Zoom khóa tài khoản nhóm hoạt động gốc Hoa ở Mỹ sau 'cuộc họp Thiên An Môn'

Thứ Tư, 17 Tháng Sáu 20205:00 SA(Xem: 5379)
Zoom khóa tài khoản nhóm hoạt động gốc Hoa ở Mỹ sau 'cuộc họp Thiên An Môn'
bbc.com

Zoom 'khóa' các nhà hoạt động gốc Hoa ở Mỹ


Logos of Zoom, remote conferencing services company for mobile application and desktop are seen in Ankara, Turkey on March 30 Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Humanitarian China nói cuộc họp do họ tổ chức để tưởng niệm Sự kiện Thiên An Môn đã có sự tham dự của hàng trăm người, trong đó có cả những người từ Trung Quốc

Zoom, hãng cung cấp dịch vụ kết nối, hội họp qua video online khổng lồ, đã tạm ngưng tài khoản của một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc ở Mỹ, sau khi họ tổ chức một buổi họp trên Zoom để tưởng niệm sự kiện đàn áp Thiên An Môn.

Nhóm Humanitarian China nói tài khoản của họ đã bị đóng chỉ vài ngày sau sự kiện trên, diễn ra với sự tham dự của khoảng 250 người, trong đó có một số nhà hoạt động kết nối từ Trung Quốc.


Zoom nói tài khoản bị đóng theo "luật pháp địa phương".

Tài khoản này sau đó đã được mở lại.

"Khi một cuộc họp được tổ chức với sự tham gia từ nhiều quốc gia khác nhau, người dự ở các nước đó được yêu cầu phải tuân thủ luật pháp địa phương nơi họ đang có mặt," Zoom nói trong một tuyên bố được gửi qua email cho các cơ quan báo chí.

"Chúng tôi muốn hạn chế các hành động cần phải làm để đáp ứng tuân thủ luật pháp địa phương, và tiếp tục xem xét, cải thiện trong vấn đề này," tuyên bố của Zoom viết.

Nhu cầu sử dụng dịch vụ của Zoom đã tăng vọt do tình trạng phong tỏa ở nhiều nơi trên thế giới.

Hãng đã đang phải đối diện với việc đánh giá an ninh, an toàn, bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư.

Trong số các vấn đề này có việc được gọi là "Zoombombing" (dội bom cuộc họp Zoom), khi những vị khách không mời dùng hình thức tin tặc để nhảy vào các cuộc họp, đôi khi đăng các nội dung phân biệt chủng tộc, hăm dọa hoặc mang tính khiêu dâm.

Sự kiện 'bí mật'

p07c58h0

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Chuyện gì đã xảy ra trên Quảng trường Thiên An Môn 31 năm trước?

Cuộc họp qua video của nhóm Humanitarian China diễn ra hôm 31/5, nhằm tưởng niệm 31 năm sự kiện đàn áp Thiên An Môn, 4/6.

Theo một tường thuật trên tờ South China Morning Post, trong số các diễn giả có mẹ của một người biểu tình bị giết chết, một cư dân Bắc Kinh bị cầm tù 17 năm do tham gia biểu tình ở Thiên An Môn, và một số lãnh đạo sinh viên phải đi lưu vong.

"Sự kiện này đánh dấu việc lần đầu tiên nhiều gương mặt nổi tiếng liên hệ trực tiếp tới phong trào đòi dân chủ 1989, đã tụ họp ở cùng một chỗ," Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo), chủ tịch của Humanitarian China, người bản thân cũng là một lãnh đạo sinh viên trong các cuộc biểu tình Thiên An Môn, nói với South China Morning Post.

"Chúng tôi phải giữ bí mật về sự kiện đó," ông nói.

Former Tiananmen student leader Fengsuo Zhou Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Bản thân ông Chu là cựu lãnh đạo sinh viên trong phong trào đòi dân chủ 1989

Tài khoản Zoom của Humanitarian China bị đóng hôm 7/6, nhóm này nói.

"Tôi rất giận dữ là ngay cả ở quốc gia này, ở nước Mỹ... chúng tôi phải đương đầu với kiểu kiểm duyệt như thế này," ông Chu nói.


Một nhà hoạt động Thiên An Môn khác nói tài khoản của ông trên Zoom đã bị khóa từ hôm 22/5, khi ông tìm cách tổ chức một cuộc thảo luận trực tuyến về ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan) nói với hãng tin AFP rằng tài khoản của ông đã bị khóa trước khi cuộc thảo luận bắt đầu.

"Tôi đã hỏi Zoom đó có phải là sự kiểm duyệt chính trị hay không, nhưng họ chưa bao giờ trả lời tôi cả," ông Lý nói. Ông là chủ tịch Hong Kong Alliance, là nhóm tổ chức lễ thắp nến hàng năm ở Hong Kong để tượng niệm các nạn nhân vụ đàn áp Thiên An Môn.

Ông nói nhóm trước đó đã có hai cuộc thảo luận suôn sẻ trên Zoom.

Sự kiện dùng quân đội để trấn áp biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hồi mùa xuân 1989 diễn ra sau khi sinh viên và công nhân chiếm quảng trường bằng một cuộc biểu tình ôn hòa để đòi dân chủ.

Các ước tính khác nhau đưa ra những con số từ vài trăm cho tới 10 ngàn người biểu tình thiệt mạng trong vụ này.

Việc kỷ niệm hàng năm sự kiện Thiên An Môn luôn là vấn đề rất nhạy cảm ở Trung Quốc, có thể coi đó là ngày nhạy cảm nhất trong năm đối với mạng internet ở Trung Quốc.

Các nội dung liên quan tới việc kỷ niệm hàng năm thường xuyên bị chặn hoặc kiểm duyệt.

Việc đưa tin về sự kiện Thiên An Môn cũng bị kiểm duyệt cực kỳ chặt chẽ tại Trung Quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn