Phát hiện loài bò sát sống được ở nơi cao nhất thế giới

Thứ Tư, 03 Tháng Ba 20211:00 CH(Xem: 2486)
Phát hiện loài bò sát sống được ở nơi cao nhất thế giới
Phát hiện loài bò sát sống được ở nơi cao nhất thế giới - Ảnh 1.

Thằn lằn Liolaemus tacnae vừa được phát hiện - Ảnh: José Cerdeña

Đó là thằn lằn Liolaemus tacnae, được phát hiện phía trên dãy Andes, thuộc địa phận Peru. Các nhà sinh vật học ghi lại được hình ảnh loài này vào giữa tháng 2-2021, ở độ cao lên đến 5.400m.  

Theo The Guardian, đây là khu vực tiếp xúc với nhiệt độ lạnh giá, bức xạ cực tím mạnh và lượng oxy cực thấp. Loài vật cơ thể biến nhiệt như thằn lằn có thể sống được ở điều kiện khắc nghiệt như thế được xem là rất kỳ diệu.  

Từ tháng 10-2020, nhà động vật học José Cerdeña, từ Đại học Quốc gia Saint Augustine (Peru), và các đồng nghiệp thực hiện chuyến thám hiểm núi lửa Chachani (Peru), cao 6.057m, để tìm kiếm các loài thằn lằn và cự đà sinh sống ở độ cao "khủng".   

"Một ngày, chúng tôi đã nhìn thấy thứ gì đó di chuyển giữa các tảng đá. Lúc đầu chúng tôi còn nghĩ chúng là chuột", Cerdeña kể.

Sau khi tới xem kỹ hơn, nhóm xác định động vật mình thấy là loài thằn lằn Liolaemus tacnae. Trước đây, đã có nhiều tài liệu ghi lại Liolaemus tacnae có thể sống ở những nơi chót vót, "thành tích" trước đó là 4.000m.  

Theo José Cerdeña, sống trong những điều kiện khắt nghiệt ở độ cao như thế với những loài "bậc cao" như động vật có vú đã là rất khó. Bò sát còn phải đương đầu trở ngại điều chỉnh nhiệt độ. Chúng vốn là loài có thân nhiệt phụ thuộc vào môi trường bên ngoài, những vùng núi cao quá lạnh có thể hạ nhiệt độ cơ thể của bò sát xuống rất thấp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.  

Do vậy, số bò sát có thể sống ở những nơi cực cao rất ít ỏi. Cho đến nay, kỷ lục thuộc về thằn lằn đầu cóc agama (tên khoa học: Phrynocephalus erythrurus) trên cao nguyên Tây Tạng ở độ cao 5.300m.   

Được phát hiện ở độ cao 5.400m, thằn lằn Liolaemus tacnae phá kỷ lục cũ 100m. Kết quả được đăng trên tạp chí uy tín Herpetozoa.  

Phát hiện loài bò sát sống được ở nơi cao nhất thế giới - Ảnh 2.

Núi lửa Chachani nơi phát hiện thằn lằn Liolaemus tacnae - Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Cerdeña, biến đổi khí hậu khiến các đỉnh núi dần cao ấm hơn so với trước đã tạo điều kiện cho thằn lằn Liolaemus tacnae đạt thành tích trên. Ông nói: "Có thể loài thằn lằn này đã bắt đầu ‘xâm chiếm’ độ cao trên 5.000m gần đây thôi".  

Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành phân tích vật lý và di truyền của "kỷ lục gia" mới này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn