Lý do trẻ em không thấy lạnh như người lớn vào mùa đông

Thứ Sáu, 13 Tháng Mười Một 20201:00 CH(Xem: 4625)
Lý do trẻ em không thấy lạnh như người lớn vào mùa đông
Trẻ em khi ngủ thường hay đạp tung chăn hoặc không muốn đắp chăn vào mùa đông. Nhiều trẻ cũng không cảm thấy lạnh khi mặc phong phanh lúc trời rét. Điều này khiến cho nhiều cha mẹ lo lắng sợ con mình bị lạnh. Có lẽ thông tin dưới đây sẽ khiến các ông bố và bà mẹ bớt lo lắng hơn vì điều này.

Các bậc cha mẹ thường có xu hướng sợ con mình bị lạnh khi ngủ hoặc ra ngoài trời vào mùa đông. Vì vậy chúng ta thường luôn yêu cầu con đắp chăn khi ngủ hoặc mặc đủ áo khoác khi ra ngoài đường. Tuy nhiên, trẻ em khi ngủ thường rất hay tung chăn ra, thậm chí chúng chẳng thèm đắp chăn. Các bé cũng không thích mặc quá nhiều áo dày vào mùa đông. Thậm chí nếu chúng ta đóng quá nhiều áo cho con vào mùa đông, đứa trẻ rất dễ đổ mồ hôi mà chúng ta không biết. Vậy, đâu là nguyên nhân cho những việc này? 

trẻ em
Ảnh minh họa. (Ảnh: Tatyana Soares/Shutterstock)

Thân nhiệt trẻ cao hơn so với người lớn

Các báo cáo về y khoa cho thấy thân nhiệt bình thường của người lớn dao động từ 36,1o độ C đến 37,2o độ C. Trong khi đó, thân nhiệt của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường thường cao hơn, ở mức 36,6 độ C đến 38 độ C. 

Vậy, vì sao thân nhiệt trẻ cao hơn người lớn? 

Các nhà khoa học đã phát hiện rằng mức độ trao đổi chất cơ bản trong cơ thể của trẻ em cao hơn so với người lớn từ 1,5 đến 2 lần. 

Chúng ta vẫn thường nói: “trẻ em lớn lên trong khi ngủ”. Sự trao đổi chất của trẻ em vẫn diễn ra rất mạnh mẽ trong khi ngủ, thậm chí mức độ trao đổi chất khi trẻ ngủ có thể còn cao hơn so với khi các bé đang thức.

Nghiên cứu cho biết sự gia tăng nhiệt độ cơ thể có liên quan đến sự gia tăng của mức độ trao đổi chất. Mỗi 1 độ C nhiệt độ tăng lên có liên quan đến mức tiêu thụ Oxy từ 10% đến 13%. Bản thân nhiệt độ tăng cao cũng đồng thời là nguyên nhân thúc đẩy quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn.

Vì trẻ em có mức độ trao đổi chất mạnh hơn so với người lớn nên nhiệt lượng sinh ra cũng lớn hơn, khiến cho bé luôn có thân nhiệt cao hơn bố mẹ. Điều này cũng khiến cho bé cảm thấy cơ thể ấm áp hoặc nóng hơn so với bố mẹ vào mùa đông.

Do-nhiet-do-cho-be-shutterstock_243303478
Ảnh minh họa. (Ảnh: Dmytro Vietrov/Shutterstock)

Khả năng thích nghi của cơ thể

Một nguyên nhân khác liên quan đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể chính mình và mức độ nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài.

Chúng ta được sinh ra với khả năng sinh nhiệt, duy trì hoặc giải nhiệt tùy theo thời tiết hoặc hoàn cảnh bên ngoài. Nói chung cơ thể chúng ta khá thành thạo trong việc sinh nhiệt vào mùa đông bằng cách run rẩy hoặc hoạt động nhiều hơn, hoặc giải nhiệt dư thừa vào mùa hè bằng cách đổ mồ hôi. Nhưng một số cơ thể thực hiện quá trình này hiệu quả hơn cơ thể khác – những người có cùng chiều cao và cân nặng có thể khác nhau đáng kể về khả năng duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức có lợi cho sức khỏe. 

Theo cách tương tự, những người khác nhau có thể biểu hiện các mức độ nhạy cảm rất khác nhau khi các điều kiện bên ngoài gây nguy hiểm cho khả năng duy trì hoặc giải nhiệt của họ.

Khi trẻ em chơi dưới trời rất lạnh, một điều chúng ta cần lưu ý rằng khi các bé khẳng định rằng chúng không cảm thấy lạnh có nghĩa là chúng có thể thực sự không cảm thấy lạnh. Chúng hoạt động một cách tự nhiên đến mức cơ thể chúng tỏa ra đủ nhiệt để giữ cho chúng cảm thấy ấm áp, ngay cả khi chúng không hoạt động. 

Tuy nhiên, đây có thể là một ảo giác nguy hiểm, vì cơ thể trẻ nhỏ ít có khả năng điều chỉnh nhiệt độ bên trong hơn so với người lớn, và do đó dễ bị hạ thân nhiệt hơn do diện tích bề mặt cơ thể nhỏ hơn, lượng mỡ dưới da nhỏ hơn và khả năng run chưa phát triển đầy đủ. Vì vậy, các bé có thể nói sự thật khi chúng khẳng định không cảm thấy lạnh, nhưng chúng có thể gặp nhiều rủi ro hơn người lớn.

Yếu tố tâm lý

Một yếu tố khác là trẻ không thích bị gò bó bởi quần áo dày hoặc chăn đắp. Việc “bó chặt” sẽ làm giảm khả năng di chuyển, kích thích các giác quan của trẻ, và trong tiềm thức khiến trẻ cảm thấy co thắt và khó chịu. 

Ngoài ra, khi trẻ lớn hơn và trở nên hòa đồng hơn, chúng có thể không cảm thấy rằng việc mặc áo khoác, đội mũ và đeo găng tay là “đáng yêu”, vì vậy chúng có thể chống lại việc buộc phải mặc những bộ quần áo khiến chúng nổi bật và không “phù hợp” với cách những đứa trẻ khác đang mặc.

Be-gai-nghic-tuyet-shutterstock_527026774
Ảnh minh họa. (Ảnh: Romrodphoto/Shutterstock)

Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung, tốt hơn hết bạn nên đảm bảo rằng con bạn được mặc quần áo ấm trong thời tiết cực lạnh hoặc giữ phòng ngủ luôn ấm để ngăn ngừa các vấn đề về hạ thân nhiệt và tê cóng. Mặc áo khoác, đội mũ và đeo găng tay sẽ không bảo vệ chúng khỏi bị cảm lạnh và cúm – vì những bệnh này lây lan bởi virus – nhưng chúng sẽ bảo vệ các bé khỏi những nguy hiểm về thể chất do thời tiết quá lạnh.

Thiện Tâm tổng hợp

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn