Khi thế giới phân chia thành 'internet ta, internet Tây'

Chủ Nhật, 24 Tháng Mười Một 201911:00 CH(Xem: 3568)
Khi thế giới phân chia thành 'internet ta, internet Tây'
bbc.com

Khi thế giới phân chia thành 'internet ta, internet Tây'

Sally Adee BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Năm 1648, Hòa ước Westfalen được ký kết, chấm dứt 30 năm chiến tranh trên toàn lãnh thổ châu Âu và mang lại chủ quyền cho các quốc gia.

Quyền của các nước trong việc kiểm soát và bảo vệ lãnh thổ của mình đã trở thành nền tảng cốt lõi của trật tự chính trị toàn cầu và kể từ đó tới nay, nguyên tắc này vẫn được duy trì.


Năm 2010, một phái đoàn của các quốc gia - trong đó có Syria và Nga - đã trình lên một cơ quan kín tiếng của Liên Hiệp Quốc một yêu cầu kỳ lạ: các nước này muốn Liên Hiệp Quốc ghi nhận nguyên tắc chủ quyền biên giới quốc gia đối với thế giới kỹ thuật số.

"Họ muốn các nước có quyền cấp tất cả địa chỉ internet ở từng nước theo quy tắc riêng của nước đó, theo cách giống như cấp mã quốc gia đối với số điện thoại vậy," Hascall Sharp, nhà tư vấn chính sách internet độc lập, người khi đó là giám đốc chính sách công nghệ của hãng công nghệ khổng lồ Cisco, nói.

Sau một năm đàm phán, yêu cầu trên không đạt kết quả gì: việc tạo ra những đường biên giới trên mạng như vậy đồng nghĩa với cho phép các quốc gia kiểm soát chặt chẽ công dân nước họ, trái với tinh thần tự do, phi biên giới của mạng internet, vốn không chịu sự kiểm soát độc tài của bất kỳ chính phủ nào.

Gần một thập niên trôi qua, tinh thần phi biên giới đó dường như trở thành một ký ức kỳ quặc. Thế nhưng các nước không đạt nguyện vọng tại Liên Hiệp Quốc thì không hề có ý bỏ cuộc trong việc xây tường chắn trên không gian mạng - họ đã dành cả thập niên qua để tìm kiếm các biện pháp khả thi hơn nhằm hiện thực hoá ý định này.

Nga trên thực tế thậm chí đã tìm ra một cách mới để tạo nên bức tường biên giới kỹ thuật số. Vào tháng 4/2019, Nga thông qua hai dự luật theo đó xác lập các trình tự công nghệ và pháp lý để tách biệt mạng internet của riêng Nga ra khỏi mạng toàn cầu.

Đây là một trong số ngày càng nhiều những quốc gia cảm thấy họ đã chịu quá đủ đối với đường trục internet căn bản do phương Tây xây dựng và kiểm soát.

Tuy khó có thể nói rằng Nga là nước đầu tiên nỗ lực kiểm soát những thông tin nào được phép hay không được phép lọt vào lãnh thổ nước mình, nhưng cách làm của họ về căn bản là bắt nguồn từ các nỗ lực trước kia.

"Điều này khác," Robert Morgus, nhà phân tích an ninh mạng cao cấp tại Quỹ New America, nói. "Tham vọng của Nga đi xa hơn nhiều so với bất kỳ nước nào khác, ngoại trừ Bắc Hàn và Iran, trong việc tuyệt giao với mạng internet toàn cầu."

Cách tiếp cận của Nga cho ta thấy một cái nhìn thoáng qua về chủ quyền quốc gia đối với internet trong tương lai.

Ngày nay, các nước theo đuổi thứ "chủ nghĩa lãnh thổ" trong không gian mạng không chỉ giới hạn trong các nước thường bị coi là độc tài. Mức độ theo đuổi ngày nay thì sâu xa hơn bao giờ hết.


Dự án của các nước này được hỗ trợ rất nhiều bởi những tiến bộ trong công nghệ cũng như bởi nỗi lo sợ ngày càng tăng trên toàn cầu liên quan đến câu hỏi liệu mạng internet mở đã bao giờ là một ý tưởng tốt hay chưa.

Những phương pháp mới này không chỉ giúp các quốc gia nâng cao năng lực 'bế quan toả cảng', mà còn giúp cho các nước có cùng cách tư duy xây dựng cấu trúc mới, tạo ra một mạng internet hoạt động song song với mạng internet toàn cầu hiện nay.

Internet mở thì sao?

Có một số nước không hài lòng với việc liên minh phương Tây từ trước đến nay vẫn luôn nắm giữ quyền quản trị internet.

Các nước này không chỉ tư duy theo kiểu 'thứ gì hễ được phương Tây tán thành ắt sẽ gây rắc rối cho mình', mà còn muốn áp đặt kiểu tư duy đó vào việc xây dựng internet, một mạng lưới đặc biệt vốn được thiết kế nhằm đảm bảo rằng không ai có thể ngăn cản được việc trao đổi bất kỳ thông tin gì tới bất kỳ ai.

Khả năng trao đổi thông tin không bị kiểm soát diễn ra được là nhờ vào giao thức cơ bản mà phái đoàn năm 2010 cố muốn tìm cách khống chế: bộ giao thức TCP / IP cho phép thông tin được truyền tải hoàn toàn không phụ thuộc yếu tố địa lý của nơi gửi / nhận, hoặc nội dung được gửi / nhận.

Bộ giao thức này không quan tâm đến loại thông tin nào được gửi đi, thông tin đến từ quốc gia nào, hoặc luật pháp ở quốc gia tiếp nhận thông tin đó ra sao; tất cả những gì nó quan tâm là địa chỉ internet ở cuối mỗi giao dịch được gửi.

Đó là lý do tại sao TCP / IP sẽ chuyển các gói thông tin từ điểm A đến điểm B bằng bất kỳ cách nào có thể, thay vì gửi chúng qua các đường dẫn được xác định trước, là thứ dễ dàng bị chuyển hướng hoặc gián đoạn.

Rất dễ để phớt lờ đi sự phản đối áp dụng bộ giao thức này khi mà các chế độ độc tài phải đối mặt với phong trào dân chủ trên toàn cầu. Thế nhưng vấn đề ở đây là những gì phát sinh lại không chỉ ảnh hưởng đến các chế độ độc tài mà thôi.

Bất kỳ chính phủ nào cũng lo lắng về những thông tin độc hại, chẳng hạn như phần mềm gián điệp tiếp cận các hạng mục quân sự, kiểm soát năng lượng và dự trữ nguồn nước, hoặc tin giả làm tác động tới tâm lý cử tri.

"Nga và Trung Quốc chỉ nhanh chân hơn các nước khác trong việc hiểu được tác động tiềm ẩn mà luồng thông tin mở khổng lồ sẽ gây ra cho con người và việc ra quyết định của con người, đặc biệt là ở tầm mức chính trị," ông Morgus nói.

Quan điểm của họ là công dân của một quốc gia cũng là một phần trong cơ sở hạ tầng quan trọng, giống như các nhà máy điện, và do đó cần được "bảo vệ" khỏi các thông tin độc hại - mà trong trường hợp này là tin giả thay vì virus.

Thế nhưng về bản chất thì đây không phải là để bảo vệ mà chủ yếu mà nhằm kiểm soát công dân, Lincoln Pigman, học giả người Nga tại Đại học Oxford và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Đối ngoại ở London, nói.

Internet có chủ quyền không phải là thứ internet riêng rẽ

Nga và Trung Quốc bắt đầu công khai nói về "mạng Internet có chủ quyền" vào khoảng năm 2011- 2012, là lúc "mùa đông biểu tình" kéo dài hai năm của Nga bắt đầu nổ ra, và cũng là lúc xảy ra các cuộc cách mạng dựa vào sức mạnh internet làm rung chuyển các chế độ độc tài toàn trị khác.

Tin chắc rằng những cuộc nổi dậy này là do phương Tây khuấy động, Nga đã tìm cách ngăn chặn những ảnh hưởng nhằm gây rối đến các công dân của họ - mà về bản chất là thiết lập các 'chốt kiểm soát' tại đường biên giới kỹ thuật số của Nga.

Nhưng chủ quyền trên internet không đơn giản như tự cắt đứt mình với mạng internet toàn cầu là xong.

Dù điều đó có vẻ trái ngược với lẽ thường, song để minh họa rằng đó chính là hành động tự mình chuốc lấy thất bại, người ta chỉ cần nhìn vào Bắc Hàn là rõ ngay.

Một sợi dây cáp duy nhất kết nối cả đất nước với phần còn lại của internet toàn cầu. Chỉ cần gạt công tắc một cái là quý vị có thể dễ dàng ngắt sự kết nối đó. Nhưng không mấy quốc gia tính đến việc triển khai một cơ sở hạ tầng tương tự - chỉ nhìn riêng từ khía cạnh phần cứng thì đó đã là điều hầu như bất khả thi.

"Tại các quốc gia có kết nối dày đặc và đa dạng với phần còn lại của mạng internet toàn cầu thì việc xác định được tất cả các điểm thông tin vào ra là không thể được," Paul Barford, nhà khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin, Madison nói. Ông cũng là người lên sơ đồ mạng lưới các đường ống và dây cáp để tải thông tin internet toàn cầu.

Ngay cả khi nước Nga bằng cách nào đó có đủ mọi thiết bị phần cứng để đáp ứng được thông tin vào, ra khỏi đất nước, thì điều đó cũng vẫn không thể đủ để chặn tất cả các cái chốt thông tin này, trừ khi họ vui vẻ chấp nhận là họ sẽ phải tách biệt khỏi nền kinh tế thế giới.

Internet hiện là một phần quan trọng của thương mại toàn cầu, và nước Nga không có cách nào tự ngắt kết nối với hệ thống này mà lại không làm tổn hại nền kinh tế của mình.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn