Số người học tiếng Nga trên thế giới 'giảm rất nhiều và nhanh' ( Uả, Có tiếng Nga à? )

Thứ Năm, 28 Tháng Mười Một 20193:00 CH(Xem: 4044)
Số người học tiếng Nga trên thế giới 'giảm rất nhiều và nhanh' ( Uả, Có tiếng Nga à? )
bbc.com

Số người học tiếng Nga trên thế giới 'giảm nhanh'


Tiếng Nga Bản quyền hình ảnh JOSEPH EID
Image caption Dạy tiếng Nga ở Lebanon

Số người học tiếng Nga trên thế giới 'giảm nhanh' xuống còn chừng một triệu ở ngoài vùng thuộc Liên Xô cũ, theo báo Nga.

Trang Moscow Times 28/11/2019 trích nguồn của Nga nói trong 30 năm qua, kể từ khi Liên Xô sụp đổ, số người học tiếng Nga giảm nhanh và sẽ còn giảm.

Không kể các nước dùng tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ hoặc là tiếng phổ biến hàng đầu (Nga, Belarus, Ukraine), số người học tiếng Nga bên ngoài đã giảm, từ 74,6 triệu đầu thập niên 1990, xuống còn 38,2 triệu năm 2018, theo một trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Giáo dục Liên bang Nga.

Con số người vẫn học tiếng Nga ở các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô (Trung Á, Baltic) cũng giảm đi nhanh chóng.

Bên ngoài khu vực này, số sinh viên chọn học tiếng Nga trên thế giới giảm từ 20 triệu xuống trên 1 triệu cùng thời gian.

Các bài báo nói cần phân biệt con số người đã biết tiếng Nga và số người chọn học tiếng Nga như ngoại ngữ hàng đầu.

Và việc giới trẻ trên thế giới không chọn tiếng Nga để học nữa mới là đáng lo ngại, dù lý do có thể có cả chính trị, kinh tế và trào lưu văn hóa.

Nga cáo buộc các nước từng thuộc phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và vùng Baltic là "phân biệt đối xử" với người nói tiếng Nga, và với ngôn ngữ này.

Tiếng Nga trở thành vấn đề gây chia rẽ nghiêm trọng ở Ukraine, nhất là sau cuộc chiến ở Đông Ukraine.

Ai nói tiếng Nga trên thế giới?

Theo trang Russia Beyond (10/05/2018), ở Liên bang Nga, tính đến 2017 có 154 triệu người nói tiếng Nga.

Còn trên thế giới, số người nói tiếng Nga tập trung ở 17 quốc gia từng thuộc Liên Xô hoặc khối cộng sản Đông Âu.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, số người nói tiếng Nga ở châu Âu, Úc và Hoa Kỳ thường là di dân từ Nga và các nước Liên Xô cũ.

Chẳng hạn năm 2000 có tới 706 nghìn người nói tiếng Nga định cư tại Mỹ, và đến 2010 con số này tăng lên 900 nghìn.

Ngoài ra, ít người biết là ở Alaska vẫn có một cộng đồng nói tiếng Nga rất nhỏ, ở lại từ thời vua Nga bán Alaska cho Hoa Kỳ năm 1867.

Ở Israel hiện có tới gần nửa triệu người di dân từ Liên Xô cũ vẫn nói được tiếng Nga.

Tuy nhiên, về mặt pháp luật và tôn giáo, đa số họ là người Do Thái hoặc gốc Do Thái chứ không phải người Nga.

Còn tại Đức, người nhập cư nói tiếng Nga tính đến 2003 là khoảng 6 triệu, gồm cả con cháu của kiều dân Đức vùng Volga mà Đức nhận về.

Anh Quốc cũng đã có cộng đồng hàng vạn người nói tiếng Nga, gồm không ít doanh nhân giàu có hoặc con em họ.

'Tiếng của người anh lớn - nước Nga'

Ở châu Á, Mông Cổ và Việt Nam là hai nước từng có đông người học tiếng Nga.

Nhưng xu thế học tiếng Anh và các tiếng khác đã đẩy tiếng Nga xuống vị trí thứ yếu hoặc không thiết yếu như trước.

Một tài liệu công bố ở Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (2015) ghi nhận thực trạng này:

"Những năm gần đây, việc sử dụng tiếng Nga ở Việt Nam có thể nói đã không còn phổ biến như cách đây gần hai thập kỷ."

"Đất nước đã mở cửa với các nước tư bản khác, nên việc sử dụng tiếng Anh đã phổ biến khắp mọi nơi...Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quốc tế, phủ song toàn cầu..."

Tuy thế, vẫn có ý kiến ở Việt Nam muốn nước này phục hồi vị trí "là một quốc gia Nga ngữ lớn ở châu Á".

Việt Nam vẫn còn một số không nhỏ trí thức, cán bộ cộng sản có tình cảm với Liên Xô cũ Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM
Image caption Việt Nam vẫn còn một số không nhỏ trí thức, cán bộ cộng sản có tình cảm với Liên Xô cũ

Việt Nam vẫn còn một số không nhỏ trí thức, cán bộ cộng sản có tình cảm với Liên Xô cũ, gồm nhiều người được đào tạo bằng tiếng Nga.

Dù vậy, không hiện không rõ bên cạnh tình cảm với văn hóa Nga, số người Việt còn dùng thạo tiếng Nga là bao nhiêu.

Trang Russia Beyond khi nói về số người dùng tiếng Nga trên thế giới đã không nhắc gì đến Việt Nam.

Tại Mông Cổ, sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ kinh tế với Liên bang Nga và việc học tiếng Nga giảm sút đáng kể.

Trao đổi thương mại Nga - Mông Cổ giảm gần 80& trong những năm 1990 và "thanh niên Mông Cổ ngày càng chọn tiếng Anh như ngoại ngữ thứ nhì, sau tiếng Nga", theo trang Nikkei Asian Review (03/10/2019).

Thế nhưng, trang Mongolia Focus hồi 2016 trích một điều tra dư luận cho rằng tiếng Anh không ở vị trí thứ nhì, mà đã là lựa chọn thứ nhất cho người Mông Cổ khi học ngoại ngữ.

Điều tra đó hỏi "Bạn thường dùng tiếng gì ngoài tiếng mẹ đẻ?" đem lại câu trả lời: Tiếng Anh 42%, Nga 17%, Hàn 8%, Nhật 8%, và Trung văn 5%.

Hiện tiếng Nga vẫn rất phổ biến trong giới quan chức, trí thức Mông Cổ học thời Liên Xô và Nga đang quay trở lại bằng các khoản đầu tư để giữ Mông Cổ trong vùng ảnh hưởng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn