Người phụ nữ cô độc quan sát thế giới nóng dần

Thứ Sáu, 11 Tháng Mười 20197:00 CH(Xem: 4418)
Người phụ nữ cô độc quan sát thế giới nóng dần
bbc.com

Người phụ nữ cô độc quan sát thế giới nóng dần

Mercedes Hutton BBC Travel

Audrius Stonys Bản quyền hình ảnh Audrius Stonys

Sự sống ở độ cao 3.500m cực kỳ cô đơn, nơi những cơn gió thất thường thổi qua mỗi ngày suốt bốn mùa, khiến hàng giờ trong ngày kéo dài bất tận và ta chỉ có thể thấy được sự thay đổi khi mặt trời mọc và lặn.

Ở vùng núi miền bắc dãy núi Thiên Sơn bên rìa Almaty, đô thị lớn nhất của Kazakhstan, việc sinh tồn ở độ cao này gần như là điều bất khả đối với tất cả mọi người, trừ Aušra Revutaite.


Bà là một nhà khoa học người Lithuana, người đã coi cứ điểm xa xôi này là nhà trong hơn 30 năm qua.

Trong một buổi sáng tháng Mười lạnh cóng, tôi theo đường tìm đến núi Thiên Sơn, hướng về khu vực núi băng Tuyuksu, một trong những nguồn nước ngọt cung cấp cho 1,8 triệu cư dân vùng Almaty và xa hơn thế nữa ở những đồng bằng bên ngoài.

Tôi lớn lên trong một căn lều cô độc đã tồn tại hàng thế kỷ ở Xứ Wales, gần với con sông đầu nguồn, nơi âm thanh của dòng suối dẫn lối đưa tôi về lại tuổi thơ.

Sống bên gia đình, tôi đã đi bộ đến nguồn nước nhiều hơn số lần tôi có thể nhớ, tạo cảm hứng cho niềm đam mê cả đời tìm về những vùng đất khởi nguồn cho hành trình tôi theo đuổi.

Ở Almaty, tôi muốn thực hiện chuyến đi tương tự, mà biết trước rằng khi tới nơi, tôi sẽ gặp Revutaite.

Trong suốt 45 phút lái xe ra khỏi thành phố, tôi dõi theo khi những cấu trúc khổng lồ bằng bê tông xây theo kiến trúc thời Xô Viết dần lùi xa, nhường chỗ cho những ngọn núi cao dần xuất hiện, cho đến khi con đường chuyển thành đường đá.

Người hướng dẫn của tôi, anh Alexey Raspopov, đỗ chiếc xe hai cầu và chúng tôi chuẩn bị bắt đầu leo núi.

Bản quyền hình ảnh Audrius Stonys
Image caption Nhà khoa học người Lithuana đã sống ở dãy núi Thiên Sơn xa xôi hẻo lánh của Kazakhstan trong suốt hơn 30 năm qua

Hai giờ đi bộ lên đỉnh núi qua nhanh, với những lần tạm nghỉ để thở và uống nước.

Mắt tôi thường xuyên dõi theo con đường mòn để tìm hiểu về cảnh quan khắc nghiệt và cổ xưa của vùng đất xung quanh.


Bên dưới chúng tôi, bình minh nhuốm trong vùng xám nâu khói bụi đã xóa mờ những đô thị ngổn ngang bên dưới tầm mắt.

Băng sơn khổng lồ

Ở độ cao 3.500m, băng sơn Tuyuksu đứng sừng sững từ nhiều thế kỷ. Đó là một khối băng tuyết khổng lồ nén chặt từ thời cổ đại.

"Ngày nay nó đã nhỏ hơn nhiều, trước kia nó từng tràn đến tận đây," Raspopov nói với tôi và khoát tay về phía xa sau lưng, giải thích rằng băng sơn đã tan dần trong nhiều thập niên.

Theo Maria Shahgedanova, giáo sư về khoa học khí hậu tại Đại học Reading, Anh Quốc, thì băng sơn Tuyuksu đã tan hơn 1km trong 60 năm qua, và bà Revutaite, một nhà quan trắc khí tượng đã theo dõi và ghi nhận sự biến mất dần của dãy băng sơn này vì biến đổi khí hậu.

Xung quanh chúng tôi là những chiếc lán dột nát, tuềnh toàng.

Trong lúc tôi đang tự hỏi liệu ai có thể chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt đến mức này, thì bà Revutaite bước ra từ ngôi nhà lớn nhất và ít xiêu vẹo nhất trong đám đó, cách chúng tôi chừng 20m.

Mặc rất nhiều quần áo ấm che kín khắp người, bà có vẻ như chẳng vui vẻ gì khi phát hiện hai vị khách đang lại gần. Thay vào đó, bà quan sát chúng tôi bằng vẻ thiếu kiên nhẫn cho đến khi bà nhận ra Raspopov và cười đáp lại yếu ớt. Gương mặt bà dường như phản ánh cả dãy núi: uyên thâm, tĩnh lặng và khó lường.

Khi chúng tôi lại gần hơn, tôi có thể nhìn thấy bàn làm việc qua khung cửa sổ sau lưng bà, dài và hẹp với chiếc khăn trải bàn màu xanh có hoa văn mặt trời vàng.

Nhiều đống giấy tờ, sổ ghi chép để mở và một thiết bị dò địa chấn kiểu cổ xưa cho thấy chúng tôi việc chúng tôi tới nơi đã làm gián đoạn công việc của bà.

Đơn độc trên đỉnh núi

Bà là người phụ nữ không nói gì nhiều, một người đơn độc bằng cách nào đó cảm thấy luôn thoải mái như ở nhà giữa môi trường khắc nghiệt cách xa thành phố hiện đại mà tôi vừa đi qua chỉ vài giờ trước đó.

Một chú chó và một con mèo chơi đùa loanh quanh, đem lại cho bà tình bạn đồng hành không thể diễn tả bằng lời.

Bản quyền hình ảnh Audrius Stonys
Image caption Ở độ cao 3.500m, băng sơn Tuyuksu là một trong những khối băng hà được nghiên cứu thời gian dài nhất trên thế giới

Là người gốc Lithuania, bà Revutaite đến Tuyuksu năm 1982. Khi ấy, Kazakhstan vẫn còn là thành viên của Liên Xô.

Là một phần của Mạng lưới Dịch vụ Quan Trắc Băng Toàn cầu (WGMSN), trạm đo đạc Tuyuksu được thành lập năm 1957 và các hoạt động quan trắc băng hà và khí tượng thủy văn được thực hiện ở nơi này từ thời gian đó, khiến đây là một trong những vùng băng sơn được nghiên cứu qua thời gian dài nhất trên thế giới.


"Quan trắc băng sơn có thể cho ta biết rất nhiều về biến đổi khí hậu," Isabelle Gärtner-Roer, nhà khoa học cao cấp về nghiên cứu băng hà học và hình thái địa lý tại Đại học Zurich ở Thụy Sĩ, nói. Bà cũng làm việc với Mạng lưới WGMSN.

"Những thay đổi trong độ cân bằng khối lượng băng là phản ứng trực tiếp và không gián đoạn với tình trạng biến đổi khí hậu trong bầu khí quyển," bà nói thêm, và giải thích rằng điều này cực kỳ quan trọng trong việc quan trắc khí hậu. "Băng tan được ghi nhận là một trong những nhân tố mạnh mẽ nhất gây ra tình trạng nước biển dâng cao."

Từ năm 1972, nhiều phát hiện đã được ghi nhận tại vùng băng sơn Tuyuksu, cung cấp cho các nhà khoa học khí tượng dữ liệu cần thiết để theo dõi phản ứng của tự nhiên với tình trạng nóng ấm toàn cầu.

Những phát hiện này cho thấy tình trạng băng tan đáng báo động có thể gây hiệu ứng tàn phá trong hàng thập niên sau đó, không chỉ ở vùng Almaty mà còn với cả toàn bộ vùng Trung Á.

Không có Revutaite, người nhiều năm qua đã vận hành trạm quan trắc khí tượng một mình, thì việc thu thập những dữ liệu toàn diện như vậy đã không thể được thực hiện.

"Aušra là anh hùng của chúng tôi! Nhưng bà là người rất rụt rè," Shahgedanova, thay mặt những đồng nghiệp từ Viện Địa Chất Kazakhstan, nói.

Vai trò quan trọng

Shahgedanova giải thích vai trò của bà Revutaite: đọc các thiết bị, thu thập dữ liệu, đo đạc xem lượng băng tan đi và tăng lên theo thời gian; nghiên cứu độ cân bằng tổng khối lượng của khối băng.

Đây là thế giới của những biểu đồ thời tiết, của thiết bị và những quy trình, nơi mà chỉ có mình bà là nhân tố bất biến - núi băng Tuyuksu tan băng và đóng băng theo mùa, các ngọn núi được tạo hình từ nước băng tan và đất lở.

Thậm chí khi biến đổi khí hậu đã thúc đẩy những thay đổi môi trường xảy ra nhanh hơn và khiến chúng cực đoan hơn, bà Revutaite vẫn sống ở đó. Bà lặng lẽ quan sát thế giới dần dần nóng lên.

"Nhờ có bà mà trạm quan trắc Tuyuksu và chương trình cân bằng khối lượng băng đã hoạt động không ngừng nghỉ, đặc biệt trong hồi thập niên 1990 cực kỳ khó khăn," Shahgedanova nói, và nhắc đến thập niên đầy hỗn loạn, khi Liên Xô sụp đổ và quốc gia vừa tách ra thành một nhà nước độc lập đã phải thừa hưởng tình trạng kinh tế yếu kém, bấp bênh.

Bản quyền hình ảnh Audrius Stonys

Nhưng Revutaite không trông đợi bất cứ sự công nhận nào dành cho những gì bà cống hiến cho Tuyuksu. Khi nhà làm phim người Lithuania tên là Audrius Stonys lần đầu tiếp cận bà vào năm 2012 để làm chủ đề cho bộ phim tài liệu anh đang quay về dãy núi Thiên Sơn, bà đã từ chối.

"Tôi không muốn xuất hiện trong phim," bà nói với anh.

Anh nài nỉ bà, nói với bà anh muốn ghi nhận về hoạt động công việc của bà, nhưng bà phản hồi: "Tôi không muốn mọi người thấy công việc của tôi, tôi muốn biến mất."

Revutaite đã đổi ý khi bà thấy một trong số những đoạn phim mà Stonys quay về dãy núi bà yêu quý. Được quay trong ba mùa hè, bộ phim tài liệu "Người phụ nữ và băng sơn" là nghiên cứu âm thầm về khối lượng băng khổng lồ, ghi nhận sự vĩ đại và đồng thời mong manh của nó.

Không có những đối thoại hay nội dung gây xao nhãng, bộ phim cũng giống cuộc sống của bà Revutaite ở độ cao 3.500m - người xem quan sát khi bà thực hiện ghi chép trên nền dãy núi Thiên Sơn, dãy núi và quy luật vận hành của chúng cũng như sự hiện diện của người phụ nữ đã tận hiến cuộc đời bà cho chúng.

Tương lai bất định

Nhưng điều mà bộ phim chưa nắm bắt được là sự bất định đang bao phủ lên tương lai Tuyuksu.

Theo nghiên cứu của Shahgedanova, với dữ liệu tổng hợp đầy đủ do bà Revutaite cung cấp, mặt băng của vùng đang dần mất đi với tốc độ 1% mỗi năm, và có những bằng chứng quan trọng cho thấy sự suy giảm này liên quan tới biến đổi khí hậu.

Nếu xu hướng tiêu cực vẫn tiếp diễn, nó có thể gây ra tai họa với hàng triệu người sống dựa vào băng từ vùng Tuyuksu và những băng sơn khác trên dãy Thiên Sơn để có nguồn nước ngọt.

Ở khắp nơi trên vùng Trung Á, các con sông hầu hết đều bắt nguồn từ dãy núi này, cung cấp đến hơn 90% lượng nước cho sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp, và vùng Almaty cũng không ngoại lệ.

Những dòng suối chảy từ Tuyuksu với vận tốc gấp gáp xuống vùng bên dưới và hòa vào Dòng sông nhỏ Almaty, và tiếp tục chảy qua thành phố và tiếp tục xuống những bình nguyên bên dưới.

"Vẫn chưa có những lo lắng tức thời về tình trạng của nước ở những lưu vực trong tự nhiên," Shahgedanova cho biết.

"Nói thế có nghĩa là các mô hình cho thấy nếu Tuyuksu tiếp tục tan đi với tốc độ như vậy, nó sẽ không còn bền vững nữa, và đến những năm khoảng 2040 chúng ta dự kiến sẽ thấy sự sụt giảm nguồn nước về mùa hè. Nếu dự đoán của chúng tôi là đúng, nó sẽ gây ra những tác động tiêu cực."

Vào lúc này, Revutaite vẫn tiếp tục quản lý khu trạm một mình ở vùng núi băng, cứ hai tuần một lần lại đi về thành phố để mua nhu yếu phẩm và gặp gỡ với những người như Shahgedanova hay Stonys, những người tôn trọng môi trường của bà cũng như bà.

Mặc dù không có sự tiện nghi hiện đại hay thoải mái nào, cũng không có internet hay tín hiệu điện thoại, bà Revutaite vẫn cảm thấy thoải mái như ở nhà khi ở trạm Tuyuksu.

Tôi thường nghĩ về bà, đơn độc trong ngôi nhà làm bằng gỗ và thiếc xung quanh chỉ là bầu trời khắc nghiệt.

Tôi không thể đoán được những khối băng sẽ thay đổi thế nào, nhưng tôi biết bà vẫn sẽ ở đó.

Bà có thể không có sức mạnh để ngăn cản biến đổi khí hậu, nhưng bà đã dành hầu hết thời gian để quan sát, ghi nhận và đưa những dự đoán về hiện tượng nóng lên toàn cầu đến số lượng khán giả lớn hơn, và vì lý do đó bà nên được tôn vinh, dù bà có đồng ý hay không.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn