bbc.com

Chuyện về khu rừng thiêng cô độc của New Zealand

Jacqui GibsonBBC Travel

Jacqui Gibson

Nguồn hình ảnh, Jacqui Gibson

Một mảng sương mù trắng xóa lơ lửng trên bụi cây nằm dọc theo con đường duy nhất vào Te Urewera, một trong những khu rừng mưa nhiệt đới cô lập nhất ở New Zealand.

Đó là dấu hiệu cho thấy tôi đã ở vùng Tūhoe, khu vực sinh sống của bộ tộc mà sắc dân ở đây được nhà dân tộc học Elsdon Best hồi thập niên 1890 đặt tên là 'Những đứa con của sương mù', bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian truyền miệng, kê về mối liên hệ giữa Tūhoe với Hine-pūkohu-rangi, tức trinh nữ sương mù.

Rừng của người Tūhoe

Bên ngoài cửa sổ, khung cảnh đồng cỏ và những ngôi nhà trang trại tồi tàn nhường chỗ cho rừng rậm xanh mướt và những thác nước tuôn ra từ những vách đá bao phủ trong mây và bóng tối.

Quẹo qua một khúc quanh trên đường, hai con ngựa thuộc giống ngựa lùn chắc nịch với bờm trước bù xù hiện ra bên bờ vực bụi bặm trước mặt tôi.

Bước chậm lại, tôi nhìn lướt qua bụi cây để tìm kererū, loài bồ câu gỗ bản địa từ lâu đã gắn liền với vùng đất trù phú này, nhưng thay vào đó mắt chạm mắt một con ngựa palomino (giống ngựa màu hung nhạt với bộ bờm màu trắng) đơn độc đang nhai dương xỉ ở nơi đường nhựa trở thành đường đất.

Te Urewera là rừng nhiệt đới lớn nhất trên Đảo Bắc của New Zealand, trải rộng trên diện tích 2.127 km2 vùng đồi núi gồ ghề, với những hồ nước xanh biếc rộng lớn và những dòng sông xuôi hướng bắc chảy xiết.

Vào năm 2014, một đạo luật đầu tiên trên thế giới đã chấm dứt sở hữu của chính phủ đối với Rừng Quốc gia Te Urewera và công nhận khu rừng này là một thực thể riêng rẽ, và người Tūhoe là những người bảo vệ rừng hợp pháp.

Ngày nay, người Tūhoe - với số dân xấp xỉ 40.000 người, trong đó khoảng 7.000 người sống ở các thung lũng sông và các khu phát quang bụi rậm ở Te Urewera - chịu trách nhiệm chăm sóc khu rừng về mặt pháp lý.

Họ bảo vệ địa điểm quý giá này thông qua một phương cách Maori cổ xưa được gọi là kaitiakitanga, có thể dịch thoáng ra là 'bảo hộ' và là một cách quản lý môi trường dựa trên thế giới quan của người Maori.

Kaitiakitanga tức là hiểu mối liên hệ chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, xem con người là một phần của thế giới tự nhiên và bảo vệ mauri, tức sức sống của các khu rừng, sông, hồ mà họ coi sóc.

Ở cấp độ hàng ngày, nó bao gồm theo dõi sức khỏe của rừng, hồ và sông thông qua quan sát và thu thập dữ liệu, trồng cây bản địa, kiểm soát các loài gây hại như thú có túi, hươu, và duy trì sức khỏe của các loài cá quan trọng như lươn.

Du khách làm hại rừng?

Thủ lĩnh bộ lạc Tamati Kruger nói với tôi rằng ngày càng có nhiều người đến Te Urewera để săn bắn, câu cá và đi bộ xung quanh hồ nước nổi tiếng nhất của nó, hồ Waikaremoana.

Mặc dù tộc Tūhoe chào đón du khách, nhưng theo ông thì họ phải đương đầu với thách thức trong việc quản lý lượng khách và tác động của du lịch đối với môi trường, trong khi đảm nhận việc coi sóc vườn quốc gia trước đây sau gần 70 năm nơi này đã chịu sự quản lý của chính phủ.

"Đối với nhiều du khách đến Te Urewera, tất cả những gì họ biết là hệ thống vườn quốc gia," Kruger cho biết.

"Họ có ý nghĩ là tiết kiệm tiền bạc để đi chơi ở một nơi tuyệt đẹp của thế giới, đến đó, trả tiền mua dịch vụ như ở một đêm trong một túp lều khô ráo, sạch sẽ, và sau đó trở về nhà và lên kế hoạch cho chuyến đi đến địa điểm kế tiếp. Đối với nhiều người, đó là mức độ trải nghiệm của họ về du lịch thiên nhiên."

"Chúng tôi đang yêu cầu mọi người thay đổi hoàn toàn cách làm đó. Thay vì xem tự nhiên là một tập hợp các tài nguyên riêng rẽ được quản lý và sử dụng, chúng tôi yêu cầu mọi người xem rừng Te Urewera như một hệ sinh thái mà người khác phụ thuộc vào để sống còn, xây dựng văn hóa, giải trí và truyền cảm hứng. Đó là cách tìm đến Te Urewera như bản sắc riêng của nó theo nghĩa vật chất, môi trường, văn hóa và tinh thần."

Là những kaitiaki (tức người bảo hộ), đây là cách mà tộc người Tūhoe luôn trải nghiệm rừng Te Urewera, Kruger nói, và du khách cần chuẩn bị cho những điều rất khác biệt đây.

"Có lẽ đó không phải là chụp được bức ảnh đẹp nhất gần thác nước hay trả một mức phí để thực hiện chuyến đi săn. Có lẽ đó là để gặp người dân bản địa, ở lại với chúng tôi, tìm hiểu một chút về lịch sử của chúng tôi và nghe một số câu chuyện và các giá trị làm nên cách sống của chúng tôi."

Rừng Te Urewera hiện đã mở cửa trở lại cho du khách trong nước sau đợt phong tỏa, vad các hướng dẫn viên du lịch trên khắp khu rừng đang đem đến cho du khách cơ hội để làm những điều được Kruger nhắc tới.

Ở Tāneatua, tại đầu não bộ lạc của tộc Tūhoe nằm ở lối vào phía bắc Te Urewera, du khách có thể làm một tour tự đi tham quan một vòng để biết tổng quan về lịch sử, văn hóa của bộ lạc và hiểu biết qua về cách tiếp cận môi trường của họ.

Vào thế giới tâm linh của rừng

Bên trong chính khu rừng, ở tại marae (nơi gặp gỡ truyền thống của người Maori) và trải nghiệm nghi lễ định cư truyền thống, hoặc đi dạo qua các bụi cây với hướng dẫn viên Tūhoe, những người am hiểu rằng tikanga (nghi thức) bản địa là những cách khác mà người ngoài có thể đắm mình vào văn hóa Tūhoe và học cách liên hệ đến Te Urewera theo một cách khác.

Các lựa chọn khác bao gồm nếm mật ong, trải nghiệm ẩm thực nấu tại nhà, phiêu lưu săn bắn và cưỡi ngựa.

Và trong khi New Zealand tuyên bố họ đã hết virus corona, các công ty du lịch đang hy vọng đất nước này sẽ mở cửa cho khách du lịch quốc tế từ các quốc gia thuộc 'khu vực đi lại an toàn' như Úc ngay trong tháng Chín.

Tôi đã có trải nghiệm một chút về Tūhoetanga (văn hóa) trước khi phong tỏa. Ở Ngāputahi, một ngôi làng nhỏ cách Tāneatua khoảng một giờ lái xe, tôi được giới thiệu một nghi thức chào đón truyền thống với hướng dẫn viên người Tūhoe có tên là Hinewai McManus, vốn thực hiện mihi whakatau, một nghi thức được định ra để chuyển tiếp những người mới từ thế giới hàng ngày vào thế giới tâm linh của khu rừng.

"Kia ora (Xin chào) và chào mừng đến Te Urewera," cô nói khi tôi đánh xe vào bãi đỗ. Hôm nay, McManus giải thích, hai cái cây sẽ có vai trò trong buổi lễ: một cây thông California do bà của cô trồng sẽ đại diện cho tôi là manuhiri (khách), trong khi một cây kanuka bản địa (có trên khắp rừng Te Urewera) sẽ là hiện thân cho tổ tiên của Hinewai, tức là tangata whenua (người dân trên mảnh đất).

Khi nghi thức diễn ra, tôi bước chậm rãi đi từ cây này sang cây khác và được McManus hướng dẫn khi cô nói và hát thầm bằng ngôn ngữ te reo Māori, tiếng mẹ đẻ của cô (và là một trong ba ngôn ngữ chính thức của New Zealand, những ngôn ngữ khác là tiếng Anh và ngôn ngữ kí hiệu New Zealand).

"[Mihi] whakatau là nghi thức chào đón ít trang trọng hơn của người Māori," cô nói với tôi. "Đó là cách giới thiệu bạn với mảnh đất này - tất cả con người bạn, thể xác, tâm linh và tinh thần của bạn."

Trải nghiệm trồng cây

McManus nói với tôi rằng tôi là một trong số ít người New Zealand đến Te Urewera để hiểu văn hóa của bộ tộc và mối quan hệ của họ với thiên nhiên.

Phổ biến hơn là du khách đến từ Châu Âu (đặc biệt là Đức và Hà Lan), Trung Quốc và Hoa Kỳ - những du khách háo hức muốn khai thác kiến thức bản địa để truyền cảm hứng về cách sống trong một thế giới kéo căng dưới áp lực môi trường ngày càng dâng cao.

Để dạy cho tôi biết thêm về vai trò của những người bảo hộ này, McManus đã dẫn dắt trải nghiệm trồng cây theo hướng dẫn và kaitiakitanga gọi là Tāne Mahuta - Thần Rừng, trong đó cô kể lại câu chuyện sáng thế của người Maori vốn làm nền cho trải nghiệm này. Cô giải thích rằng Tāne Mahuta, con trai của Ranginui (Thiên phụ) và Papatūanuku (Địa mẫu), là cha của tất cả các loài chim và loài cây trong rừng.

Trong lời cầu nguyện trồng cây, chúng tôi đã cầu xin Tāne Mahuta chỉ dẫn trồng cây nào ở đâu. Cuối cùng, chúng tôi chuyển hai cây non hohoeka từ một lùm bụi ken đặc, rối rắm sang một khu vực mở đầy nắng bên bờ sông.

McManus nói rằng hai cây con của chúng tôi đã bổ sung vào tổng số hơn 12.000 cây được trồng hoặc cấy kể từ khi Dự án phục hồi rừng nhiệt đới Te Urewera bắt đầu vào năm 2008.

"Đó là việc tăng nguồn cung cấp oxy toàn cầu, cân bằng lượng carbon, củng cố môi trường sống và thức ăn có sẵn cho các loài chim bản địa. Nhưng mọi người cũng bị cuốn hút vào khía cạnh tinh thần. Họ muốn biết tại sao bộ lạc chúng tôi tôn trọng môi trường đến vậy. Có phải chỉ vì chúng tôi sống ở đây hay còn gì nữa không?"

Brenda Tahi, hướng dẫn viên Tūhoe và chủ công ty du lịch Manawa Honey Tours, biết chắc rằng còn lý do khác nữa.

"Chúng tôi tôn trọng môi trường vì tīpuna (tổ tiên) của chúng tôi và kiến thức về sự bền vững, biết sống cùng với thiên nhiên được truyền lại cho chúng tôi," cô nói với tôi tại tư gia của cô ở Ruātahuna nằm ở rìa phía tây rừng Te Urewera.

"Nhưng chúng tôi cũng tôn trọng thiên nhiên vì chúng tôi muốn sống giữa thiên nhiên và thiên nhiên cần sự giúp đỡ của chúng ta ngay bây giờ."

Xem rừng như bạn

Cô giải thích việc kinh doanh của gia đình là một trường hợp ví dụ. Công ty này sản xuất mật ong cây bản địa từ 1.000 tổ ong trên khắp Te Urewera, vận dụng truyền thống lấy mật ong hoang dã có gần 200 năm của bộ lạc, gọi là te nanao miere.

"Mật ong trở thành thực phẩm được tôn sùng đối với người dân chúng tôi khi ong mật được đưa đến New Zealand vào những năm 1830. Tuy nhiên ông cha chúng tôi đã lấy mật theo cách hoàn toàn khác, trèo cao lên cây, dùng xô. Duy trì đàn ong là một phần không thể thiếu trong cam kết duy trì hệ sinh thái bản địa của chúng tôi ở Te Urewera," cô nói.

"Chúng giúp thụ phấn cho rất nhiều loài cỏ cây của chúng tôi ở đây. Nhưng nghề nuôi ong lấy mật cũng là để tự chủ về kinh tế và tạo cho người dân chúng tôi một lý do để ở lại hoặc quay trở về Te Urewera."

Cưỡi ngựa men theo những khe núi dốc của Te Urewera với con trai của Tahi, hướng dẫn viên Maaka Tamaki và người nuôi ong Nick Mitai, tôi được mời mặc vào bộ đồ bảo vệ và đi xem tận mắt tổ ong Manawa. Sau đó, chúng tôi dã ngoại bên bờ sông, thăm một marae lịch sử và đêm đó dựng trại bên bờ sông dưới những vì sao.

Đưa cho tôi một ly trà chanh mật ong nóng sau bữa tối, Tahi giải thích rằng cô tạo dựng Manawa Honey Tours để giúp du khách gắn kết với nơi này giống như cách họ gắn kết với một người bạn mới.

Cô muốn làm cho du khách phải sửng sốt trước vẻ đẹp của rừng nhiệt đới. Cô muốn họ thích thú khi nghe tiếng nước trên dòng sông chảy mạnh và hít thở không khí trong lành, tinh khiết của rừng nhiệt đới.

"Không có gì như cảm giác nước sông mướt rượt trên da thịt sau một ngày dài đi bộ hay hương vị thức ăn rừng rậm của chúng tôi - cho dù là thịt lợn chỉ đơn giản luộc lên hoặc một cốc mận vườn với mật ong rừng," cô nói với tôi. "Đối với tôi, những điều này đều là lý do để yêu nơi này. Đó là những điều khiến tôi quay trở lại nhiều hơn nữa."

Kruger đồng ý, tin rằng cách làm này đem đến thêm lợi ích là tăng cường trải nghiệm của mọi người ở rừng Te Urewera: "Nó sẽ đưa bạn vượt ra khỏi lối suy nghĩ rằng, 'Tôi đã trả tiền, tôi muốn được phục vụ' thành tâm lý: 'Tôi yêu nơi này, tôi cảm thấy có mối liên hệ với nó. Bây giờ, tôi có thể làm gì để chăm sóc cho nó?'."