Con người và trí tuệ là tài sản giá trị nhất của nền kinh tế và quốc gia. Vậy làm sao để một đất nước thu hút nhân tài để phát triển. Sau đây là gì các nước khác đã thực hiện.
Trước tiên, vì sao phải thu hút nhân tài, sao không tự sinh ra rồi đào tạo? Thứ nhất, điều đó rất tốn kém và lãng phí. Thứ hai, bạn không thể sinh ra tất cả nhân lực cần thiết. Cũng như không một công ty nào có thể tự đào tạo ra nhân viên giỏi mà luôn phải tìm cách cạnh tranh để thu hút nhân tài về với mình.
Ở cấp quốc gia, chỉ có chính phủ mới có chức năng để xây dựng nền tảng cũng như pháp lý để thu hút nhân tài. Vậy một quốc gia hay một chính phủ nên và có thể làm gì?
1. Công nhận quyền tư hữu – Nghe rất đơn giản nhưng nên nhớ là đa số quốc gia trên thế giới không hề tôn trọng tư hữu cũng như tài sản trí tuệ. Tư hữu là điều tất yếu vì nó cho con người lý do để sáng tạo và làm việc, vì công lao của họ sẽ được bảo vệ và công nhận. Không có động lực này thì sẽ không bao giờ có ai nỗ lực phát triển.
2. Cơ chế nhập cư dựa trên chất xám – Ở nhiều nước trên thế giới, một người nước ngoài gần như không thể nào xin giấy phép lao động một cách minh bạch mà chủ yếu phải đút lót các cơ quan chính phủ. Quan điểm của họ là, người nước ngoài tới sẽ cướp công ăn việc làm của người địa phương. Điều này hoàn toàn sai. Nhập cư lậu thì đương nhiên sẽ cướp việc làm. Nhưng nhập cư chất lượng cao, trí thức và đầu tư thì lại đem vốn và chất xám đến cho đất nước đó. Cơ chế nhập cư nên dựa trên trí tuệ chứ không phải lý do chính trị hay kỳ thị.
3. Cơ chế nhập tịch hoặc thường trú – Đây là một điều hết sức quan trọng mà nhiều quốc gia đã bỏ qua. Để thu hút nhân tài về đất nước mình, bạn phải đưa người ta lý do để ở lại lâu dài và khuyến khích họ định cư lâu dài. Đó là chính sách chung của các nước Tây Phương và các nền kinh tế phát triển vượt bật như Hong Kong và Singapore. Một người có giấy phép lao động, công việc lương cao và ổn định có thể nộp đơn để trở thành công dân của nước đó. Hãy tưởng tượng, một đất nước không cần phải đào tạo nhân lực, mà nhân lực tự nguyên đến với họ. Người đó sẽ đi làm, đóng thuế và đóng góp cho xã hội – vậy thì đất nước đó quá lời rồi. Ở Việt Nam cũng như đa số các nước lạc hậu khác, hoàn toàn không có cơ chế này. Các nhà cầm quyền vẫn mang tư duy tiểu nông và rất khó để thu hút nhân tài xây dựng lâu dài.
4. Tự do kinh tế – Một điều nữa trông hiển nhiên nhưng quá nhiều nước đã tái phạm sai lầm từ lần này đến lần khác. Thay vì mở cửa thị trường, đón tiếp nhân lực từ mọi nơi, thì họ là khép kín và đóng cửa. Bạn không thể xây dựng một nền kinh tế dựa trên nhân lực nội địa mà phải thu hút nhân lực từ bốn phương. Chính tự do kinh tế, tự do kinh doanh, tự do di chuyển là bí quyết giúp thúc đẩy sự phát triển kỳ diệu của Mỹ, Singapore, Anh, Canada, úc, New Zealand và các nền kinh tế phát triển khác.
Còn nhiều yếu tố nữa. Nhưng 4 yếu tố trên là chính. Nếu một đất nước muốn phát triển, xây dựng nhân lực trong nước thôi vẫn chưa đủ, nó phải thu hút nhân lực từ mọi nơi. Không những thế, nó phải là sân chơi thu hút vốn đầu tư bất kể từ đâu tới hay tôn giáo người đó là gì. Vốn không phân biệt quốc tịch, chất xám không phân biệt quốc gia, và sự thịnh vượng không phân biệt biên giới.
Những quốc gia nào có 4 điều trên đã phát triển vượt bậc và bỏ xa các nước còn lại. Hãy mở rộng thị trường, hãy mở cửa nền kinh tế, hãy cho phép sự sáng tạo, hãy tìm cách thu hút nhân tài và tôn trọng chất xám của họ. Đó là cách một quốc gia thu hút nhân tài và phát triển.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Facebook CommentsGửi ý kiến của bạn