Tìm thấy tổ ong bắp cày 'sát thủ' đầu tiên ở Mỹ

Chủ Nhật, 01 Tháng Mười Một 20205:00 SA(Xem: 4706)
Tìm thấy tổ ong bắp cày 'sát thủ' đầu tiên ở Mỹ

Bộ Nông nghiệp Bang Washington hôm 23/10 báo cáo phát hiện tổ ong bắp cày khổng lồ châu Á đầu tiên ở Blaine, gần biên giới Canada.

Ong bắp cày khổng lồ châu Á (Vespa mandarinia) là một loài xâm lấn có nguồn gốc từ vùng ôn đới và nhiệt đới ở Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và một phần của Viễn Đông Nga. Chúng được biết đến là loài ong lớn nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới với chiều dài gần 5 cm và chứa nọc độc thần kinh có thể đoạt mạng người khi đốt. Bởi vậy, chúng còn được mệnh danh là ong bắp cày sát thủ.

Các nhà côn trùng học Mỹ đã tích cực truy lùng dấu vết của ong bắp cày khổng lồ châu Á từ tháng 12/2019 sau khi cá thể đầu tiên của loài được phát hiện trong một chiếc bẫy ở quận Whatcom thuộc bang Washington. Sau gần một năm theo dõi, Bộ Nông nghiệp Bang Washington (WSDA) cuối cùng đã tìm thấy tổ của chúng trong một hốc cây tại khu vực Blaine ở Whatcom.

Ong bắp cày khổng lồ châu Á làm tổ trong hốc cây ở bang Washington. Video: WSDA.

"Việc phát hiện thành công tổ ong xảy ra sau khi các nhân viên từ WSDA bẫy được bốn mẫu vật sống ở Blaine vào ngày 21 và 22 tháng 10. Sau đó, họ gắn thẻ theo dõi vô tuyến lên các con vật và một trong số đó đã trở về tổ", phát ngôn viên của WSDA cho biết trong một tuyên bố.

Một nỗ lực tiêu hủy tổ ong bắp cày sẽ lập tức được tiến hành vào hôm nay. Các nhà côn trùng học tin rằng còn nhiều tổ khác chưa được phát hiện ở Mỹ. "Việc loại bỏ sớm các tổ ong là rất quan trọng. Nếu thiết lập một quần thể, loài ong bắp cày khổng lồ này sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng của bang Washington", WSDA nhấn mạnh.

Ong bắp cày khổng lồ châu Á kết liễu ong mật. Ảnh: Scott Camazine.

Ong bắp cày khổng lồ châu Á kết liễu ong mật. Ảnh: Scott Camazine.

Ong bắp cày sát thủ thường không chủ động tấn công người nhưng lại "tàn sát" quần thể ong bản địa. Chúng giết ong mật bằng cách cắn đứt đầu theo đúng nghĩa đen, sau đó chiếm tổ để ăn nhộng và ấu trùng.

Nọc độc của Vespa mandarinia chứa chất độc thần kinh cực mạnh có tên là mandaratoxin. Vết đốt của nó được mô tả là "giống như một chiếc đinh nóng đóng vào chân" và có thể khiến nạn nhân tử vong nếu đạt đủ liều lượng. Ở Nhật Bản, một trong những môi trường sống lớn nhất của ong bắp cày sát thủ, có khoảng 30 - 50 người bị loài công trùng này đốt chết mỗi năm.

Đoàn Dương (Theo AFP)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn