháo binh Hoàng gia Australia, chỉ huy. Họ được trang bị tận răng, với xe tải, súng trường, súng máy Lewis – loại hiện đại lúc bấy giờ, cùng 10.000 viên đạn, như thể đang ra mặt trận chiến tranh thế giới.

Ai cũng nghĩ đây chỉ là cuộc diễn tập bắn phá mục tiêu, những con đà điểu to xác này sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt. Thế nhưng, đoàn quân đã đánh giá thấp đối thủ, chúng đáng gờm hơn họ tưởng.

Đầu tiên, khó khăn mà binh lính đối mặt là những con đà điểu không dễ nhắm bắn, do tập quán của chúng thường tách thành từng nhóm nhỏ. Dù to xác nhưng chúng rất cơ động, nhanh chóng vượt ra ngoài phạm vi tác xạ hiệu quả của vũ khí, nên ngày đầu xuất trận, binh sĩ chỉ hạ được khoảng 10 con đà điểu nhưng đã bắn ra một cơ số đạn đáng kể.

Ngày 4/11, họ tổ chức một cuộc phục kích nơi “quân địch”, ước tính khoảng 1.000 đà điểu, sẽ đi qua. Tuy nhiên, khi chúng đến gần đủ để nổ súng tiêu diệt thì chỉ khoảng một chục con bị hạ, do khẩu súng máy Lewis bị kẹt đạn. Bầy đà điểu còn lại chạy tán loạn đủ các hướng. Cuộc phục kích được chuẩn bị kỹ đã thất bại thảm hại.

Ngày hôm sau, những cuộc tuần tra được tiến hành quanh khu vực phục kích nhưng không tìm thấy “quân địch” nào cả. Thiếu tá Meredith chỉ huy thuộc hạ tiến xa hơn về phía Nam để truy lùng, nhưng chỉ gặp một vài con lẻ tẻ. Chúng đã kịp ra phân tán thành từng nhóm tạm lánh khỏi khu vực.

Một binh sĩ sau đó nói rằng: “Loài chim khổng lồ này đã chứng tỏ chúng không phải ngu ngốc như người ta vẫn nghĩ. Mỗi nhóm đều có con đầu đàn, thường là con to lớn, lông màu đen, cao khoảng 1,8m, đứng cảnh giới cho đồng bọn xông vào đồng lúa. Khi có dấu hiệu khả nghi, nó báo động và hàng chục cái đầu đang cắm cúi ăn lúa sẽ vươn lên khỏi cánh đồng, nhìn quanh quất rồi chạy trốn vào các bụi rậm, riêng con đầu đàn luôn đứng yên một chỗ, chỉ chạy đi khi đàn em đã đến nơi an toàn”.

Vào ngày thứ 6 của chiến dịch, quân đội đã bắn khoảng 2.500 viên đạn và chỉ “loại ra khỏi vòng chiến” khoảng 200 con đà điểu. Đây không chỉ là thất bại về quân sự, mà còn không hiệu quả về mặt kinh tế nên ngày 8/11, chiến dịch tạm dừng. Thiếu tá Meredith chỉ còn biết tự an ủi rằng, ít nhất lực lượng của ông không bị… tổn thất về nhân mạng. Kết quả qua các cuộc “giao chiến” là 1 – 0 nghiêng về những con đà điểu.

Tin tức về sứ mệnh kỳ quặc và sự thất bại của quân đội trước đà điểu lan nhanh trên các phương tiện truyền thông lúc đó. Các nhà chính trị mỉa mai rằng nên chăng trao huy chương cho những con đà điểu.

Về phần đoàn quân chinh chiến, mọi chuyện được nhìn nhận như sự lãng phí nguồn lực và đánh giá quá thấp “kẻ thù”. Không thối chí, thiếu tá Meredith lại tung ra một chiến dịch thứ nhì. Lần này thành công hơn, với 1.000 con đà điểu bị giết, nhưng như thế vẫn còn ít so với mục tiêu đề ra. Người ta tính toán rằng, bình quân 10 viên đạn mới hạ được một con đà điểu, hoàn toàn không mang lại hiệu quả như mong muốn. Thế là đội quân trang bị hùng hậu lại rút lui. Kết quả cuối cùng: Đà điểu – 2; Quân đội – 0.

Sau đó, mặc dù nông dân tiếp tục thỉnh cầu can thiệp, nhưng chính phủ cho rằng việc sử dụng lực lượng quân sự để giải quyết vấn đề như vậy đã đủ. Thay vào đó, chủ trương thưởng tiền cho nông dân bắn hạ đà điểu được đưa ra. Biện pháp này hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề đà điểu phá hại mùa màng chỉ được giải quyết sau 20 năm, khi chính quyền bang Tây Australia khởi động dự án xây hàng rào dài 217 km, cao gần 1,5 m để ngăn loài chim này, cũng như chó và thỏ xâm nhập vào các cánh đồng lúa mì.

Giống như đà điểu châu Phi, anh em họ của chúng, đà điểu sa mạc Australia không bay được với kích thước rất to, chiều cao đến 1,8m, nặng từ 40kg đến 50kg. Khi chạy nước rút, chúng có thể đạt tốc độ 50km/h. Ngày nay, loài chim chạy khổng lồ này vẫn sinh sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh ở Australia.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn