Nguồn gốc tiếng gõ gây hoang mang trên tàu vũ trụ Trung Quốc

Thứ Ba, 10 Tháng Chín 201911:00 SA(Xem: 4645)
Nguồn gốc tiếng gõ gây hoang mang trên tàu vũ trụ Trung Quốc
phi-hanh-gia-Yang-Liwei

Phi hành gia Yang Liwei cho rằng tiếng gõ bí ẩn ông nghe thấy trong lần đầu bay lên vũ trụ là do thay đổi trong áp suất không khí. (Ảnh: Xinhua).

Yang Liwei, phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc, thu hút nhiều chú ý khi tiết lộ từng nghe thấy âm thanh không thể lý giải giống như “búa gỗ gõ lên xô kim loại” trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào cuối tháng 11. Âm thanh này phát ra từ ngoài phi thuyền của Yang trong nhiệm vụ năm 2003, khiến ông hết sức hoang mang.

Hôm 1/12, khi phi hành gia nổi tiếng tham gia một sự kiện ở trường học tại thành phố Ninh Ba ở phía đông tỉnh Chiết Giang, các học sinh đưa ra nhiều câu hỏi về âm thanh lạ, Xinhua đưa tin.

Yang trả lời tiếng gõ này là kết quả của áp suất không khí giảm, gây ra thay đổi trong kết cấu phi thuyền khi tàu rời khỏi Trái Đất và tiến vào không gian. Theo Yang, không khí rò rỉ từ những đồ vật trong khoang tàu cũng gây ra âm thanh. “Tôi nghĩ nó khá bình thường. Việc cần thiết là xác định cẩn thận nguyên nhân”, Yang chia sẻ.

Lời giải thích của Yang phù hợp với báo cáo của nhà khoa học vũ trụ Liu Hong đăng trên Guokr.com, tạp chí khoa học nổi tiếng của Trung Quốc. Trong báo cáo, Liu cho rằng âm thanh xuất phát từ biến dạng rất nhỏ ở vật liệu chế tạo lớp trong cùng của phi thuyền do thay đổi áp suất.

Liu là trưởng thiết kế Lunar Palace 1, cơ sở để thử nghiệm những hệ thống tái tạo sinh học hỗ trợ sự sống đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng. Liu cho biết trong thử nghiệm có người lái ở môi trường kín gió kéo dài 105 ngày, các nhà nghiên cứu trong phi thuyền cũng nghe thấy âm thanh tương tự. “Họ nghĩ ai đó gõ cửa bên ngoài nhưng không phát hiện người nào. Lúc đầu, họ hơi kích động nhưng sau đó trở nên bình tĩnh khi tìm kiếm nguồn âm thanh”, Liu kể lại.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu nhận thấy thay đổi trong nhiệt độ phi thuyền có thể dẫn đến thay đổi trong áp suất không khí, và khác biệt trong áp suất giữa lớp vỏ bên trong và bên ngoài của phi thuyền gây ra biến dạng nhỏ ở vật liệu chế tạo, sản sinh âm thanh “Dong! Dong! Dong”.

“Chúng ta có thể bắt gặp mọi loại hiện tượng khó lý giải trong quá trình khám phá những điều chưa biết, nhưng chúng ta nên tìm kiếm giải thích khoa học. Đó là điều thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước”, Liu nói.

Theo VnExpress
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn