Thành phố Trung Quốc có hơn 2,5 triệu camera giám sát

Thứ Bảy, 05 Tháng Mười 20192:00 SA(Xem: 3794)
Thành phố Trung Quốc có hơn 2,5 triệu camera giám sát

Sau ca làm việc dài, tài xế taxi Wu Chun ở Trùng Khánh đỗ xe để tìm nhà vệ sinh. 5 phút sau, anh nhận được tin nhắn báo đỗ sai.

Tiếp theo, Wu bị phạt 200 nhân dân tệ (28 USD) và giấy phép lái xe của anh nhận ba điểm phạt. Không bất ngờ, Wu vui vẻ chấp nhận như thể việc bị phạt kiểu này là điều bình thường ở Trùng Khánh, thành phố được giám sát chặt chẽ nhất Trung Quốc.

Đến năm 2019, Trùng Khánh đã lắp đặt 2,58 triệu camera giám sát, bao phủ 15,35 triệu dân, tương đương 168 camera trên 1.000 dân, thậm chí còn cao hơn số lượng ở Bắc Kinh, theo phân tích do website chuyên cung cấp báo cáo về dịch vụ công nghệ Comparitech công bố hồi tháng 8. Trong 10 thành phố đứng đầu cuộc khảo sát, có 8 thành phố của Trung Quốc. London và Atlanta là hai đại diện duy nhất đến từ phương Tây.

Hệ thống camera giám sát trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi tháng 3. Ảnh: AP.

Hệ thống camera giám sát trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc, hồi tháng 3. Ảnh: AP.

Camera quan sát (CCTV) có thể được nhìn thấy ở hầu như mọi ngóc ngách của thành phố miền núi phía tây nam Trung Quốc, phục vụ nhiều mục đích khác nhau, từ giám sát giao thông, ngăn chặn trộm cắp vặt ở nhà hàng, siêu thị hay giám sát an ninh công cộng tại công viên và trung tâm mua sắm...

Các thành phố hạng một như Bắc Kinh hay Thượng Hải đã sử dụng camera giám sát kết hợp trí thông minh nhân tạo (AI) và công nghệ nhận diện khuôn mặt để điều tiết giao thông và xác định những tài xế vi phạm luật đường bộ. Trong khi ở Thâm Quyến, người vi phạm luật đường bộ không chỉ bị nêu tên trên các màn hình LED lớn mà còn nhận được thông báo nộp phạt qua tin nhắn điện thoại.

Nhưng tại sao Trùng Khánh lại xếp hàng đầu trong danh sách các thành phố bị giám sát chặt chẽ nhất thế giới mà không phải nơi nào khác, ví như trung tâm công nghệ Thâm Quyến? Theo một số chuyên gia, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ chiến dịch trấn áp tội phạm có tổ chức và xã hội đen dưới thời Bạc Hy Lai, bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh từ năm 2007 đến 2012, người đã lĩnh án tù chung thân vì tham nhũng. Để hoàn thành chiến dịch trên, nhà chức trách Trung Quốc đã phải huy động những công nghệ giám sát hiện đại trong thành phố, từ nghe lén, ghi âm cho tới theo dõi thông tin liên lạc trên Internet.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ vai trò quan trọng của Trùng Khánh trong "Dự án Skynet", hệ thống giám sát quốc gia của Trung Quốc với 20 triệu camera đặt tại các nơi công cộng trên khắp cả nước.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả Skynet là hệ thống giám sát lớn nhất thế giới, "con mắt bảo vệ quốc gia", nhưng nó cũng dẫn tới lo ngại về tác động của việc giám sát liên tục đối với công dân và sẽ ra sao khi nó được dùng để nhắm tới những người bất đồng chính kiến.

Nhiều người dân bất ngờ khi Trùng Khánh trở thành thành phố được giám sát chặt chẽ nhất thế giới, số khác cho rằng đây là điều tốt.

"Thật tốt vì có thêm nhiều camera giám sát", tài xế taxi Wu nói. "Chúng mang đến cảm giác an toàn, vì thế sẽ có ít tội phạm hơn".

Sau ba năm làm lái xe taxi, Wu nhận ra điểm khác nhau giữa các camera lắp đặt trên đường phố và mục đích của chúng. Camera được giấu bên trong các khối vuông dài màu trắng và lắp trên khung kim loại dùng để phát hiện tài xế lái quá tốc độ và dây an toàn đã được thắt chặt hay chưa. Camera có ống kính xoay lắp đặt ở các quận thương mại hay trung tâm mua sắm dùng để phát hiện hành vi đỗ xe sai luật. Camera lắp đặt trên các cột kim loại cao gần những ngã tư lớn dùng để giám sát khối lượng phương tiện tham gia giao thông và có thể điều chỉnh thời gian bật tắt tín hiệu đèn giao thông phù hợp. Camera với ống kính hình cầu có thể phóng to và giám sát an ninh công cộng trong không gian lớn.

Liu Gangqiang đã làm tài xế taxi 6 năm và anh đồng tình với Wu, cho rằng mạng lưới camera giám sát giúp ngăn tai nạn giao thông và có thể giúp họ chống lại những hành khách ngang ngược.

Liu nhớ có lần một hành khách để quên túi trên xe của anh. Vị khách không nhớ biển số xe nhưng vẫn tìm được anh sau khi liên hệ với cơ quan quản lý taxi. Họ tìm ra Liu qua các đoạn băng giám sát. Vài tiếng sau, chiếc túi trở về tay người khách.

Câu hỏi đặt ra là với hệ thống camera giám sát dày đặc như vậy, tính riêng tư của người dân có được đảm bảo? Giống như nhiều người dân Trung Quốc khác, những người dường như sẵn sàng đánh đổi một số quyền riêng tư để tăng cường an ninh và cải thiện cuộc sống hàng ngày khi áp dụng công nghệ mới, Wu không tỏ ra quá lo lắng.

"Chẳng ảnh hưởng gì tới quyền riêng tư cá nhân nếu bạn không ăn trộm, ăn cắp hay vi phạm pháp luật", Wu nói. "Bạn chỉ làm việc bạn nên làm. Chẳng liên quan gì tới quyền riêng tư khi mà chính phủ không lắp đặt camera trong nhà bạn".

Liu đồng tình với Wu. "Miễn là chúng không quay vào phòng ngủ hay phòng tắm nhà tôi thì không có vấn đề gì", anh cho hay. "Tại sao chúng ta lại cần quyền riêng tư cá nhân ở không gian công cộng?".

Tuy nhiên, camera mới đây đã được chuyển từ bên ngoài và bên trong xe. Taxi cũ hơn 6 năm tuổi ở Trùng Khánh giờ bị loại bỏ và thay bằng những mẫu mới có camera bên trong, theo Liu.

Thông báo từ trang web chính thức của Cục Giao thông Trùng Khánh năm 2018 cho biết 15.000 taxi có đăng ký sẽ được nâng cấp với camera gắn bên trong nhằm giám sát việc tài xế hút thuốc và đảm bảo rằng nhận dạng của họ đúng với cơ sở dữ liệu.

"Tôi phân vân đôi chút vì việc có camera trong xe của mình", Liu chia sẻ. "Nó khiến tôi thấy như có một con mắt luôn nhìn chằm chằm vào mình. Nhưng tôi phải quen với nó. Nếu còn muốn làm công việc này, tôi chỉ có thể chấp nhận nó mà thôi".

Cột gắn camera giám sát trên đường phố Trùng Khánh hồi tháng 9. Ảnh: SCMP.

Cột gắn camera giám sát trên đường phố Trùng Khánh hồi tháng 9. Ảnh: SCMP.

Tu Jianquan, 41 tuổi, công dân Trùng Khánh, cho biết khi ông gửi con gái ở nhà trẻ, trong từng lớp học cũng gắn camera giám sát, nhờ thế phụ huynh có thể theo dõi xem con em mình đang làm gì bất cứ lúc nào.

"Ngày đầu tiên con bé đến trường mẫu giáo, cha mẹ tôi rất lo lắng", Tu kể. "Tôi phải mở máy tính ở nhà để họ theo dõi xem con bé đang làm gì".

Bên cạnh những người đồng tình như Wu và Liu, nhiều công dân Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc họ bị giám sát ở khắp mọi nơi và bản thân Tu cũng nói ông không muốn bị camera theo dõi bên trong xe taxi.

Các nhà hoạt động quốc tế cảnh báo về cách mà công nghệ có thể được sử dụng như công cụ kiểm soát của nhà nước. "Tôi chắc chắn rằng những thành phố như Tân Cương và Tây Tạng thậm chí còn bị giám sát chặt chẽ hơn nhưng rõ ràng là các nhà nghiên cứu độc lập không có quyền tiếp cận các khu vực này", Patrick Poon, chuyên gia tại văn phòng châu Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế, bình luận.

Niềm đam mê với công nghệ giám sát của Trung Quốc đang tạo nên một cơn bùng nổ cho thị trường camera và các công ty an ninh.

Giá trị thị trường thiết bị video giám sát Trung Quốc (không bao gồm camera giám sát tại nhà) đã đạt 10,6 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến chạm mốc 20,1 tỷ USD vào năm 2023, theo báo cáo hồi tháng 8 từ công ty nghiên cứu thị trường IDC

"Xu hướng này chủ yếu bắt nguồn từ quá trình xây dựng các thành phố thông minh. Mặt khác, các thành phố thông minh hiện tại cũng cần nâng cấp liên tục. An ninh đô thị và quản lý giao thông có liên quan chặt chẽ tới giám sát video", Richard Lu, nhà phân tích từ IDC, nhận xét. "Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc vẫn tăng và nhiều dự án thành phố thông minh mới đang xuất hiện".

Báo cáo từ IDC cho thấy chi tiêu chính phủ chiếm 47,6% trong tổng chi tiêu của ngành công nghiệp video giám sát Trung Quốc năm 2018. Trong khi đó, nhu cầu công nghệ giám sát ở khu vực tư nhân Trung Quốc cũng đang gia tăng.

Chen Yuan mở một cửa hàng tiện lợi hồi năm 2015 và lắp đặt 5 camera theo dõi bên trong cửa hàng 60 m2 của mình. 4 camera quay 4 góc khác nhau và một camera giúp theo dõi hoạt động vào ban đêm. Nếu ai đó muốn đột nhập cửa hàng, tiếng còi báo động sẽ vang lên và Chen lập tức nhận được tin nhắn qua điện thoại.

Chen tốn khoảng 2.000 tệ (280 USD) để mua toàn bộ thiết bị. Ông cho biết hầu như mọi cửa hàng đều sử dụng chúng.

"Hệ thống này giúp tôi bắt trộm vài lần rồi", Chen nói. "Nếu tôi gọi cảnh sát, họ cũng chỉ ghi nhận sự việc mà thôi. Khả năng tôi lấy lại được tiền là rất thấp bởi đây là những vụ vụn vặt với số tiền quá ít".

Vũ Hoàng (Theo South China Morning Post)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn