Thụy Điển, nơi mọi người vui mừng khi mất việc

Thứ Bảy, 11 Tháng Tư 20209:00 CH(Xem: 3718)
Thụy Điển, nơi mọi người vui mừng khi mất việc
bbc.com

Ở nơi mọi người vui mừng khi mất việc

David Crouch BBC Worklife

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Bị cắt giảm và mất việc làm là một trong những trải nghiệm khổ sở nhất có thể xảy ra.

Nếu bạn từng trải qua thời gian đó, bạn sẽ biết sự hoảng loạn mà nó gây ra là gì - như nỗi lo về thu nhập, sự nghiệp và ở một số quốc gia, còn là nỗi lo về phúc lợi y tế.

Nhưng sẽ thế nào nếu bị cho nghỉ việc hóa ra lại là điều tốt lành nhất từng xảy ra với bạn? Và đó không phải nhờ may mắn mà là nhờ một hệ thống được thiết lập đặc thù để khai mở tiềm năng của bạn và dẫn lối đưa bạn đến một việc làm tốt hơn trước đó nhiều?

Đây là lời hứa từ "hệ thống chuyển tiếp" độc đáo ở Thụy Điển, một dịch vụ phúc lợi tư toàn quốc dành cho người lao động vừa bị mất việc vì dôi dư lao động.

Các công ty đóng tiền vào các "hội đồng an sinh việc làm", và nơi này sẽ cung cấp những huấn luyện viên dày dạn kinh nghiệm tới giúp bạn làm mới bản thân. Dựa trên những kỹ năng, tham vọng của bạn, họ sẽ kết nối bạn với các cơ hội việc làm thích hợp trên thị trường.

Có khoảng 16 tổ chức như vậy, mỗi tổ chức nắm giữ một mảng khác nhau trong nền kinh tế và có nhiệm vụ tìm việc làm mới cho những người lao động vừa mất việc vì lý do kinh tế.

Kết quả là, Thụy Điển có tỷ lệ có việc làm trở lại cao nhất trong các quốc gia phát triển - khoảng 90% nhân viên bị cho nghỉ việc đã tìm được việc làm trong vòng một năm, theo tổ chức OECD. Đây là tỷ lệ cao hơn hẳn so với Pháp và Bồ Đào Nha vốn chỉ giúp được khoảng 30%, OECD chỉ ra.

Eva, 24 tuổi, vừa tự khám phá ra điều này. Cô tốt nghiệp đại học ngành thiết kế đồ họa vào năm 2016. Công việc của cô ở Stockholm khá tốt và sự nghiệp của cô có vẻ như bắt đầu cất cánh.


Nhưng vào đầu năm 2019, công ty công bố phải cắt giảm vì dư thừa lao động. Không khí trong văn phòng chùng xuống, và đồng nghiệp cô cảm thấy lo lâu.

Cô bắt đầu mất ngủ, liên tục lo lắng rằng cô sẽ là người tiếp theo phải ra đi - thậm chí tới mức bạn trai cô cũng để ý thấy thay đổi đáng kể trong thái độ của cô.

Qua trao đổi với đồng nghiệp, lần đầu tiên Eva được nghe về hội đồng an sinh việc làm.

Công ty cô đã nằm trong mô hình này, nghĩa là cô mặc nhiên có được một người huấn luyện việc làm riêng trước khi bị sa thải vào tháng Sáu.

Hệ thống lập tức hoạt động ngay khi có thông báo sa thải, để đẩy nhanh quá trình giúp người lao động có việc làm mới.

Người hướng dẫn phát hiện một lỗ hổng trong hồ sơ của Eva: công nghệ phát triển nhanh, và Eva cần được đào tạo thêm. Hội đồng chi trả để cô đi học một khóa học đồ họa hoạt hình trong tám tuần ở Trường Truyền thông Berghs.

Thêm vào đó, huấn luyện viên việc làm của Eva cũng hướng dẫn cô thêm kỹ năng phỏng vấn qua các tình huống nhập vai khiến cô tự tin hơn. Cô bắt đầu có được lời mời làm việc mới.

Sau 15 lần từ chối, cô xếp đầu bảng trong 150 ứng viên và được nhận một việc làm mới, bắt đầu từ tháng 1/2020, với mức lương cao hơn hẳn trước đó.

"Tôi thật sự hạnh phúc. Tôi nghĩ dù sao mình sẽ tìm được làm dù không có hội đồng, nhưng nhờ có họ đây là trải nghiệm tuyệt vời," Eva nói, cô không cung cấp tên họ đầy đủ vì lo rằng công ty mới sẽ hiểu nhầm động cơ trả lời báo chí của cô.

"Tôi cảm thấy an tâm hơn với toàn bộ tình huống. Tôi biết tôi không đơn độc, tôi luôn có thể trò chuyện với người cố vấn của mình."

Tương tự như Eva, hầu hết người Thụy Điển trải qua hệ thống chuyển tiếp và có được việc làm trở lại trong vòng sáu tháng.

Theo dữ liệu từ OECD, người lao động Thụy Điển dưới 30 tuổi thực sự thấy thu nhập của họ tăng lên sau khi bị sa thải.

"Hầu hết mọi người đến với chúng tôi và có việc làm mới đều nghĩ rằng bị sa thải là sự bắt đầu của một điều gì đó rất tốt," Erica Sundberg, giám đốc phụ trách khu vực Stockholm của TRR, một trong những hội đồng an sinh việc làm lớn nhất phụ trách khu vực công việc văn phòng, nói.

Giúp người lao động một tay

Ở Thụy Điển, chủ sử dụng lao động trả 0,3% tổng tiền lương cho hội đồng an sinh việc làm, giống như chính sách bảo hiểm chống sa thải.

Trong những giai đoạn làm ăn phát đạt, số tiền được tích luỹ dần, sau đó, khi có nhu cầu tái cấu trúc hay cắt giảm, hội đồng sẽ hiện diện để làm giảm thiệt hại.

Nhân viên được cung cấp dịch vụ ở bất cứ nơi nào các nghiệp đoàn có thỏa thuận với công ty thuê lao động - mà tại Thụy Điển thì điều này có ở hầu hết các công ty, dù là lớn hay nhỏ, bởi 90% nhân viên làm việc ở những nơi làm việc có sự hoạt động của nghiệp đoàn.

Các hội đồng vận hành theo cơ chế đối tác 50-50 giữa chủ lao động và nghiệp đoàn - chính phủ không đóng vai trò gì ở đây.


Họ cung cấp sự hỗ trợ trong thời gian 5 năm kể từ ngày nhân viên bị sa thải để mọi người có thể tiếp tục được hỗ trợ nếu việc làm mới chưa ổn.

Với các hoạt động kinh doanh cá thể, sự hiện diện của mạng lưới an toàn này khiến họ dễ dàng cắt giảm lực lượng lao động hơn, và kết quả là có thể tránh những phản ứng như đình công để đòi hỏi được bảo vệ công ăn việc làm.

Về tổng thể nền kinh tế, hệ thống chuyển giao có tác dụng như chất bôi trơn, khiến việc cắt giảm việc làm bớt khó chịu hơn và khiến các doanh nghiệp Thụy Điển dễ loại bỏ những vị trí dư thừa do công nghệ gây ra.

Chẳng hạn như tập đoàn công nghệ khổng lồ Ericsson đã sa thải hàng ngàn nhân sự ở Thụy Điển vài năm vừa qua khi công ty tìm cách cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, quá trình này đã diễn ra khá êm đẹp một phần nhờ vào thị trường lao động sôi nổi, và cũng nhờ sự can thiệp của hội đồng an sinh việc làm TRR.

TRR chăm sóc các doanh nghiệp trong khối tư nhân với tổng số chừng 950.000 người lao động.

Những huấn luyện viên việc làm của hội đồng này gặp khoảng 13.000 người mỗi năm - con số này giờ đây đang có xu hướng tăng lên khi nên kinh tế Thụy Điển cảm nhận được tác động của sự chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Trong quý ba năm 2019, số người lao động bị sa thải tìm kiếm sự hỗ trợ của TRR đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Dù thị trường lao động ngặt nghèo hơn, nhưng hai phần ba số người lao động mất việc đến với TRR đều tìm được việc làm tương đương hoặc có việc làm lương cao hơn việc làm cũ, Sundberg từ TRR nhận định.

Hệ thống cũng khiến mọi người dễ dàng khám phá những lựa chọn thay thế và thay đổi định hướng việc làm của họ, bà cho biết, vì hội đồng giúp người Thụy Điển vượt qua cú sốc chuyển sang việc làm mới bằng liệu pháp tâm lý.

"Khi chúng tôi hỏi họ sau đó, nhiều người nói rằng: 'Lẽ ra tôi phải làm điều này từ lâu rồi'," Sundberg cho biết.

Áp dụng mô hình Thụy Điển

Thụy Điển có trung tâm giới thiệu việc làm của nhà nước, và nơi này cũng nỗ lực giới thiệu người thất nghiệp đến các chỗ đang cần tuyển dụng.

Tuy nhiên, trung tâm giới thiệu việc làm ở khối dịch vụ công thì phục vụ mục tiêu khác so với hội đồng an sinh việc làm tư nhân; việc làm ở khối dịch vụ công đa số dành cho những người thất nghiệp thời gian kéo dài, hoặc những người không có kỹ năng và đang cố gắng tìm việc làm đầu tiên - chủ yếu là người lao động trẻ không học trung học và là dân nhập cư mới đến quốc gia này.

Trong lúc đó, hội đồng việc làm tập trung vào việc định hình lại kỹ năng và sắp xếp lại vị trí cho những người đã đi làm.

Vẫn có một số phê phán với hệ thống hội đồng việc làm tư nhân.

Hầu hết những ý kiến chỉ trích cho rằng những đơn vị này chẳng làm gì để nâng cao mức độ kỹ năng của người lao động chưa bị cho nghỉ việc, vì hội đồng này chỉ làm việc với những người đã bị sa thải hoặc sắp mất việc.

Thêm vào đó, tìm công ăn việc làm cho những người chưa từng đi làm bao giờ hoặc đã nghỉ việc một thời gian dài có thể khó hơn nhiều, và điều đó có nghĩa là những lao động có kỹ năng làm việc được hội đồng an sinh việc làm trợ giúp sẽ có khả năng tìm được việc mới cao hơn so với các đối tượng khác.

Nhưng, so sánh với các quốc gia Châu Âu khác, hệ thống của Thụy Điển hiệu quả và đã thu hút được sự chú ý của quốc tế.

Hệ thống tương tự và gần giống nhất với Thụy Điển là Transfermaßnahmen của Đức, tức là "tiêu chuẩn chuyển đổi", theo đó việc hỗ trợ người lao động bị mất việc một phần được chi trả bởi doanh nghiệp và một phần do nhà nước hỗ trợ.

Tuy nhiên, hệ thống này chỉ áp dụng cho những công ty lớn.

Nhìn chung, các chương trình hiện thời ở Châu Âu chủ yếu tập trung vào tránh sa thải nhân viên, bằng cách áp dụng biện pháp cắt giảm lương hay giảm giờ làm.

Ở hầu hết quốc gia, không có hỗ trợ gì thêm cho nhân viên bị cắt giảm ngoài các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Cách này được áp dụng không chỉ trong hệ thống của Pháp mà còn ở Bỉ và Hà Lan.

Theo Lars Walter, giáo sư về quản trị tại Đại học Gothenburg, một số quốc gia ở Châu Âu đang tìm hiểu hệ thống tương đương ở Thụy Điển, nhằm mục đích tăng cường hỗ trợ cho nhân viên bị cắt giảm việc làm.

Nhưng đây là sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ lao động và công đoàn thương mại khiến cho hệ thống của Thụy Điển độc đáo, ông giải thích.

"Bạn có thể tạo ra hệ thống an sinh tương tự ở các quốc gia khác - không nhất thiết phải có sự tham dự tương đương giữa công đoàn và người lao động như ở Thụy Điển, nhưng với cùng tính chất," Walter cho biết.

Dù có hệ thống hỗ trợ nào chăng nữa khi chuyển đổi việc làm, không gì có thể loại trừ sự căng thẳng khi phát hiện doanh nghiệp không cần đến bạn nữa và bạn phải tìm kiếm nơi làm việc mới.

Nhưng ở Stockholm, Eva đang mong chờ bắt đầu công việc mới trong tháng Giêng.

Cô hy vọng là những điều tốt lành mà quá trình huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ cô nhận được từ hội đồng an sinh việc làm sẽ hữu ích với cô.

"Bị sa thải là một cú sốc," cô chia sẻ. "Nhưng giờ đây tôi làm việc với một công ty tốt hơn, ở văn phòng tốt hơn và có nhiều tiền hơn."

David là phóng viên tự do ở Thụy Điển. Ông là tác giả của tập sách "Gần như hoàn hảo: Thụy Điển vận hành ra sao và ta có thể học tập gì từ đó?" (2019)

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn