Băng biển tại Alaska đã hoàn toàn tan chảy

Chủ Nhật, 25 Tháng Tám 201911:00 CH(Xem: 4923)
Băng biển tại Alaska đã hoàn toàn tan chảy

Một mùa hè bất thường đang diễn ra tại Alaska và băng biển đã gần như biến mất. Đây là một vấn đề lớn.

bang-bien-alaska-2
Băng biển tại Alaska đã tan chảy hoàn toàn. (Ảnh: NOAA)

Trong phạm vi 240km ngoài khơi bờ biển của bang Alaska, Hoa Kỳ, băng biển đã bị tan chảy, theo phân tích băng biển độ phân giải cao từ Cơ quan Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ. Sau một mùa hè ở Bắc Cực với nhiệt độ cao trên trung bình, biển đã trở nên nóng hơn, theo đó là đợt nắng nóng lịch sử trong tháng 7, băng biển tại Alaska đã biến mất.

“Vùng biển Alaska không còn băng nữa”, Rick Thoman, chuyên gia khí hậu tại Trung tâm Đánh giá về Khí hậu và Chính sách Alaska (Hoa Kỳ), cho hay.

“Đây chắc chắn là một năm cực kỳ khắc nghiệt ngay cả theo tiêu chuẩn mới sau khi Bắc Cực có thay đổi,” Walt Meier, nhà nghiên cứu khoa học cao cấp tại Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Hoa Kỳ, chia sẻ.

Bắc Cực đang ngày càng nóng lên, dẫn đến việc các lớp băng xung quanh bờ biển Alaska đã hoàn toàn tan chảy, điển hình là mùa băng tan chảy trong năm 2017. Tuy nhiên, đợt băng tan năm nay diễn ra rất sớm. “Nó đã tan chảy sớm hơn bao giờ hết,” Thoman cho biết. (Băng biển lại được hình thành vào mùa thu, khi nhiệt độ giảm.)

Băng biển Bắc Cực đã ở mức thấp kỷ lục trong suốt mùa hè. “Tôi đang mất khả năng diễn tả được mức độ [của sự thay đổi này]”, Jeremy Mathis, nhà nghiên cứu lâu năm ở Bắc Cực, hiện là thành viên thuộc ban lãnh đạo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, nói với trang Mashable vào tháng 6/2019 khi mức độ băng biển xuống thấp nhất so với hồ sơ vệ tinh cho giai đoạn đó. “Tôi đã hết tính từ để mô tả phạm vi thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến.”

Ngay cả trong mùa đông, các vùng biển vốn thường đóng băng cũng gần như không có băng. Biển Bering đã trở thành một “đại dương nước” vào thời điểm đầu tháng 3. Điều này rất bất thường. “Vùng biển này thường xuyên được băng bao phủ hoàn toàn,” Meier cho hay.

bang-bien-alaska-e1565158106867
Bản đồ phân tích băng biển từ Cơ quan thời tiết quốc gia Hoa Kỳ. (Ảnh: NWS)

Vấn đề chủ yếu là hầu hết các lớp băng biển xung quanh Alaska và ở Bắc Cực thuộc loại ít năm tuổi. Trong vài thập kỷ qua, loại băng biển dày nhiều năm tuổi đã bị tan chảy bởi tình trạng nóng lên của không khí và đại dương. Trong tháng 7, các vùng biển xung quanh Alaska, như biển Beaufort và Chukchi, có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ trung bình quá khứ khoảng 12 độ C, Meier cho biết. Nơi đây chỉ còn lại lớp băng mỏng dễ tan.

“Hiện tượng băng nhiều năm tuổi tan chảy thực sự đã gây ra hậu quả lớn”, Thoman nhấn mạnh. “Băng dưới một năm tuổi dễ chịu sự tác động của thời tiết thất thường.”

Dưới ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết nhìn chung có xu hướng ngày càng nóng lên. Kết quả là băng không ngừng tan ra; các dòng sông băng cũng vậy.

“Tình trạng ấm lên lâu năm kéo dài tại Bắc Cực là nguyên nhân gây ra hiện tượng này”, Zack Labe, nhà khí hậu học và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học California, Irvine (Mỹ), cho biết. “Nhiệt độ không khí hiện đang tăng nhanh hơn gấp đôi tốc độ tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu. Hiện tượng này được gọi là ‘Khuếch đại Bắc cực’.”

Đại dương “không băng” sẽ đẩy nhanh tốc độ nóng lên của Bắc cực. Lớp băng biển trắng có thể phản chiếu nhiệt trở lại không gian; khi chúng biến mất, đại dương sẽ sậm màu hơn và hấp thụ năng lượng mặt trời nhiều hơn, Thoman giải thích.

Đó là một vòng luẩn quẩn nguy hiểm. Và hậu quả thì ngày càng nặng nề.

“Mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra một cách chậm rãi”, Thoman nhắc tới những vấn đề lớn đang xảy ra đối với Alaska. “Những sự thay đổi sẽ đến rất nhanh khi vượt qua các ngưỡng nhất định.”

Theo Mashable,
Phan Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn