Chính phủ Trung Quốc đang từng bước ‘thôn tính’ các công ty tư nhân

Thứ Bảy, 12 Tháng Mười 20191:00 SA(Xem: 3830)
Chính phủ Trung Quốc đang từng bước ‘thôn tính’ các công ty tư nhân

1552x
Suy thoái kinh tế và khủng hoảng tín dụng ở Trung Quốc ngày càng gia tăng, nhưng theo số liệu điều tra các công ty Trung Quốc của Fitch Ratings cho thấy, những công ty quốc doanh có chính phủ hậu thuẫn đã không ngừng mua lại các công ty tư nhân ở mức kỷ lục trong năm nay, Secret China đưa tin.

Nhiều bài báo hot trên Internet kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân rời khỏi thị trường, tạo thành xu hướng “quốc tiến dân lùi” (công ty quốc doanh phát triển, còn công ty tư nhân thì thoái lùi).

Xu hướng “quốc tiến dân lùi”

Vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung lần thứ 13 sẽ bắt đầu vào tuần tới. Cùng với sự gia tăng căng thẳng thương mại, suy thoái kinh tế và thắt chặt tín dụng của Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước nhiều khả năng sẽ dễ dàng nhận được các chính sách và nguồn tín dụng hỗ trợ của chính phủ, trong khi các doanh nghiệp tư nhân sẽ đối diện với trùng trùng khó khăn.

Tờ Wall Street Journal trích dẫn số liệu báo cáo ngày 01/10 của Fitch Ratings cho thấy, những người thâu tóm công ty đều có gốc gác của chính phủ Trung Quốc, họ đã mua lại các doanh nghiệp tư nhân với tốc độ kỷ lục.

Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019, những người thâu tóm đã mua lại cổ phần của 47 công ty tư nhân niêm yết, trong khi toàn năm ngoái, chỉ có 52 giao dịch như vậy.

Báo cáo cho rằng, đối với việc thu mua và nhập cổ phần các doanh nghiệp tư nhân là một trong những cách để các doanh nghiệp quốc doanh đạt được mục đích công khai ra mắt thị trường chứng khoán và mở rộng các kênh tài chính.

Chẳng hạn, doanh nhân tư nhân Hoàng Thủy Thọ đã bán 27,9% cổ phần của mình cho một doanh nghiệp nhà nước với giá 1,2 tỷ nhân dân tệ (hơn 3,896 tỷ đồng). Người mua công khai tuyên bố trong báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu rằng, một trong những lý do thu mua cổ phần là để mở rộng kênh tài chính.

Một số học giả đã chỉ ra rằng, sau khi các doanh nghiệp nhà nước “nuốt chửng” các doanh nghiệp tư nhân, họ có thể sẽ bắt chước theo mô hình quản lý kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, từ đó làm suy yếu tiềm lực kinh tế Trung Quốc.

Ông Phàn Cương, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển Trung Quốc tỉnh Thẩm Quyến, cho biết tại Diễn đàn cấp cao phát triển Trung Quốc năm 2018, “Dù nguồn vốn nhà nước tương đối mạnh, nhưng một hiện tượng đáng lo ngại là sau khi các doanh nghiệp nhà nước thu mua cổ phần doanh nghiệp tư nhân, họ sẽ áp dụng phương pháp quản lý của mình, điều này không có lợi cho sự phát triển kinh tế tư hữu”.

Mục đích thâu tóm là gì?

Vào ngày 20/9, website chính thức của chính quyền tỉnh Chiết Giang đã ban hành một văn bản, cho biết chính quyền thành phố Hàng Châu sẽ phân bổ 100 quan chức đại biểu đến 100 doanh nghiệp chủ chốt gồm Alibaba, Geely và Wahaha để làm “cầu nối” giữa chính phủ và doanh nghiệp, thực hiện “kế hoạch sản xuất mới” vừa được ra mắt tại Hàng Châu.

Bài báo phỏng đoán đây chỉ là “khúc nhạc dạo đầu” của chính phủ, tương lai không xa tất cả các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đều sẽ có một quan chức đại biểu.

Một bài viết phân tích trên Twitter cho rằng, mục đích việc thâm nhập cổ phần và cử quan chức đại diện của chính quyền Trung Quốc đó là:

1. Kiểm soát hoàn toàn hoạt động và tình hình tài chính của các doanh nghiệp tư nhân
2. Không cho phép các doanh nhân tư nhân có cơ hội chuyển nhượng quyền sở hữu vốn và sở hữu công ty cho người khác.
3. Đây là cách để các doanh nghiệp tư nhân nộp thêm thuế cho chính phủ
4. Để các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân liên doanh với nhau, điều này cuối cùng sẽ “bóp nghẹt” sự sáng tạo của các doanh nghiệp tư nhân.

Đồng thời, có báo cáo rằng chính quyền thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đã bắt đầu thí điểm và tiếp quản tài chính các doanh nghiệp tư nhân, cho thấy dấu hiệu chính quyền Trung Quốc sẽ dần dần kiểm soát các công ty tư nhân trên toàn đại lục.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn