Châu chấu sa mạc áp sát, dân Ấn Độ phải đốt pháo, bật loa, gõ trống...

Thứ Hai, 06 Tháng Bảy 20207:00 SA(Xem: 6261)
Châu chấu sa mạc áp sát, dân Ấn Độ phải đốt pháo, bật loa, gõ trống...

Châu chấu sa mạc áp sát, dân Ấn Độ phải đốt pháo, bật loa, gõ trống... - Ảnh 1.

Bầu trời nhiều nơi ở Ấn Độ đen kịt bởi hàng chục ngàn con châu chấu - Ảnh: BBC

Theo Đài BBC, thông báo của chính quyền New Delhi cho thấy đây là lần đầu tiên thành phố  Gurgaon bị nạn châu chấu sa mạc.

Thông báo yêu cầu chính quyền các quận cảnh giác cao, chuẩn bị các phương án diệt trừ châu chấu. Cơ quan hành chính các quận có trách nhiệm huy động nhân viên đi hướng dẫn người dân cách xua đuổi châu chấu bằng cách tạo ra âm thanh lớn như gõ trống, khua nồi chảo, bật to loa đài, đốt pháo... 

Người dân được khuyên nên đóng cửa ở trong nhà để tránh bị châu chấu quấy rầy hoặc dùng nồi chảo, trống để dọa đàn châu chấu.

Hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy hàng chục ngàn con châu chấu bay rợp trời qua những ngôi nhà và công trình lớn.

Clip của Hãng India Today tường thuật cảnh châu chấu tràn vào thành phố Gurgaon 

Theo BBC, Ấn Độ đang chứng kiến nạn châu chấu sa mạc tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Nguồn gốc của đàn châu chấu xuất phát từ khu vực Sừng châu Phi đã tràn qua các khu vực Đông Phi, Trung Đông và Nam Á. Đàn châu chấu đi qua đến đâu là tàn phá mùa màng đến đấy.

Trong khi đó, đài không lưu Delhi cũng đã yêu cầu phi công của tất cả các hãng hàng không bay vào và ra khỏi sân bay quốc tế Delhi, giáp với thành phố Gurgaon cần cảnh giác, sẵn sàng các phương án dự phòng cần thiết cho quá trình cất hạ cánh, trong trường hợp châu chấu sa mạc xuất hiện gần sân bay, Hãng ANI đưa tin. 

Theo chuyên gia của bộ nông nghiệp, đàn châu chấu đang di chuyển về thành phố Palwal, phía nam Delhi, nghĩa là chúng đi từ hướng tây sang hướng đông.

Châu chấu sa mạc áp sát, dân Ấn Độ phải đốt pháo, bật loa, gõ trống... - Ảnh 3.

Nguồn gốc của đàn châu chấu xuất phát từ khu vực sừng Châu Phi đã tràn qua các khu vực Đông Phi, Trung Đông và Nam Á - Ảnh: REUTERS

Nhiều đàn châu chấu sa mạc cũng đã xuất hiện ở 3 bang của Ấn Độ là Rajasthan, Haryana và Uttar Pradesh. Hiện tại sở nông nghiệp của 3 bang này đang theo dõi sát sự di chuyển của các đàn châu chấu và sẵn sàng thực hiện các biện pháp diệt trừ và kiểm soát.

Nếu không thể kiểm soát, châu chấu có thể tàn phá các diện tích trồng lương thực thực phẩm, gây thiếu đói.

Đàn châu chấu có tập tính kiếm ăn cả ngày, thường chỉ đậu để nghỉ khi về đêm. 

Theo Liên Hiệp Quốc, nạn châu chấu hiện nay có thể bắt nguồn từ mùa bão năm 2018-2019, khi những cơn mưa lớn xuất hiện ở bán đảo Ả Rập. Điều kiện thời tiết này đã cho phép ít nhất ba thế hệ châu chấu đã sinh sôi với mức độ chưa từng có mà không bị phát hiện.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn