Đàn tôm lũ lượt bò lên cạn khi Mặt Trời lặn

Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Một 20203:00 CH(Xem: 5615)
Đàn tôm lũ lượt bò lên cạn khi Mặt Trời lặn

Tôm "diễu hành" ở vùng đông bắc Thái Lan thu hút nhiều du khách tới bờ sông tham quan vào mùa mưa hàng năm từ cuối tháng 8 tới đầu tháng 10.

Đàn tôm lũ lượt bò lên cạn khi Mặt Trời lặn

Đàn tôm nối đuôi nhau bò dọc mép sông. Video: Watcharapong Hongjamrassilp.

Những con tôm ngừng bơi vào lúc chạng vạng và tụ tập gần mép sông. Sau khi Mặt Trời lặn, chúng bắt đầu bò lên khỏi mặt nước và diễu hành. Suốt cả đêm, những con giáp xác dài 2,5 cm bò dọc bãi đá. Watcharapong Hongjamrassilp, nghiên cứu sinh ở Đại học California, Los Angeles, lần đầu biết tới tôm diễu hành cách đây 20 năm. Khi bắt đầu nghiên cứu sinh học, anh liền quay trở lại với đề tài này. Anh công bố phát hiện hôm 9/11 trên tạp chí Zoology. Làm việc với các cán bộ ở trung tâm động vật hoang dã, Hongjamrassilp theo dõi 9 địa điểm dọc theo con sông ở tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan. Họ tìm thấy tôm diễu hành ở hai địa điểm gồm cụm ghềnh và một con đập thấp.

Trong những video do nhóm nghiên cứu ghi lại, đàn tôm diễu hành từ khi Mặt Trời lặn tới khi Mặt Trời mọc. Chúng đi xa tới 20 m về phía thượng nguồn. Một số con tôm rời khỏi mặt nước tới 10 phút. "Tôi rất bất ngờ vì tôi chưa bao giờ thấy tôm đi bộ lâu như vậy. Ở vùng rửa trôi của con sông có thể giúp mang của chúng luôn ướt, nhờ đó chúng có thể liên tục lấy oxy", nhà nghiên cứu cho biết. Hongjamrassilp cũng quan sát vỏ của con tôm dường như giữ lại một chút nước quanh mang.

Phân tích ADN từ những con tôm bắt được cho thấy gần như tất cả đều thuộc loài Macrobrachium dienbienphuense, nằm trong họ tôm sống chủ yếu hoặc hoàn toàn ở môi trường nước ngọt. Nhiều loài Macrobrachium species dành một phần thời gian di cư tới thượng nguồn, đến môi trường sống ưa thích. Hầu hết tôm diễu hành mà Hongjamrassilp bắt đều là con non. Các quan sát và thí nghiệm chỉ ra những con tôm này có thể rời khỏi mặt nước khi dòng chảy quá mạnh với chúng. Tôm trưởng thành lớn hơn có thể chịu được dòng chảy xiết mà không bị cuốn trôi, vì vậy chúng ít có khả năng bò lên bờ hơn.

Đi trên cạn rất nguy hiểm đối với tôm nhỏ, ngay cả trong bóng tối. Những động vật săn mồi như ếch, rắn và nhện lớn luôn rình rập gần đó. Chúng chờ ăn tôm dọc sông. Con tôm không thể sống sót lâu trên cạn. Nếu tôm diễu hành lạc đường, chúng có thể bị khô và chết trước khi trở lại dòng sông. Vài lần, Hongjamrassilp bắt gặp nhiều đám tôm lạc đường chết trên bãi đá. Cơ thể trong suốt của chúng bị nướng thành màu hồng dưới ánh Mặt Trời.

Theo Hongjamrassilp, rời khỏi mặt nước khi hoạt động bơi trở nên khó khăn có thể giúp loài tôm mở rộng môi trường sống mới trong lịch sử tiến hóa. Ngày nay, số lượng tôm diễu hành ở Thái Lan đang sụt giảm. Hongjamrassilp cho rằng nguyên nhân có thể bao gồm hoạt động du lịch. Việc nghiên cứu sâu hơn về tôm diễu hành có thể giúp bảo vệ loài này.

An Khang (Theo New York Times)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn