Sức hấp dẫn kỳ lạ của phi cơ bốn ghế Cessna

Thứ Tư, 21 Tháng Tám 20199:00 CH(Xem: 5602)
Sức hấp dẫn kỳ lạ của phi cơ bốn ghế Cessna
bbc.com

Sức hấp dẫn kỳ lạ của phi cơ bốn ghế Cessna

Stephen Dowling BBC Future

iStock Bản quyền hình ảnh iStock

Hồi 1956, Cessna bắt đầu sản xuất chiếc máy bay huấn luyện 172. Hơn 60 năm sau, loại phi cơ này vẫn tiếp tục được cho ra đời. Điều gì khiến nó được ưa chuộng đến vậy?

Chở được bốn người, tuy ngồi hơi chật chội một chút, và nặng chưa tới 800kg không tính nhiên liệu và người ngồi trên, nó đạt vận tốc 140mph (226kmh), và bạn có thể đẩy lên tới 185mph tuy nhà sản xuất khuyến nghị không nên.

Với một bình nạp đầy nhiên liệu, nó sẽ đưa bạn đi được quãng đường 800 dặm (1.290km), tương đương với hành trình từ Berlin tới Belfast, hoặc từ New York tới Madison, Wisconsin.


Bạn có thể nghĩ nó là một chiếc xe hơi chất lượng cao với chỗ ngồi duỗi chân thoải mái, nhưng thật ra nó là một chiếc máy bay.

Cessna 172, lần đầu tiên xuất xưởng hồi 1956, ngày nay vẫn đang được tiếp tục sản xuất. Nếu như có mẫu máy bay nào tuyên bố được cả thế giới ưa chuộng, thì đó chính là 172.

Cho tới nay, đã có hơn 43.000 chiếc Cessna 172 ra đời. Tuy 172 (hay còn được biết đến với tên gọi Skyhawk) đã trải qua vô số những điều chỉnh, tinh chỉnh trong suốt 60 năm qua nhằm tăng hiệu quả hoạt động, nhưng nó trông hầu như không khác gì so với thời những ngày đầu xuất xưởng, hồi thập niên 1950.

Trong 60 năm qua, các máy bay Cessna 172 đã đóng vai trò nòng cốt tại các trường huấn luyện bay trên toàn thế giới. Nhiều thế hệ phi công đã có những chuyến bay đầu tiên, chập chững trên chiếc Cessna 172, và điều đó có lý do của nó - đó là chiếc máy bay được cố tình thiết kế để dễ điều khiển bay và có thể tiếp đất một cách đơn giản.

"Số lượng các phi công tập kỹ năng với máy bay 172 cao hơn nhiều so với bất kỳ loại máy bay nào khác trên thế giới," Doug May, phó chủ tịch phụ trách máy bay piston tại công ty mẹ của Cessna là Textron Aviation, nói.

"Tính năng dễ điều khiển khiến nó thực sự phù hợp với môi trường huấn luyện," ông nói.

Máy bay hạng nhẹ thường không được chỉnh sửa, nâng cấp liên tục như xe hơi, nhưng khoảng thời gian dài 60 năm cũng vẫn là quá dài để cần có những điều chỉnh.

Lần duy nhất việc sản xuất 172 bị ngưng lại là thời cuối thập niên 1980, khi luật Mỹ hạn chế việc sản xuất toàn bộ các loại máy bay hạng nhẹ.

Điều gì khiến 172 được ưa chuộng lâu đến vậy?

Một câu trả lời được nhắc tới là Cessna 172 là loại máy bay một lớp cánh, cánh cao, tức là cánh nằm cao bên trên buồng lái. Thiết kế này rất thích hợp cho những ai đang học lái, bởi nó cho phi công có tầm nhìn tố hơn xuống mặt đất, và khiến chiếc phi cơ dễ hạ cánh hơn nhiều.

172 được dựa theo một thiết kế Cessna đã có từ trước, gọi là 150. Trông chúng rất giống nhau ngoại trừ một điểm 150 là dạng phi cơ 'taildragger' (thiết kế máy bay trên một bộ khung có bánh xe ở dưới). Thay vì có một bánh xe ở phía trước thì chiếc 150 có một bánh xe nhỏ ở phía sau, bên dưới bộ thăng bằng (giống như hầu hết các máy bay có từ thời trước khi máy bay phản lực xuất hiện).

Chiếc 150 có lợi thế là loại máy bay hạng nhẹ được sản xuất ồ ạt trong những năm sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai; khi nhiều công ty vốn từng sản xuất hàng chục ngàn phi cơ quân sự nay chuyển sang thị trường phi cơ dân dụng.

Bản quyền hình ảnh iStock
Image caption 172 được sản xuất nhiều hơn bất kỳ loại máy bay nào khác

Chiếc Cessna 150 là loại thiết kế vô cùng thành công - có gần 24 ngàn chiếc được sản xuất trong 19 năm liên tục, nhưng nó chỉ đủ chỗ ngồi cho nhai người, gồm một phi công và một hành khách.

Cessna nhìn thấy khoảng trống đầy tiềm năng cho việc hướng tới một mô hình lớn hơn, có khả năng chở được gấp đôi số người. Thế là thiết kế cơ bản của 150 được điều chỉnh, dùng vật liệu chắc chắn hơn - từ khung bọc vải của 150 chuyển sang khung nhôm cho 172.

Thiết kế gọn gàng, khí động học khiến 172 được quảng cáo là "land-o-matic" (tự động tiếp đất) bởi rất dễ điều khiển khi lái và hạ cánh.

"Nó có thể tiếp đất từ sáu đến tám, thậm chí 10 lần trong một giờ, từ giờ này qua giờ khác," May nói. Ông cho biết 172 thường là chiếc máy bay đầu tiên các học viên phi công được thử sức, và họ sẽ thường phải tập với nó nhiều giờ trước khi lấy được bằng lái.


Trong lịch sử của mình, tính năng dễ sử dụng và có độ ổn định cao khiến Cessna 172 đã có một số chuyến bay vô cùng đáng nhớ.

Hôm 4/12/1958, hai phi công Robert Timm và John Cook trèo lên một chiếc Cessna 172 ở bãi đậu máy bay McCarran Airfield của Las Vegas. Nhiệm vụ của họ là phá kỷ lục thế giới về việc bay dài nhất một mạch không hạ cánh.

Đây không phải là nhiệm vụ dễ đạt. Kỷ lục trước đó, được thiết lập hồi 1949, là một kỳ tích: hai phi công đã bay trên một chiếc máy bay rất giống với chiếc Cessna của Timm và Cook trong thời gian tổng số là 46 ngày, nhằm gây quỹ cho một quỹ nghiên cứu, điều trị bệnh ung thư.

Hai phi công sẽ cần giữ cho chiếc máy bay của họ trên trời trong gần bảy tuần mà không một lần đáp xuống mặt đất.

Theo Jalopnik, những điều chỉnh cần thiết đã được thực hiện trong hơn một năm, trong đó có việc đặt thêm một bồn rửa nhỏ để hai phi công có thể đánh răng, thậm chí tắm.

Để làm việc này, hai phi công đã phải dỡ bỏ hàng ghế sau để lấy chỗ đặt nệm. Trong lúc một người bay thì người kia sẽ ngủ. Còn khi một người cần tắm thì một sàn nhỏ sẽ được kéo ra giữa cabin và thanh chống của cánh máy bay, cho phép phi công đó có thể tắm vòi ngoài trời.

Việc tiếp liệu và tiếp tế thực phẩm cho máy bay khó khăn hơn nhiều. Cessna sẽ phải bay sát mặt đất và ở tốc độ thích hợp với vận tốc của chiếc xe hơi chở đồ tiếp tế ch các phi công. Phi công không điều khiển máy bay sẽ thả xuống một cái thùng để bên dưới bỏ thức ăn và nước uống vào, sau đó sẽ kéo thùng lên.

Mỗi ngày hai lần, một xe bồn chở xăng sẽ chạy bên dưới chiếc Cessna và một vòi bơm sẽ được đẩy lên từ mặt đất, bơm đầy nhiên liệu vào bình chứa ở phần bụng, được lắp đặt đặc biệt cho chuyến bay. Nhiên liệu sau đó được chuyển sang bình nhiên liệu của máy bay (và rồi bình chứa lắp thêm dưới bụng lại được bơm đầy).

Ngay cả việc lái chiếc xe bồn tiếp liệu dưới đất cũng là cả một thách thức. Trong khi một người điều khiển vô-lăng thì một người khác phải đạp chân ga sao cho phù hợp với tốc độ bay của chiếc Cessna do Timm và Cook lái, bằng cách nhìn qua cửa sổ để phán đoán trong lúc chân vẫn phải đạp ga. Điểm thuận lợi khi bay ở Nevada là nơi này có những vùng sa mạc rộng lớn, bằng phẳng và trống trải bên ngoài thành phố.

Hai phi công đã duy trì hoạt động ngày này qua ngày khác. Một tuần rồi hai tuần. Rồi một tháng. Rồi sáu tuần. Khi hai người phá kỷ lục trước đó, bảy tuần kể từ khi cất cánh, họ quyết định sẽ tạo một kỷ lục mới không ai có thể vượt qua được. Họ tiếp tục bay thêm hơn hai tuần nữa. Cuối cùng, khi hạ cánh vào ngày 4/2/1959. chiếc Cessna đó đã bay liên tục được 64 ngày, 22 giờ, 19 phút và 5 giây, một khoảng thời gian bay có tiếp liệu cho đến nay vẫn là kỷ lục. Chiếc phi cơ đó, có tên là Hacienda, hiện được treo trên trần sân bay quốc tế McCarran ở Las Vegas.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Chiếc 172 nổi tiếng của Rust nay được treo trên trần tại một bảo tàng ở Đức

Cessna 172 cũng là chiếc máy bay mà viên phi công tuổi teen của Tây Đức Mathias Rust đã dùng để bay vào Liên Xô rồi đáp xuống Moscow trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình. Vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Rust đã qua được hệ thống phòng thủ hàng không ghê gớm nhất thế giới khi đó để hạ cánh xuống rìa Quảng trường Đỏ của Moscow.

Chiếc 172 của Rust, bay tầm thấp nhằm qua mặt hệ thống radar phòng không của Nga, ban đầu bị tưởng nhầm là một chiếc phi cơ huấn luyện của Nga. Khi các máy bay phản lực phát hiện ra đó là một chiếc máy bay Phương Tây, thì họ lại không thể bắt kịp tốc độ bay rất chậm của chiếc Cessna. Rust đã bay và đã có cú hạ cánh lịch sử trước sự kinh ngạc của những người chứng kiến. Chiếc 172 của anh do Pháp sản xuất sau đó được bán cho Nhật, rồi sau được đưa về Đức và nay được trưng bày tại bảo tàng công nghệ Deutches Technikmuseum tại Berlin.

172 vẫn tiếp tục được Textron Aviation đưa vào sản xuất tại Wichita, Kansas, và như vậy có nghĩa là bạn không cần phải mua đồ cũ nếu muốn sở hữu một chiếc.

Nếu sống ở Anh hay ở châu Âu, bạn có hai lựa chọn: tháo rời một phần chiếc phi cơ rồi đóng gói, gửi theo đường tàu biển, hoặc đặt hàng để chiếc máy bay được đưa sang bằng cách bay qua Bắc Đại Tây Dương rộng lớn.

Và đó là lúc cần đến những phi công như Sam Rutherford.

Rtherford làm việc cho Prepare2go, một công ty đảm nhận việc giao các máy bay từ nhà máy tới cho khách hàng.

Ông thường bay vượt Bắc Đại Tây Dương, gồm cả các chuyến bay với Cessna 172.

Việc thuê phi công tiến hành một chuyến bay như vậy sẽ tốn bằng với việc gửi đi bằng tàu biển, ông nói. "Mà làm vậy thì quý vị cần phải tháo cánh, rồi lại phải lắp lại, rất phức tạp bởi quý vị còn cần được một kỹ sư kiểm tra và kiểm định, phê chuẩn việc lắp lại này nữa."

"Tôi đã lái vượt biển khoảng 12 lần, trong đó có một lần là trực thăng và một chiếc cỡ nhỏ. Lái chiếc 172, nếu so với hai chiếc đó, thì giống như là ta bay với Bristish Airways vậy!"

Nhưng ngay cả khi nạp đầy bình nhiên liệu thì chiếc 172 cũng không thể bay hết hành trình. Bay từ Newfoundland ở bờ biển phía đông của Canada tới phía tây của Ireland mất ít nhất 1.900 dặm. Cho nên 172 sẽ được đưa đi theo tuyến đường vòng hơn, bay qua vùng đất cằn cỗi phía bắc của Canada, vượt qua Vịnh Baffin tới Greenladn, từ đó tới Iceland rồi bay xuống British Isles.

Một chiếc Cessna 172 cũ, tức là bay được vài chục năm rồi, có hình thức không còn bóng bẩy cho lắm nhưng vẫn hoàn toàn đạt chất lượng tốt để bay, có giá có khi chí 25 ngàn bảng, theo lời Rutherford. "Nếu bạn có thể mua được một chiếc BMW hoặc một chiếc Mercedes thì bạn hoàn toàn có thể mua được một chiếc 172," ông nói.

Nếu bạn muốn một chiếc vừa xuất xưởng, thì bạn quả là gặp may. "Chúng tôi không có định ngưng sản xuất loại máy bay này," Doug May nói.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn