• Dale Shaw
  • BBC Earth

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Cho dù là bạn thích vui đùa trong tuyết trắng khi xuất hiện bông tuyết đầu tiên hay chỉ muốn cuộn mình trong chăn và không ra ngoài cho đến khi tuyết tan vào mùa xuân, hay thậm chí bạn chỉ từng mơ được chạm tay vào một quả cầu tuyết, dưới đây là một loạt những kiến thức liên quan đến tuyết.

Tuyết không phải màu trắng

Nghe thật ấn tượng. Bạn có thể mơ về một Giáng sinh trắng xóa ngay cả khi nó không hoàn toàn chính xác.

Bất kỳ một người nào tỉ mỉ, rành về tuyết nào cũng có thể cho bạn biết, 'tuyết trắng' thật sự không phải màu trắng mà là có màu trong mờ.

Chính ánh sáng phản chiếu từ tuyết khiến nó nhìn như màu trắng trong khi nhiều mặt của bông tuyết phân tán ánh sáng ở nhiều hướng khác nhau, làm lan tỏa toàn bộ thang màu.

Tuyết cũng có thể có dưới rất nhiều màu sắc ngoạn mục đa dạng.

Bụi, sự ô nhiễm hay tảo nước ngọt háo lạnh có thể nhuộm tuyết thành đen, cam hay xanh.

Tuyết hồng hay 'tuyết dưa hấu', vốn do một loại tảo có chứa astaxanthin, loại hóa chất tương tự như thứ có trong cà rốt, từng được đề cập trong những trang viết từ rất sớm của triết gia Hy Lạp Aristotle.

Bông tuyết có rất nhiều hình dạng

Một trong những nhân tố quyết định hình dáng từng bông tuyết là nhiệt độ không khí xung quanh nó.

Nghiên cứu về bông tuyết cho thấy tinh thể băng dài và thon hình que hình thành ở nhiệt độ khoảng -2 độ C trong khi nhiệt độ thấp hơn ở mức -5 độ C sẽ tạo ra những tinh thể rất giống như chiếc đĩa (dĩa) dẹt.

Những thay đổi hơn nữa trong nhiệt độ khi tuyết rơi sẽ quyết định hình dáng khác nhau của sáu cánh hay cấu trúc của tinh thể tuyết hình rẽ nhánh.

Danh mục bông tuyết

Chủ nhân của trang blog khoa học Compound Interest, ông Andy Brunning, đã vất vả ghi lại danh mục 35 dạng bông tuyết khác nhau (cùng với một ít các loại vật thể rơi đóng băng khác).

Chúng được định dạng là hình trụ, trục, sương giá, dạng khuẩn, dạng bất thường cộng với một số dạng hỗn hợp.

Từ hạt nhân mà lớn ra

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Bông tuyết hay tinh thể tuyết không có hạt nhân theo ý nghĩa sinh học truyền thống (tức là có chứa những thông tin di truyền), nhưng tất cả đều được hình thành xung quanh một hạt đơn nhất cho dù đó là hạt bụi hay hạt phấn hoa.

Điều này khiến bông tuyết hoàn toàn khác với mưa tuyết (vốn là những hạt mưa bị đóng băng) hay mưa đá (những giọt mưa tuyết tích tụ thêm nước khi chúng rơi xuống).

Chúng ta có thể truy ra hạt khởi đầu tạo ra bông tuyết với một chiếc kính hiển vi cực mạnh.

Những bông tuyết khổng lồ

Trong hàng chục năm, đã có những câu chuyện về bông tuyết khổng lồ rơi khắp nơi trên thế giới với kích thước đường kính từ sáu, bảy cho đến, trong một trường hợp, 15 inch.

Mặc dù nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ những thông tin này và họ chỉ ra là không có bằng chứng chứng minh, các nhà khoa học giờ đây nói rằng không có gì ngăn bông tuyết có kích thước lớn đến mức đó.

Do kích thước bông tuyết không nằm trong các hạng mục đo lường khí tượng về tuyết, những bông tuyết khổng lồ này có thể có ở đời thực nhưng chỉ là chúng không được thông báo, không được nhìn thấy hay bị gió đánh vỡ nát khi chúng rơi.

Tuyết ảnh hưởng âm thanh

Tuyết vừa rơi hấp thụ sóng âm khiến cho mọi thứ trở thành một không khí dường như tĩnh lặng, yên ắng sau khi tuyết đổ ào ạt.

Tuy nhiên nếu sau đó tuyết tan và đóng băng trở lại, băng khi đó sẽ dội ra sóng âm khiến âm thanh di chuyển xa hơn và rõ hơn.

Có hàng trăm tên gọi

Nhiều người thường nói rằng người Inuit có đến 50 từ để gọi tuyết. Đây là một thực tế mà vốn ba đầu đã không được tin tưởng do người ta cho đó chỉ là phỏng đoán đơn thuần, thế nhưng về sau được xác nhận là tương đối chính xác.

Vậy nhưng như thế vẫn chưa là gì so với người Scotland. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Glasgow nói rằng ngôn ngữ Scotland có đến 421 từ để gọi tuyết trắng, trong đó có những từ 'skelf' (bông tuyết to), 'spitters' (những hạt tuyết nhỏ rơi lả tả) và 'unbrak' (tuyết lúc bắt đầu tan).

Khó định nghĩa

Nhân tiện nói về ngôn ngữ, bạn cần phải cẩn thận nếu bạn có bao giờ cảm thấy muốn gọi một trận tuyết to là bão tuyết.

Tuyết rơi cần phải đáp ứng một loạt những tiêu chuẩn chặt chẽ mới được xem là bão tuyết. Tầm nhìn phải dưới 200 mét trong khi tốc độ gió phải đạt khoảng 48 km/giờ.

Tuyết trên sao Hỏa

Theo mô phỏng khoa học của Nasa (được chứng minh bằng những robot điều khiển từ xa trên bề mặt sao Hỏa) thì trong mùa hè ở miền Bắc của hành tinh này rất có khả năng có những trận tuyết đổ dữ dội bất thình lình.

Chúng ta biết rằng trên sao Hỏa có những đám mây và băng dưới bề mặt, do đó tuyết ở đây hoàn toàn là điều hợp lý.

Các nhà khoa học cũng phát hiện một đám mây bông tuyết carbon dioxide ở phía cực nam của sao Hỏa.

Khỉ thích tuyết

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta là những động vật có vú duy nhất thích chơi trò ném tuyết.

Loài khỉ mặt đỏ Nhật Bản, vốn còn được gọi là 'khỉ tuyết', đã được nhìn thấy cuộn những quả cầu tuyết để chơi đùa.

Khỉ mặt đỏ nhỏ dường như thích trộm cầu tuyết của nhau sau đó giằng co với nhau để đoạt lại.

Quá nhiều tuyết sẽ không tốt

Chơi quá lâu trên dốc núi tuyết bạn sẽ bị hội chứng piblokto, tức chứng 'cuồng loạn Bắc cực' - một sự rối loạn xảy ra ở người Inuit sống ở vùng Bắc cực.

Triệu chứng bao gồm lặp lại lời nói vô nghĩa hay có những hành động phi lý hay nguy hiểm, sau đó là bị quên.

Ngộ độc vitamin A được cho là một nguyên nhân gây ra chứng rối loạn này, mặc dù trong những năm gần đây các nhà nghiên cứu đã đặt dấu hỏi liệu chứng bệnh này, vốn chỉ dựa vào một số rất ít là mới xảy ra có tám trường hợp, có thật sự tồn tại hay không.

Sợ tuyết rơi

Một tình trạng tâm lý chắc chắc có tồn tại là chứng sợ tuyết.

Hội chứng này có thể hình thành do cơn sang chấn có liên quan đến tai nạn khi trời tuyết thuở ấu thơ.

Cũng có những dạng thức hợp lý hơn khi bệnh nhân phát sinh nỗi sự nghiêm trọng sẽ bị kẹt hay chôn vùi trong tuyết nếu không thấy tuyết hay khi họ lần đầu tiên thấy tuyết rơi

Ngôi sao nhạc rock trong tuyết

Nhà thám hiểm vĩ đại Ernest Shackleton nổi tiếng thế giới về lòng can đảm, tinh thần gan dạ và lòng thủy chung đối với đồng đội.

Nhưng hộp cứu thương mà ông đem theo trong chuyến thám hiểm Nimrod nghe giống như hành trình của một ban nhạc rock vào thập niên 1970 hơn là một chuyến thám hiểm Bắc cực.

Chứng đau bụng được chữa bằng cần sa, những người bị tiêu chảy được cho phê thuốc phiện còn những người bị mù tuyết, tức là bị mất thị giác tạm thời do tiếp xúc quá mức với tia cực tím trong ánh Mặt trời sẽ được nhỏ cocaine trực tiếp lên mắt.

Tiếng hát không gây lở tuyết

Có nhiều nhân tố có thể kích hoạt một trận lở tuyết, nhưng tiếng ồn không phải là một trong số đó.

Sức nặng là một nhân tố quan trọng hơn nhiều. Tuyết ào ạt đổ xuống đột ngột, gió mạnh hơn hay thậm chí bước chân quá hăng hái của người trượt tuyết có thể kích hoạt trận lở tuyết chết chóc bất thình lình.

Tuy nhiên một tiếng hát khủng khiếp vang dội giữa không trung không có tác dụng như thế.

Tuyết giúp làm ấm

Bởi vì tuyết có từ 90 đến 95% là không khí bị giữ lại bên trong, điều đó có nghĩa là nó là chất cách nhiệt tuyệt vời.

Đó là lý do tại sao nhiều loài động vật lại đào hang sâu trong tuyết trong mùa đông để ngủ đông.

Đó cũng là lý do tại sao lều tuyết vốn chỉ dựa duy nhất vào thân nhiệt để làm ấm, có thể đạt mức ấm hơn bên ngoài tới 100 độ.

Có thể thích nghi

Thông thường, nhiệt độ không khí cần phải ở xung quanh ngưỡng đóng băng thì mới có tuyết.

Tuy nhiên, nếu trời mưa đủ lâu thì mưa sẽ làm mát không khí xung quanh khi hạt mưa rơi xuống và cuối cùng dẫn đến điều kiện chính xác để tạo ra bông tuyết.

Do đó nhiệt độ mặt đất có thể cao ở mức 6°C và tuyết vẫn có thể rơi.