Ô nhiễm không khí làm gia tăng tội phạm

Thứ Hai, 15 Tháng Bảy 20191:00 CH(Xem: 4019)
Ô nhiễm không khí làm gia tăng tội phạm
bbc.com

Ô nhiễm không khí làm gia tăng tội phạm

Bài: Melissa Hogenboom / Minh họa: Emmanuel Lafont BBC Future

Emmanuel Lafont Bản quyền hình ảnh Emmanuel Lafont

Trong tương lai, cảnh sát và các đơn vị chống tội phạm có thể bắt đầu theo dõi nồng độ ô nhiễm không khí trong thành phố và gửi lực lượng đến những khu vực ô nhiễm nặng nề nhất trong một số ngày nhất định.

Nghe giống như trong kịch bản phim khoa học viễn tưởng, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy điều này có thể đáng đưa vào thực tế.


Tại sao? Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy ô nhiễm không khí có liên hệ tới việc làm suy yếu khả năng đánh giá, vấn đề sức khỏe tâm thần, học hành kém hơn, và đáng lo ngại nhất có lẽ là tỷ lệ phạm tội cao hơn.

Những phát hiện này ngày càng đáng báo động, vì hơn nửa dân số thế giới giờ đây sống ở môi trường đô thị, và ngày càng nhiều người trong chúng ta đi lại ở đến những khu vực tắc nghẽn hơn bao giờ hết.

Đáng lo ngại, Tổ chức Y tế Thế giới WHO nói rằng cứ trong 10 người thì có đến chín thường xuyên phải hít thở không khí ô nhiễm ở mức độ nguy hiểm.

Ước tính ô nhiễm không khí khiến khoảng bảy triệu người chết mỗi năm. Nhưng liệu ta có nêm sớm bổ sung vào đó con số nạn nhân của những vụ giết người không?

Emmanuel Lafont Bản quyền hình ảnh Emmanuel Lafont

BBC Future xem xét các bằng chứng về điều này.

Vào năm 2011, Sefi Roth, nhà nghiên cứu từ Đại học Kinh tế London, LSE, xem xét nhiều hiệu ứng do ô nhiễm không khí gây ra. Ông ý thức rất rõ về tác hại tiêu cực đến sức khỏe, chẳng hạn như làm tăng lượng người nhập viện và tử vong. Nhưng ông nghĩ, có lẽ ô nhiễm không khí còn có những tác động tiêu cực khác nữa đến đời sống chúng ta.


Ông bắt đầu với việc tiến hành nghiên cứu xem xét liệu ô nhiễm không khí có tác động đến khả năng nhận thức hay không.

Tác động tiêu cực tới khả năng nhận thức

Roth và nhóm nghiên cứu quan sát sinh viên đi thi vào những ngày khác nhau và đo nồng độ ô nhiễm không khí vào những ngày đó. Tất cả các thông số khác đều giống nhau: sinh viên đi thi có trình độ học vấn tương đương, thi ở cùng một địa điểm nhưng trong nhiều ngày khác nhau.

Ông nhận thấy biến đổi trong kết quả trung bình khác biệt đến bất ngờ. Bài thi làm trong những ngày ô nhiễm nhất thì có kết quả tệ nhất. Vào những ngày chất lượng không khí sạch nhất, sinh viên làm bài tốt hơn.

"Chúng tôi có thể thấy sự sụt giảm rõ ràng [về khả năng làm bài] vào những ngày ô nhiễm nặng nề," Roth nói. "Thậm chí vài ngày trước và vài ngày sau đó, chúng tôi không thấy ảnh hưởng gì - điều đó thực sự chỉ xảy ra vào ngày thi, với kết quả điểm thi sụt giảm đáng kể."

Ảnh hưởng lâu dài

Để xem xét tác động lâu dài, Roth theo dõi và quan sát những tác động mà điều này gây ra trong khoảng thời gian từ tám đến 10 năm sau đó.

Những người làm bài thi tệ nhất vào những ngày ô nhiễm nhất nhiều khả năng vào học ở trường đại học xếp hạng xoàng và cũng kiếm được ít tiền hơn, vì kỳ thi được khảo sát có vai trò rất quan trọng cho con đường học hành trong tương lai.

"Vì vậy, tuy đó chỉ là hiệu ứng ngắn hạn từ ô nhiễm không khí, nhưng nếu nó xảy ra vào giai đoạn quan trọng trong đời người thì nó thực sự gây ra tác động về lâu dài," ông nói.

Một nghiên cứu khác vào năm 2016 củng cố phát hiện ban đầu của Roth về việc ô nhiễm có thể gây giảm năng suất lao động.

Các kết quả nghiên cứu này đã đưa Roth việc thực hiện công trình gần nhất.

Gia tăng nguy cơ phạm tội

Trong nghiên cứu năm 2018, nhóm của ông đã phân tích dữ liệu tội phạm trong hai năm từ hơn 600 đơn vị bầu cử ở London, và nhận thấy có nhiều trường hợp phạm tội vặt xảy ra hơn trong những ngày ô nhiễm nặng, cả ở khu vực người giàu lẫn khu người nghèo.

Mặc dùng ta nên cẩn trọng với việc đưa ra kết luận về những tương quan này, các tác giả đã thấy một số bằng chứng cho thấy mối liên hệ nhân - quả.

Từ một phần của cùng nghiên cứu, họ so sánh các khu vực rất đặc thù trong một thời gian, cùng với mức độ ô nhiễm trong thời gian đó.

Sau hết thì đám mây không khí ô nhiễm có thể di chuyển vòng quanh tùy thuộc vào hướng gió thổi. Điều này đưa sự ô nhiễm đến các phần khác nhau trong thành phố một cách ngẫu nhiên, từ khu người giàu đến khu người nghèo.

"Chúng tôi theo dõi đám mây này ở mức độ hàng ngày và xem điều gì xảy ra với tình trạng tội phạm trong khu vực khi đám mây đến… Chúng tôi nhận thấy đám mây đi bất cứ đâu thì tỷ lệ tội phạm nơi đó tăng lên," ông giải thích.

Điều quan trọng là thậm chí ngay cả mức độ ô nhiễm trung bình cũng có tác động.

"Chúng tôi nhận thấy rằng tình trạng ô nhiễm có tác động to lớn đối với mức độ phạm tội, và điều này thậm chí còn hiện diện cả ở những nơi có mức độ ô nhiễm thấp hơn so với yêu cầu đạt chuẩn an toàn." Nói cách khác, ở nơi mà mức độ ô nhiễm không khí đạt chuẩn "tốt" theo quy định của Tổ chức Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ thì tỷ lệ phạm tội vẫn cao.

Trong khi dữ liệu của Roth không tìm thấy hiệu ứng mạnh mẽ giữa tình trạng ô nhiễm môi trường với những loại tội phạm nghiêm trọng như giết người hay cưỡng hiếp, thì một nghiên cứu khác trong năm 2018 lại có thể cho thấy điều này.


Nghiên cứu do Jackson Lu từ Học viện Công nghệ Massachussets (MIT) thực hiện đã xem xét dữ liệu thu thập được trong vòng chín năm từ 9.000 thành phố trên toàn lãnh thổ nước Mỹ.

Nghiên cứu này nhận thấy "ô nhiễm không khí cho ta thấy những chỉ dấu về sáu nhóm tội phạm chính", trong đó có các tội ngộ sát, cưỡng hiếp, cướp của, trộm xe hơi và hành hung người khác.

Những thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất cũng đồng thời là nơi có tỷ lệ tội phạm cao nhất. Nghiên cứu cũng tính đến các yếu tố tương quan khác, như dân số, tỷ lệ lao động, độ tuổi, giới tính - và ô nhiễm vẫn là chỉ dấu chính cho thấy mức độ tội phạm tăng.

Những bằng chứng xa hơn được thu thập từ nghiên cứu "hành vi phạm pháp" (gồm có quay bài, trốn học, trộm cắp, phá hoại và sử dụng chất kích thích) ở hơn 682 thanh thiếu niên.

Diana Younan từ Đại học Nam California và đồng nghiệp xem xét tập trung vào bụi PM2.5 - loại bụi siêu mịn có kích cỡ nhỏ hơn 30 lần so với độ rộng sợi tóc người - và đánh giá tác động tích lũy của nó đối với người bị nhiễm loại bụi này trong khoảng thời gian 12 năm

Một lần nữa, hành vi xấu xảy ra nhiều hơn hẳn ở những khu vực ô nhiễm hơn.

Để xem xét mối liên hệ này, ta không chỉ đơn giản giải thích bằng tình trạng kinh tế xã hội, mà Younan và nhóm nghiên cứu của bà cũng tính đến các yếu tố như trình độ học vấn của cha mẹ, tình trạng nghèo đói, chất lượng trong khu vực sống, và nhiều yếu tố khác, để khoanh vùng tác động của loại bụi siêu mịn này so với những yếu tố khác được cho là có ảnh hưởng đến tỷ lệ phạm tội.

Younan nói các kết quả phát hiện của bà là cực kỳ đáng lo ngại, vì chúng ta biết rằng hành vi của một trẻ vị thành niên sẽ là chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy cách họ sẽ ứng xử ra sao khi trở thành người trưởng thành.

Những cá nhân phạm pháp thường học kém hơn ở trường, sau này dễ bị thất nghiệp và dễ có khả năng sử dụng chất kích thích hơn. Điều này có nghĩa là sự can thiệp vào giai đoạn đầu đời là điều rất nên ưu tiên.

Sức khỏe tâm thần

Có rất nhiều cơ chế tiềm ẩn có thể giải thích ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến đạo đức của con người.

Chẳng hạn, Lu cho thấy chỉ riêng ý nghĩ về ô nhiễm đã có thể gây tác động đến tâm lý của ta.

Theo lẽ tự nhiên thì các nhà nghiên cứu không thể thực sự đưa người tham gia nghiên cứu vào thực nghiệm trong môi trường ô nhiễm, vì vậy họ chọn cách làm tốt nhất kế tiếp (được chấp nhận về mặt đạo đức).

Họ cho người tham gia nghiên cứu ở Mỹ và Ấn Độ xem những bức ảnh của một thành phố cực kỳ ô nhiễm, và yêu cầu họ tưởng tượng bản thân sống ở đó.

"Chúng tôi khiến họ trải nghiệm tình trạng ô nhiễm về mặt tâm lý," Lu giải thích, "…sau đó yêu cầu họ tưởng tượng cảnh họ đang sống trong thành phố đó, rồi ghi nhận cảm giác về khả năng phải sống trong môi trường như vậy. Bằng cách này, họ có trải nghiệm tâm lý về việc phải sống trong môi trường ô nhiễm không khí, và so sánh nó với việc sống trong môi trường trong lành."

Ông nhận thấy rằng sự căng thẳng của người tham gia tăng lên, và họ trở nên chú trọng tới bản thân hơn - hai phản ứng này có thể gây gia tăng hành vi hung hãn và vô trách nhiệm.

"Với cơ chế tự vệ, ta biết rằng khi căng thẳng chúng ta dễ có khả năng đấm vào mặt người khác hơn so với khi ta bình tĩnh," Lu nói. "Vì vậy, bằng cách gia tăng sự căng thẳng của mọi người, ô nhiễm không khí có thể gây ra tác động bất lợi đối với hành vi của chúng ta."

Qua nhiều thí nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy người tham gia trong tình trạng "ô nhiễm" có xu hướng ăn gian khi thực hiện nhiều bài tập và đánh giá kết quả bài tập bản thân họ làm cao quá mức, cốt để được nhận thưởng.

Nghiên cứu này chỉ mới là khởi đầu, và có thể còn rất nhiều lý do khác gây nên hiệu ứng này ngoài sự căng thẳng tăng lên và sự tập trung vào bản thân mà Lu mô tả - trong đó có cả biến đổi sinh lý trong não.

Chẳng hạn, khi bạn thở trong không khí ô nhiễm, nó tác động đến lượng ôxy mà bạn có trong cơ thể vào khoảnh khắc đó - và chính điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm lượng "khí tốt" đi vào não bộ. Nó cũng có thể khiến mũi, cổ họng khó chịu và gây đau đầu - tất cả điều này có thể làm giảm mức độ tập trung của ta.

Rõ ràng là tình trạng phơi nhiễm trước nhiều chất ô nhiễm có thể gây phù nề trong não và gây nguy hiểm đến cấu trúc não bộ và kết nối thần kinh.

"Điều có thể xảy ra là những loại chất ô nhiễm trong không khí đó đang gây nguy hiểm cho thùy trước trán," Younan nói. Đây là vùng rất quan trọng, có chức năng kiểm soát hành động bột phát, khả năng hành động và kiểm soát bản thân của ta.

Bên cạnh gia tăng tội phạm, ô nhiễm cũng có thể kéo theo tình trạng suy giảm sức khỏe nghiêm trọng sức khỏe tâm thần. Một nghiên cứu năm 2019 thậm chí cho thấy những thiếu niên sống trong không khí độc hại, ô nhiễm có nguy cơ bị loạn thần cao hơn, như nghe thấy các giọng nói, hoặc là bị hoang tưởng.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Joanne Newbury, từ Đại học King's College London nói bà vẫn chưa thể khẳng định kết quả nghiên cứu trên, nhưng những phát hiện này trùng khớp với những nghiên cứu khác theo đó cho thấy có mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và sức khỏe tâm thần.

"Nó cung cấp thêm bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và vấn đề sức khỏe thể chất và ô nhiễm không khí với tình trạng mất trí nhớ. Nếu tình trạng ô nhiễm là không tốt cho cơ thể, thì nó cũng có khả năng là không tốt cho não bộ," bà nói.

Những người làm trong lĩnh vực này nói ta cần phải có sự chú ý nhiều hơn đến tác động của ô nhiễm, bên cạnh những hiệu ứng đã rõ với sức khỏe con người. "Ta cần thêm nhiều nghiên cứu cho thấy kết quả tương tự trong những nhóm dân cư và tuổi tác khác nhau," Younan nói.

May mắn là ta có thể kiểm soát phần nào lượng ô nhiễm mà ta phải chịu trong đời sống hàng ngày.

Ta có thể chủ động và tìm hiểu chất lượng không khí quanh mình trong một ngày nào đó.

Các bảng hiển thị của máy đo chất lượng không khí sẽ cho biết những ngày nào là ngày không khí ô nhiễm ở mức nguy hiểm nhất, và ngày nào ở mức đỡ tệ nhất.

Trong khi nhiều quốc gia đang chờ ra đạo luật nghiêm khắc hơn hoặc can thiệp của chính phủ để kìm hãm tình trạng ô nhiễm, thì một số nơi đã có những bước tiến tích cực.

Lấy California làm ví dụ. Ở đây, các quy định pháp luật khiến tình trạng ô nhiễm giảm dần, và thật thú vị, tỷ lệ tội phạm cũng giảm. Tuy nghe đầy hứa hẹn, nhưng Younan nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn chưa biết rõ liệu điều này là trùng hợp hay không.

Thế còn ở London thì kể từ ngày 8/4/2019, thành phố bắt đầu áp dụng quy định về vùng "phát thải cực thấp" ở trung tâm thành phố, nơi có chuẩn phát thải nghiêm ngặt.

Các xe không đạt tiêu chuẩn này sẽ phải trả khoản phí 12,50 bảng Anh mỗi ngày, bên cạnh khoản phí giao thông nội đô 11,5 bảng mỗi ngày vốn đã áp dụng cho hầu hết các loại xe đi vào trung tâm.

Việc tăng lượng các xe bus xanh cũng được đưa vào sáng kiến "Không khí sạch hơn cho London".

"Chúng ta đang làm khá tốt trong việc cắt giảm ô nhiễm ở nhiều quốc gia, nhưng ta cần phải làm nhiều hơn nữa," Roth nói.

"Không nhất thiết phải từ chính phủ, mà hành động còn là từ bạn và tôi. Khi chúng ta định mua món gì, hay di chuyển từ chỗ này tới chỗ khác, là chúng ta đều đã gây ảnh hưởng đến môi trường rồi; chúng ta cần phải cẩn trọng hơn và cần cân nhắc thông tin đầy đủ rồi hẵng quyết định khi muốn làm gì."

Roth vẫn hy vọng rằng tình trạng ô nhiễm gia tăng là thứ ta vẫn có thể kiểm soát và giải quyết được, nhưng cho đến khi đó ta vẫn cần phải khiến mọi người chú ý hơn đến vấn đề này.

Nếu tất cả chúng ta đều bắt đầu tự theo dõi mức độ ô nhiễm, thì ta có thể bắt đầu tạo một thói quen mới. Đó là tránh thực hiện một số hoạt động như hoạt động thể thao ngoài trời, hay thậm chí là đi lại, trong những ngày ô nhiễm nhất.

Cơ thể của ta, não bộ và hành vi đều sẽ được hưởng lợi từ điều này.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn