Quần thể cá mập, cá đuối giảm 70% trong nửa thế kỷ

Thứ Hai, 15 Tháng Hai 20217:00 CH(Xem: 3561)
Quần thể cá mập, cá đuối giảm 70% trong nửa thế kỷ

Với tốc độ suy giảm nhanh như hiện nay, nhiều loài cá mập và cá đuối có thể biến mất hoàn toàn chỉ sau hai thập kỷ nữa.

Cá mập đầu búa lớn hiện được phân loại cực kỳ nguy cấp. Ảnh: Brian Skerry.

Cá mập đầu búa lớn hiện được phân loại cực kỳ nguy cấp. Ảnh: Brian Skerry.

Cá mập và cá đuối từng phân bố rộng khắp các đại dương trên thế giới, đến mức không chỉ ngư dân mà ngay cả một số nhà sinh vật học cũng không nghĩ rằng một ngày nào đó chúng có thể bị đe dọa do đánh bắt quá mức.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nature vào tuần trước, các nhà sinh vật học từ Đại học Simon Fraser ở Canada, do Nicholas Dulvy và Nathan Pacoureau dẫn đầu, nhận thấy rằng quần thể cá mập và cá đuối đã giảm tới 70% kể từ năm 1970. Với tốc độ đáng báo động này, nhiều loài có thể tuyệt chủng chỉ sau một đến hai thập kỷ nữa, điển hình là cá mập vây trắng đại dương (Carcharhinus longimanus).

"Khi thu thập số liệu về Carcharhinus longimanus, một loài cá mập phổ biến vào trước năm 1970, chúng tôi im lặng đến choáng váng", Dulvy chia sẻ. "Quần thể loài đã giảm tới 98% trong 60 năm qua trên cả ba đại dương".

Advertising
Ads by

Cá nhám búa và cá mập đầu búa lớn cũng có số phận tương tự. Những loài này thường không phải mục tiêu của các ngư dân khi ra khơi, nhưng nếu mắc lưới, chúng vẫn bị bắt để lấy vây, mang và gan.

Sự phát triển của các kỹ thuật đánh cá ngoài khơi, như lưới quây khổng lồ hay dây câu chứa hàng trăm chiếc móc - đã vô tình đánh bắt nhiều cá mập hơn. Thực tế, việc sử dụng chúng tăng gấp đôi trong nửa thế kỷ qua tương ứng với số lượng cá mập đại dương bị bắt tăng gấp ba lần.

Kỹ thuật đánh bắt cá phát triển khiến cá mập vô tình mắc lưới nhiều hơn. Ảnh: Sergei Krrasnoukhov.

Kỹ thuật đánh bắt cá phát triển khiến cá mập vô tình mắc lưới nhiều hơn. Ảnh: Sergei Krrasnoukhov.

Theo các chuyên gia, đây là một tin đáng lo ngại đối với sức khỏe đại dương vì những kẻ săn mồi đầu bảng này đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn, bằng cách kiểm soát những loài săn mồi nhỏ hơn.

Cùng với cá mập, cá đuối nhiệt đới cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động đánh bắt cá. Đồng tác giả của nghiên cứu Holly Kindsvater cho biết số lượng các loài cá đuối lớn đã giảm khoảng 85% chỉ trong 15 năm qua. Trước đây, chúng chỉ bị đánh bắt để lấy thịt nhưng bây giờ, các sản phẩm từ vây cá đuối cũng trở nên phổ biến trong y học cổ truyền Trung Quốc. Sự thay đổi này cho thấy cách ngư dân "xoay trục" sang các loài khác khi mục tiêu ban đầu của họ ngày càng khan hiếm.

"Tôi không nghĩ rằng có nhiều tàu thuyền trên biển chỉ nhắm vào cá mập và cá đuối. Tuy nhiên, khi những mục tiêu ban đầu như cá ngừ trở nên khan hiếm do đánh bắt quá mức, ngư dân sẽ bắt đầu đánh bắt những thứ khác và sẽ tìm ra cách để bán chúng", Kindsvater giải thích.

Nhóm nghiên cứu hy vọng số liệu mà họ mới công bố sẽ thúc đẩy các chính phủ áp đặt nhiều quy định hơn để bảo vệ các loài cá mập và cá đuối nguy cấp. Bên cạnh lệnh cấm đánh bắt, những giải pháp bền vững khác như thành lập khu bảo tồn biển cũng rất cần thiết, bởi đó sẽ là nơi ẩn náu lý tưởng cho động vật.

Đoàn Dương (Theo National Geographic)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn