Yếu tố nào giúp cá sấu sống sót qua sự kiện tuyệt chủng?

Thứ Ba, 16 Tháng Hai 20211:00 SA(Xem: 3002)
Yếu tố nào giúp cá sấu sống sót qua sự kiện tuyệt chủng?
ca-sau-696x418

Cá sấu đã tồn tại gần 100 triệu năm, nhờ những đặc điểm sinh học và kỹ năng đặc biệt giúp chúng thích nghi với biến đổi khí hậu.

Kể từ khi xuất hiện trên Trái Đất, cá sấu đã trải qua hai sự kiện tuyệt chủng lớn bao gồm tuyệt chủng hàng loạt do va chạm thiên thạch cách đây 65,5 triệu năm và một sự kiện khác tàn phá sự sống dưới đại dương khoảng 33 triệu năm trước. Chúng là đại diện cuối cùng của nhóm thằn lằn chúa (Archosauria) vẫn còn sinh sống cho tới ngày nay.


Cá sấu là một trong số ít loài tồn tại từ thời khủng long đến nay. (Ảnh: DeAgostini).

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra một số yếu tố đóng góp vào sự thành công tiến hóa của cá sấu, bao gồm khả năng không cần ăn trong nhiều tháng và tạm ngừng mọi hoạt động sống của cơ thể trong suốt mùa đông khắc nghiệt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về loài bò sát này.

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Sinh học của Hiệp hội Linnean, các chuyên gia từ Đại học Bath của Anh, do Tiến sĩ Rebecca Lakin dẫn đầu, đã phân tích 20 loài cá sấu khác nhau từ khắp nơi trên thế giới nhằm giải mã khả năng thích nghi của chúng với biến động môi trường sống.

Lakin và các cộng sự đã có một số phát hiện quan trọng. Đầu tiên, họ nhận thấy các loài cá sấu nhỏ có xu hướng sống ở gần xích đạo, trong khi các loài lớn hơn phân bố phổ biến ở khu vực có vĩ độ cao.

“Chúng tôi đã xác định được mối quan hệ giữa kích thước cơ thể và vĩ độ môi trường sống của cá sấu, điều chưa từng được nghiên cứu trước đây, giúp củng cố sự hiểu biết của chúng ta về sự phân bố hóa thạch trên toàn cầu”, Lakin cho biết.

Tuy nhiên, khác với họ hàng rùa của chúng, sự phân bố theo vĩ độ ở cá sấu không ảnh hưởng đến nhiệt độ ấp trứng. Ở rùa, nhiệt độ ấp trứng lý tưởng có mối liên hệ mật thiết với vị trí môi trường sống, khiến chúng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Ví dụ như khi nhiệt độ trung bình năm thay đổi, tỷ lệ trứng nở sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, trứng cá sấu dường như có một “lớp đệm” để đối phó với biến đổi nhiệt. Sự thay đổi về nhiệt độ không ảnh hưởng nhiều đến việc ấp trứng của chúng.

Hành vi sinh sản và chăm sóc con non cũng là yếu tố quan trọng giúp cá sấu sống sót qua gần 100 triệu năm. “Cá sấu mẹ sẽ thay đổi vị trí làm tổ qua từng năm, chọn những điểm có bóng râm và ít có khả năng bị ngập nước để bảo vệ trứng. Chúng thậm chí còn canh gác tổ và chăm sóc con non một thời gian sau khi nở. Rùa và các loài bò sát khác thường không chăm chút trong việc chọn vị trí làm tổ và phụ thuộc vào các kiểu khí hậu ổn định để sinh sản thành công”, Lakin giải thích.

Mặc dù có khả năng sinh tồn phi thường, cá sấu vẫn dễ bị tổn thương trước những mối đe dọa từ con người như ô nhiễm môi trường, nạn săn bắn hay phá hủy môi trường sống, nhóm nghiên cứu lưu ý. Sự đa dạng của cá sấu ngày nay thấp hơn nhiều so với tổ tiên của chúng ở thời khủng long.

Theo Khoa học

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn