Nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt 
Bắc bộ là nơi ít xảy ra hạn hán nhất trong cả nước. Tuy nhiên từ cuối tháng 11 đến nay, hạn hán nghiêm trọng đã xảy ra trên các sông Bắc bộ với mức thiếu hụt phổ biến 20-50% so với trung bình nhiều năm (TBNN), theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Dự báo trong tháng 3-4/2020, các sông suối tiếp tục thiếu hụt so với TBNN, đặc biệt trên lưu vực sông Đà (thiếu hụt từ 20-50%) và sông Thao (40-70%), riêng hạ lưu sông Lô thiếu hụt tới 60-90%, hạ lưu vực sông Hồng thiếu hụt từ 20-30%.
Bắc bộ là khu vực đón mùa mưa sớm nhất cả nước. Dự báo từ tháng 5-8/2020, trên các sông suối khu vực Bắc bộ sẽ xuất hiện lũ, đỉnh lũ các sông ở mức BĐ1-BĐ2, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3. Tuy vậy, nguồn nước trên các lưu vực sông thiếu hụt từ 20-30% so với TBNN, hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 30-70%.
Tại Trung bộ, Tây Nguyên, một mùa khô hạn kỷ lục có thể xuất hiện. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 2-5/2020, mực nước trên các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên xuống dần và ở mức thấp, phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 25-75%, trên một số sông suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc với mức thiếu hụt trên 90%.
Trong thời gian này, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra nghiêm trọng hơn ở những nơi ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi.
Từ tháng 6-8/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung bộ ở mức tương đương và gay gắt hơn mùa khô năm 2019 tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt ở Đà Nẵng và nhiều địa phương.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành, trong cuộc họp bàn giải pháp ứng phó phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 đã yêu cầu Cục Quản lý Tài nguyên nước phải cảnh báo sớm tình hình thiếu nước sinh hoạt từ 1-2 tháng để các địa phương chủ động ứng phó. Thứ trưởng cũng yêu cầu, Cục Quản lý tài nguyên nước phải nắm tình hình hoạt động tại các nhà máy cấp nước sạch trên toàn quốc. Riêng với Đà Nẵng, cần gửi văn bản khuyến cáo cho thành phố về công tác nước sạch.

Xâm nhập mặn có thể vượt kỷ lục năm 2016 
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với TBNN. Trong một số thời điểm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể ở mức tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2016 (trong thời kỳ triều cường kết hợp với gió chướng mạnh).
Thời gian xâm nhập mặn tăng cao trên sông Cửu Long khả năng tiếp tục diễn ra từ ngày 20-27/2. Các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3 và 4/2020 (từ ngày 6-15/3), sau đó xâm nhập mặn có khả năng giảm dần.

Cơ quan khí tượng khuyến cáo, các tỉnh ở Đồng bằng Nam bộ tiếp tục chủ động ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian tới. Đặc biệt là Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau.