Cá nạng hải màu hồng “có một không hai”

Thứ Hai, 11 Tháng Giêng 20215:00 CH(Xem: 4198)
Cá nạng hải màu hồng “có một không hai”
ca-nang-hai

Các chuyên gia suy đoán con cá nạng hải dài 3,4 mét có thể mắc đột biến gene hiếm gặp khiến toàn thân nó có màu hồng rực rỡ.

Nhiếp ảnh gia Kristian Laine trông thấy con cá nạng hải màu hồng khi lặn tự do tại hòn đảo ở cực nam rạn san hô Great Barrier của Australia. Lúc đầu, Laine cho rằng camera của anh bị hỏng.


Inspector Clouseau bơi lượn cùng những con cá đuối bình thường.

“Tôi không biết có cá nạng hải màu hồng trên thế giới, vì thế tôi khá bối rối và nghĩ đèn flash vỡ”, Laine chia sẻ trên Instagram hôm 10/2. Sau đó, Laine phát hiện đó là cá nạng hải rạn san hô đực dài 3,4 mét có tên Inspector Clouseau, đặt theo nhân vật thám tử trong phim hoạt hình Pink Panther. Nó thường bơi lượn ở vùng biển quanh đảo Lady Elliot và là con cá đuối màu hồng duy nhất trên thế giới. Inspector Clouseau xuất hiện chưa tới 10 lần kể từ khi được bắt gặp lần đầu tiên vào năm 2015.

Các nhà khoa học thuộc tổ chức nghiên cứu Project Manta của Australia xác nhận màu hồng của con cá nạng hải là màu thực. Lúc đầu, họ đặt giả thuyết màu sắc của Inspector Clouseau là kết quả do viêm da hoặc chế độ ăn, tương tự chim hồng hạc ăn loài giáp xác nhỏ. Nhưng năm 2016, nhà nghiên cứu Amelia Armstrong của Project Manta lấy mẫu sinh thiết da nhỏ từ con vật. Kết quả nghiên cứu giúp loại trừ viêm nhiễm và chế độ ăn.

Giả thuyết hợp lý nhất hiện nay mà Project Manta đưa ra là con cá có đột biến gene biểu hiện sắc tố melanin, theo Asia Haines, trợ lý nghiên cứu của tổ chức. “Việc hiểu rõ nguồn gốc của đột biến gene này có thể giúp chúng tôi có thêm thông tin về cách màu sắc tiến hóa ở cá nạng hải”, Haines nói.

Solomon David, nhà sinh thái học đại dương ở Đại học Nicholls, bang Louisiana, nghi ngờ nguyên nhân là đột biến mang tên erythrism khiến sắc tố da của động vật có màu đỏ hoặc hồng ở một số trường hợp. Những đột biến gene thường gặp hơn ở động vật có thể khiến toàn thân chúng có màu đen (hắc tố) hoặc trắng (bạch tạng).

Guy Stevens, giám đốc điều hành kiêm sáng lập viên của tổ chức Manta Trust ở Anh, cũng cho rằng erythrism là cách giải thích khả thi nhất. Cá nạng hải rạn san hô thường có màu trắng, đen hoặc đen – trắng. Màu sắc cuối cùng phổ biến nhất theo kiểu tương phản, trong đó con cá có phần lưng màu đen và phần bụng màu trắng. Nhìn từ trên cao xuống, phần lưng sẫm màu hòa vào nước biển, trong khi nhìn từ dưới lên, phần bụng sáng màu lẫn với mặt biển được ánh sáng Mặt Trời chiếu rọi, giúp bảo vệ động vật biển tốt hơn trước động vật săn mồi như cá mập.

Tuy nhiên, Stevens cho rằng màu sắc rực rỡ của cá nạng hải không ảnh hưởng tới khả năng sống sót hay làm chúng dễ tổn thương trước động vật săn mồi. Đó là vì kích thước khổng lồ của cá nạng hải rạn san hô, con trưởng thành có thể nặng hơn một tấn. “Chúng to sẵn từ khi chào đời, và lớn rất nhanh trong vài năm đầu tiên, đến mức chỉ loài động vật ăn thịt lớn nhất ở biển mới đủ sức săn chúng”, Stevens giải thích.

Theo Khoa học

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn