Dải băng Greenland tan nhanh gấp 7 lần thập niên 1990

Thứ Bảy, 28 Tháng Ba 20207:00 CH(Xem: 3553)
Dải băng Greenland tan nhanh gấp 7 lần thập niên 1990

Băng ở Greenland tan nhanh hơn dự kiến có thể đẩy 400 triệu người vào cảnh sống chung với lũ vào năm 2100, nghiên cứu cho biết.

Cảnh tượng băng tan ở phía tây Greenland. Ảnh: ABC News.

Cảnh tượng băng tan ở phía tây Greenland. Ảnh: ABC News.

Phát hiện, được công bố trên tạp chí Nature hôm 10/12, cho thấy Greenland đã mất 3,8 nghìn tỷ tấn băng kể từ năm 1992, đủ để đẩy mực nước biển toàn cầu dâng cao thêm 10,6 mm. Tỷ lệ băng tan đã tăng từ 33 tỷ tấn mỗi năm trong thập niên 1990 lên 254 tỷ tấn mỗi năm trong thập kỷ vừa qua.

Nghiên cứu do 96 nhà khoa học từ 50 tổ chức quốc tế thực hiện đã sử dụng dữ liệu từ 11 nhiệm vụ vệ tinh khác nhau, bao gồm các phép đo về sự thay đổi thể tích, lưu lượng và trọng lượng của dải băng, kết hợp với thông tin thu thập được từ 26 chuyến khảo sát thực tế trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 2018.

Năm 2013, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã dự đoán mực nước biển toàn cầu sẽ tăng 60 cm vào năm 2100, khiến 360 triệu người ven biển bị đe dọa bởi lũ lụt. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy băng ở Greenland đang tan nhanh hơn dự kiến và có thể đẩy mực nước biển tăng cao hơn 7 cm so với kịch bản của IPCC.

"Như một quy luật của tự nhiên, cứ mỗi centimet nước biển dâng sẽ có thêm 6 triệu người bị đe dọa bởi lũ lụt. Do đó, tổng số người bị ảnh hưởng vào cuối thế kỷ 21 có thể lên tới 400 triệu. Đây không phải viễn cảnh xa vời bởi thực tế là nó đang diễn ra và tàn phá các cộng đồng ven biển", Giáo sư Andrew Shepherd từ Đại học Leeds, trưởng nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Dự án một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề có quy mô toàn cầu. Các nhà khoa học cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các dải băng và sông băng lớn trên thế giới để dự đoán những kịch bản nước biển dâng có thể xảy ra trong tương lai.

Đoàn Dương (Theo Phys)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn