'Thế giới thần tiên' cửa hàng tiện lợi ở Nhật

Thứ Hai, 08 Tháng Bảy 20191:00 SA(Xem: 3666)
'Thế giới thần tiên' cửa hàng tiện lợi ở Nhật
bbc.com

'Thế giới thần tiên' cửa hàng tiện lợi ở Nhật

Laura Studarus BBC Travel

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Trong tác phẩm đoạt giải của Sayaka Murata, "Người phụ nữ ở Cửa hàng tiện lợi", ngôi sao thực sự của cuốn tiểu thuyết chính là cái cửa hàng

Trong tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng có tên "Người phụ nữ ở cửa hàng tiện lợi", tác giả người Nhật Sayaka Murata kể câu chuyện về Keiko Furukura, một nhân viên làm việc tại một cửa hàng tiện lợi vô danh đang khổ sở tìm một chỗ đứng trong xã hội truyền thống vì cô là một phụ nữ 36 tuổi chưa kết hôn và chỉ là người lao động chân tay.

Tuy nhiên, ngôi sao thực sự của câu chuyện về một nhân vật không chính thống này lại là nơi làm việc của cô, được mô tả là một hệ sinh thái siêu nhỏ, không chỉ hướng đến cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng, mà còn đem lại niềm vui với cho cuộc sống của họ.


"Một cửa hàng tiện lợi không chỉ là đơn thuần là nơi khách hàng đến mua những món nhu yếu phẩm thông dụng," Furukura nói trong trang mở đầu tiểu thuyết. "Đó phải là nơi người ta có thể tận hưởng và tìm được niềm vui khi khám phá ra những điều họ thích."

Mặc dù tôi đã đọc quyển tiểu thuyết đoạt giải thưởng Akutagawa đó trước khi đến Nhật Bản, nhưng phần mô tả bên trên vẫn khiến tôi cảm thấy quá lãng mạn.

Tuy nhiên, là người quen đánh đồng đồ ăn nhanh với chất lượng thấp, tôi đã kinh ngạc khi phát hiện ra những cửa hàng tiện lợi ở Nhật, như 7-Eleven, Family Mart và Lawson (ba công ty tự cho rằng mình chiếm thị phần lớn tại Nhật), lại là nơi giới thiệu ẩm thực địa phương, khiến tôi bỏ qua mấy món chiên giòn đơn giản mà tôi thường mang ở nhà theo, để chọn mua những hương vị như mayonnaise, ume (một loại trái cây họ lê) và xì dầu.

Tôi cũng thấy mình phân vân chọn lựa giữa cơm nắm tươi onigiri, mì udon mới nấu ăn liền, hay bánh bao truyền thống, với những món như bánh pizza, đậu ngọt và kem bí đỏ.

Có thể nó không được lý tưởng hóa như Murata khiến tôi tin, nhưng dù là một người nước ngoài cần trợ giúp mới đếm được tiền xu, thì hàng hóa đa dạng và dễ tìm đồ ăn trưa rẻ đã để lại ấn tượng trong tôi.

Karen Gardiner, một nhà văn người Scotland đang sống tại Hoa Kỳ đã từng sống ở Tokyo hai năm từ năm 2005. Là một người nước ngoài tạm trú, bà chia sẻ niềm vui mà tôi cũng tìm thấy ở cửa hàng tiện lợi tại quốc gia này (hay còn gọi là "konbini" trong tiếng Nhật). Bất cứ cửa hàng nào gần nhà đều trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của bà.


"Tôi chỉ mua thực phẩm từ một cửa hàng tiện lợi kiểu Mỹ nếu tôi thực sự không có lựa chọn nào khác - thực sự thì, tôi từng bước vào một cửa hàng 7-Eleven [ở Baltimore] vài tuần trước, khi mà tôi tuyệt vọng chẳng mua được thứ gì," bà cho biết.

"Chúng trông rất chán, hàng hóa như thể đã nằm trên kệ mấy năm trời. Tôi nghĩ ai mà đến Hoa Kỳ từ Nhật Bản sẽ cảm thấy hoàn toàn thất vọng nếu họ bước vào một cửa hàng ở đây… tôi có thể ăn [ở Nhật] khi đi ra ngoài hoặc trên đường đi làm hay về nhà, hoặc là khi chỉ cần một cái bánh sandwich kẹp trứng ăn nhanh hay món cơm nắm onigiri."

Cory May, một người chuyên làm tường thuật trực tuyến trên Twitch và sản xuất video trên YouTube, vừa quay trở về sống ở Nhật sau hơn 20 năm sống xa quê hương.

Anh nhớ lại ấn tượng đầu tiên với cửa hàng tiện lợi ở Hoa Kỳ: "Tôi nhớ cảm thấy kỳ quặc làm sao khi nhìn thấy những chiếc máy bán nước Slushee và chẳng có gì ngoài những chiếc xúc xích nóng đầy dầu mỡ dưới một cái đèn giữ nhiệt tại một cửa hàng 7-Eleven ở Mỹ," anh cho biết: "Cảnh đó, với tôi là rất kỳ quặc."

Ginny Tapley Takemori, người dịch tác phẩm "Người phụ nữ ở Cửa hàng tiện lợi" khám phá một số trông đợi về văn hóa khi đến Hoa Kỳ tham dự một sự kiện quảng bá. Tuy nhiên, khi nhớ lại trải nghiệm bà không cảm thấy thất vọng, mà thấy bối rối hơn.

"Chúng tôi khá ngạc nhiên khi độc giả nghĩ rằng thực phẩm trong các cửa hàng tiện lợi ở Nhật là tốt cho sức khỏe - đó không phải là cách suy nghĩ thông thường ở Nhật," bà giải thích. "Chúng tôi hỏi người tổ chức chương trình tại New York hãy dẫn tôi đến một số cửa hàng tiện lợi gần đó, và nhận thấy thực phẩm bán ở đó thậm chí còn tệ hơn ở Nhật, có lẽ đó là lý do tại sao!"

Bà kể tiếp, "Tôi nghĩ để so sánh gần gũi nhất thì đó là cửa hàng tiện lợi ở cạnh các trạm xăng ở Anh Quốc, tuy không hẳn là có thể so sánh được - quầy hàng ở Anh chỉ bán đồ ăn vặt và một vài món đồ nhu yếu phẩm dùng trong nhà, nhưng chỉ có vậy thôi."

Đúng là người tiêu dùng có vô số lựa chọn trong hàng loạt các cửa hàng tiện lợi ở Nhật.

Với nỗ lực nổi bật ở địa phương, những người thường coi các cửa hàng là trung tâm mà họ đi mua nhiều lần mỗi tuần cả thức ăn và đồ dùng gia đình, các món hàng mới liên tục xuất hiện, và được đánh dấu bằng nhãn dán màu đỏ công bố "Hàng mới về" (新発売).

Các con số cũng gây sửng sốt: Ken Mochimaru, người đứng đầu bộ phận truyền thông của tập đoàn Lawson ước tính tại 1.463 cửa hàng của công ty ông tại Tokyo có khoảng 3.500 món hàng hóa khác nhau ở mỗi tiệm, trong đó có cả bánh mì nhân mì chiên, mì ăn liền hiệu Pringles và bánh kẹp ngọt với mật phong, với hơn 100 món hàng mới ra mắt mỗi tháng.

Một số những món kèm theo liên tục được luân chuyển, như kẹo Kit-Kats nhiều hương vị (trong đó có vị trà xanh và vị rượu sake hoa đào theo mùa), hoặc bánh quy que mỏng tên Pocky đã được quốc tế biết đến. (Gardiner đề cập đến món bánh quy Balance Up có vị kem bơ và món kẹo tên Konnyaku Batake Jellies là hai món bà nhớ nhất khi chuyển đến nơi khác sống.)

Nhưng trong khi bạn có thể tìm được những món khoái khẩu cả thế giới yêu thích như kem, bánh quy và kẹo sô-cô-la, thì rất nhiều thực phẩm tại các cửa hàng tiện lợi lại gần gũi với hương vị truyền thống Nhật Bản.

Bánh kếp có nhân đậu đỏ nghiền - một phiên bản sản xuất hàng loạt của bánh rán dorayaki - rất được ưa chuộng.

Mochiko, loại bánh làm từ bột gạo nếp, đã xuất hiện dưới dạng bánh ngọt và kem. Và sau đó còn có trà xanh matcha. Bánh quy, thanh kẹo sô-cô-la, bánh ngọt - mỗi cửa hàng có vô số món quà ngọt theo hương vị Nhật Bản tùy chọn.

Mỗi cửa hàng còn có sự tiện dụng ẩn bên dưới.

Đúng là quà vặt và các món hàng mới là phần lớn trong sản phẩm kinh doanh của họ, nhưng mục tiêu của cửa hàng tiện lợi konbini là trở thành điểm mua sắm duy nhất có thể đáp ứng tất cả nhu cầu trong gia đình.

Mochamaru lấy hộp cơm bento làm ví dụ cho điều này - cơm được nấu sẵn, và là bữa ăn đóng hộp sẵn sàng ăn ngay.

Trước khi phong trào nữ quyền nổi lên ở Nhật vào thập niên 1970, các gia đình truyền thống thường có nhiều bữa cơm nhà hơn.

Giờ đây, ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, thì ngày càng có nhiều người tìm đến các lựa chọn ăn uống dễ dàng hơn.

Khi tôi chú ý đến hộp mì udon có ghi chữ 中食, nghĩa là đó là món nakashoku, hay còn gọi là món ăn mang đi. Mochimaru giải thích là tôi đã thực sự nhìn thấy một phần của nguyên nhân và hệ quả trong xã hội.

"Lý do mà Lawson tập trung vào các món ăn mang đi có thể giải thích là vì sự gia tăng các gia đình có hai thu nhập," ông nhận định. "Với cả hai cha mẹ cùng làm việc, thời gian nấu ăn sẽ ít đi nhiều, và mang về nhà những hộp cơm bento có các món nấu sẵn là giải pháp tiện lợi hơn rất nhiều. Nó giúp giảm thiểu thời gian dành cho việc ăn uống và không phải rửa chén."

Nhưng không chỉ là vấn đề thực phẩm, cửa hàng tiện lợi ở Nhật Bản đã thành công khi trở thành phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của nhiều người. Bởi, không giống với những cửa hàng tương tự ở nước ngoài, các cửa hàng tại Nhật còn cung cấp thêm nhiều dịch vụ.

Trong thời gian ở Nhật, Gardiner nhớ bà đã mua vé hòa nhạc tại cửa hàng gần nhà, và thậm chí giờ đây khi bà quay lại thăm thành phố, bà sẽ ghé qua để dùng wifi miễn phí - điều mà Mochimaru xác nhận là một phần trong tầm nhìn xa hơn của các cửa hàng của ông trong quá trình trở thành cửa hàng "một cửa".

"Sự đa dạng hóa về nhu cầu của người tiêu dùng vẫn tiếp diễn qua nhiều năm đã khiến cửa hàng tiện lợi trở thành nơi mua sắm tiện lợi hơn rất nhiều," ông cho biết. "Là nơi đèn luôn sáng suốt 24 giờ mỗi ngày, và là nền tảng đáng tin cậy trong cơ sở hạng tầng của cộng đồng trong tình thế nguy cấp và thảm họa, cửa hàng tiện lợi đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người dân. Vai trò mà người ta trông đợi từ chúng đã mở rộng hơn chưa từng thấy."

Qua quá trình chọn lọc và sự có mặt khắp nơi, cửa hàng konbini dường như đã có thêm uy tín văn hóa. Và mặc dù Takemori, giờ đây sống ở ngôi làng nhỏ, không còn đi lại hàng ngày đến cửa hàng trong làng, nhưng bà vẫn nói tốt về văn hóa cửa hàng tiện lợi.

"Tôi không nghĩ Sayaka Murata lãng mạn hóa gì về chúng [trong sách], thực sự, dù bà thích nói rằng bà đã lấy nhiều yếu tố từ những cửa hàng khác nhau mà bà làm việc qua nhiều năm để tạo ra cửa hàng lý tưởng của mình," Takemori cho biết. "Bất cứ ai cũng có thể nhận ra ngay nếu họ đã từng vào một cửa hàng, ngay từ âm thanh [được mô tả] trong đoạn văn đầu tiên."

Bà nói tiếp: "Trong bản dịch của tôi, tôi đã thêm những từ chỉ âm thanh (như từ "tinkle" chỉ tiếng cửa kêu vang hay tiếng "bíp" khi máy quét giá tiền hoạt động và nhiều từ khác nữa) không có trong bản gốc để cố xây dựng lại trải nghiệm này cho người đọc chưa từng đến cửa hàng tiện lợi nào. Chúng rất sạch, và nhân viên làm việc trong cửa hàng gần như luôn luôn chú tâm."

Cam kết dễ chịu, cho bất cứ ai đến mua hàng.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn