Roma: Đổi chai nước lấy một vé tầu điện miễn phí

Chủ Nhật, 24 Tháng Mười Một 20198:00 CH(Xem: 5369)
Roma: Đổi chai nước lấy một vé tầu điện miễn phí
vi.rfi.fr

Roma: Đổi chai nước lấy một vé tầu điện miễn phí

RFI

mediaMột người sử dụng phương tiện công cộng nhét chai nước nhựa vào vào một máy thu gom để đổi lấy vé tầu..AFP/Tiziana Fabi

Ba mươi chai nước nhựa đổi lấy một chuyến tầu điện ngầm miễn phí ! Từ hai tháng nay, Roma, thủ đô nước Ý, đã trở thành thủ đô châu Âu đầu tiên lắp đặt các máy nhặt chai nhựa tại những điểm giao thông công cộng.

Hiện tại, sáng kiến này chỉ mới trong giai đoạn thử nghiệm tại ba trạm metro ở Roma. Trong khi đó, cách làm này đã được tiến hành ở nhiều nước trên thế giới như Ecuador, Trung Quốc, Indonesia hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Ý, việc xử lý rác thải vẫn gặp thất bại. Và sáng kiến « đổi chai nước nhựa lấy vé tầu điện » còn làm nổi rõ nhiều kẽ hở. Thực vậy, theo phóng sự của RFI, khi được hỏi về sáng kiến này, nhiều người dân Ý tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của dự án. Người dân thành phố Napoli không phủ nhận đây có thể là một ý kiến hay, trong khi họ thường xuyên đối mặt với những đống rác và mùi xú uế từ rác thải. Nhưng họ cũng tự hỏi liệu ai có đủ kiên nhẫn gấp từng chai nước một và nhét từng chiếc vào cỗ máy thu nhặt được đặt trong các tầu điện ngầm.

Công tác thu gom và xử lý rác thải tại Ý đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi một cuộc cách mạng thật sự trong việc tái chế rác. Chuyên gia về Ý, giáo sư Anne Marinen, trường đại học Paris VIII, giải thích với RFI :

« Tại Roma, cơ quan xử lý rác thải địa phương chưa bao giờ hoạt động tốt cả. Thiếu nhân sự do nhiều người nghỉ ốm và việc thu gom rác chẳng có ích gì, quy trình thu gom và tái xử lý không được tuân thủ đến nơi đến chốn, tóm lại là không hoạt động. Vì vậy, chính người dân thành Roma phải trả giá cùng với nạn chuột, thậm chí lợn rừng phá phách trong nhiều khu phố ! Họ đã mất công phân loại rác tại nhà, cho vào những túi mầu xanh lá cây, đỏ, vàng tùy theo từng loại rác thải… vào cuối tuần, xe thu gom rác đến nhặt các túi này. Nhưng trước khi đến nhà máy tái chế thì các túi rác lại bị trộn lẫn với nhau. Vấn đề này ai cũng biết, lặp đi lặp lại, và bị lên án tại thủ đô. Đến mức để tìm giải pháp cho vấn đề, một hiệp hội công dân có tên gọi ʺĐây không phải là rácʺ đã đề nghị người dân thường có thói quen lọc rác nên mang rác đã phân loại đến thẳng một nhà máy tái chế tư nhân nào đó ».

Pháp chậm trễ trong việc xử lý rác nhựa

Theo ước tính, chỉ có 42% rác thải nhựa được tái xử lý. Tây Ban Nha, Áo, Đức và nhiều nước Bắc Âu là những nước đi đầu. Thế còn tại Pháp thì sao ? Ông Hervé Millet, đại diện PlasticsEurope tại Pháp nhận định :

« Chương trình thí điểm đổi chai nhựa lấy vé tầu điện ngầm miễn phí ở Roma hay tại nhiều điểm metro khác ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Quito (Ecuador), tôi cho là rất tốt. Tất cả những gì có thể làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng đều là một việc tốt. Nhưng cũng đừng quên là những chiếc chai này chỉ là một phần của rác thải nhựa, chiếm khoảng 40%. Còn có nhiều loại bao bì và dụng cụ nhựa khác không được tái chế theo cùng một cách.

Tại Pháp, vấn đề là ở chỗ thiếu các nhánh xử lý khác nhau. Tại nhiều nơi khác như Tây Ban Nha chẳng hạn, họ đã thành công trong việc xử lý rác thải nhựa bằng cách cấm thải các loại chai hay nhiều loại sản phẩm nhựa khác. Giải pháp là làm tăng giá trị của rác thải. Công chúng phải biết là rác thải có đời sống thứ hai ! Cùng với các loại bao bì nhựa được tái chế, người ta biến đổi chúng thành các loại chai nhựa khác hay chế biến chúng thành quần áo ».

Thế Vận Hội Olympic 2024 sẽ được tổ chức tại Paris. Chính phủ Pháp vẫn đang cân nhắc, chưa có dự kiến lắp đặt các máy thu gom chai nhựa. Các nhà tổ chức dự kiến lắp các bảng hiệu để khuyến khích các cổ động viên vứt chai nhựa trong các thùng rác gần các sân vận động nhằm tránh việc thải rác bừa bãi trên các vỉa hè.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn