Đối phó thiên thạch trước khi nó đâm vào Trái Đất

Chủ Nhật, 07 Tháng Bảy 20193:00 SA(Xem: 6310)
Đối phó thiên thạch trước khi nó đâm vào Trái Đất
bbc.com

Đối phó thiên thạch trước khi nó đâm vào Trái Đất

Chris Baraniuk BBC Earth

BBC Studios/The Planets Bản quyền hình ảnh BBC Studios/The Planets

Các khoa học gia đang tìm cách phát hiện các tiểu hành tinh trước khi chúng đâm vào Trái Đất.

Tìm thấy LA 2018

Trong suốt năm ngày liền, một nhóm nhà khoa học săn thiên thạch đã chống chọi với những bụi gai và lê bước qua đám cỏ dày giữa lòng Botswana.

Họ biết đại khái là nơi họ nên tìm kiếm - trong phạm vi 200 cây số vuông - nhưng mảnh vỡ nhiều khả năng là rất nhỏ. Ai mà biết được liệu nó có bị chôn vùi, hay thậm chí bị gió thổi bay hay không.

Và lúc đó. Chính là nó, một khối đá đen nhỏ, bụi bặm từ ngoài vũ trụ.

Khoảng một tháng trước, một nhóm các nhà thiên văn học đã dự đoán ở nơi nào trên thế giới thiên thạch từ một tiểu hành tinh cụ thể sẽ rơi xuống.

Tiểu hành tinh đó, được đặt tên là LA 2018, đã phát nổ trên bầu trời đêm ở Botswana vài giờ sau khi nó được nhìn thấy đang lao về phía hành tinh của chúng ta.

Việc tìm thấy mảnh vỡ đã chứng minh các nhà thiên văn học đã đúng - và đây là lần thứ hai trong lịch sử, những mảnh vỡ của thiên thạch được con người tìm thấy từ một tiểu hành tinh được quan sát trước đó trong không gian.

Một trong những nhóm đóng góp cho phát hiện tuyệt vời này hy vọng rằng một ngày nào đó hệ thống kính viễn vọng của họ có thể cảnh báo con người trên Trái Đất về một vụ va chạm lớn hơn và có khả năng gây thương vong.

Nhưng họ sẽ làm như thế nào?

Khi còn trong không gian, LA 2018 lần đầu tiên được phát hiện bởi Catalina Sky Survey, một dự án do Nasa tài trợ.


Nhưng sau đó nó cũng được Hệ thống Cảnh báo Cuối cùng về Va chạm giữa Trái Đất và Tiểu hành tinh (Atlas) tại Đại học Hawaii quan sát được.

Atlas là một hệ thống kính viễn vọng được thiết kế với một mục tiêu tối thượng: cứu con người khỏi sức công phá khủng khiếp gây ra khi những tảng đá khổng lồ trong vũ trụ lao vào Trái Đất.

Nguy cơ cao hơn chúng ta tưởng

Dự án này do John Tonry, một nhà thiên văn học, tạo dựng. Ông có cảm hứng bắt đầu dự án từ nhiều năm trước sau khi liên tục nghe nói rằng khả năng một tiểu hành tinh nguy hiểm đâm vào Trái Đất là rất thấp - chỉ xảy ra độ một lần trong mỗi một thiên niên kỷ.

"Điều khiến tôi thật sự bực mình là con số đó luôn luôn được đưa ra mà không có sự chắc chắn, và vụ va chạm thực tế, gần đây nhất đã xảy ra chỉ mới chừng 100 năm trước," ông giải thích.

Tonry đang nhắc đến sự kiện Tunguska hồi năm 1908 ở Siberia, khi một tiểu hành tinh phát nổ trong bầu khí quyển, tạo ra một quả cầu lửa rộng 50 - 100m và san phẳng khoảng 80 triệu cây xanh.

Được biết, một người đã chết trong vụ việc. Nếu khu vực bị tác động có đông dân cư hơn, các hiệu ứng sẽ là khủng khiếp.

Atlas hiện đã có hai kính viễn vọng ở Hawaii, và Tonry hiện đang làm việc với các đồng nghiệp để thiết lập chiếc kính viễn vọng thứ ba ở Nam Phi để quan sát bầu trời ở nam bán cầu.


Một kính viễn vọng thứ tư cũng đã được cấp vốn. Khi hệ thống đầy đủ đi vào hoạt động, Tonry hy vọng nó sẽ mang đến cho chúng ta cơ hội tốt để phát hiện ra một vụ va chạm lớn tiềm năng và, nếu cần, nó có thể cảnh báo trước đủ sớm để sơ tán người dân khỏi nơi dự đoán sẽ xảy ra va chạm.

Nhờ phát hiện mảnh vỡ ở Botswana vào mùa hè này, chúng ta biết Atlas có thể dự đoán đúng. Và việc xác định chính xác điểm LA 2018 rơi xuống là điều gây ấn tượng hơn cả, vì nó là một tiểu hành tinh rất nhỏ, với bề rộng chưa đầy 2 mét.

Clemens Rumpf, một nhà nghiên cứu khách mời tại Đại học Southampton, vốn chuyên về các tiểu hành tinh, nói: "Hệ thống Atlas là một sáng kiến rất tốt."

"Ngay cả ngày nay, chúng ta bỏ lỡ rất nhiều tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm."

Dự đoán va chạm nguy hiểm

Vũ trụ xung quanh Trái Đất đầy đá. Công việc của Atlas là chỉ ra những tảng đá nào có thể đe dọa chúng ta.

Tonry giải thích rằng chỉ trong một đêm quan sát, ông và các cộng sự có thể phát hiện khoảng một triệu vật thể. Phần lớn trong số này là những ngôi sao hoặc những ngôi sao nổ tung (siêu tân tinh), hoặc các tiểu hành tinh đã được biết vốn có quỹ đạo an toàn.

Có thể chỉ có mười hoặc hai mươi vật thể là mới đối với chúng ta, và chúng không nhất thiết đều là những thứ nguy hiểm.

Nếu có vật gì đó nhằm hướng Trái Đất bay đến, Atlas sẽ đăng cập nhật lên các trang web của mình.

Các nhà thiên văn học tại các cơ quan như Nasa hoặc Trung tâm Hành tinh nhỏ của Liên minh Thiên văn Quốc tế có các ngôn ngữ tự động để sục sạo trong các trang web như vậy để tìm thông tin mới. Đây là cách họ biết ngay khi có một phát hiện mới.

Các nhà thiên văn học sau đó có thể bắt đầu vẽ đường đi của chúng và dự đoán các vị trí va chạm.

Rumpf chỉ ra rằng một số tiểu hành tinh lớn hơn đang ở trong quỹ đạo đều đặn quay quanh Mặt Trời, thường là quỹ đạo đường hình bầu dục, có thể giao nhau, cũng có thể là không hoặc không giao nhau với Trái Đất tại một thời điểm nào đó trong tương lai.

Các vụ va chạm có thể có trong tương lai của các tiểu hành tinh như vậy dễ dự đoán hơn - nhưng không phải tất cả các thiên thạch trong vũ trụ đều tốt đẹp.

"Một số thiên thạch nằm trên quỹ đạo không đều đặn bởi vì chúng không bị phụ thuộc vào Mặt Trời," Rumpf giải thích. "Chúng kiểu như là không biết từ đâu mà ra."

Trên lý thuyết, các hệ thống như Atlas có thể đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện ra những thiên thạch này đúng lúc.

Bằng cách nghiên cứu cách ánh sáng phản xạ từ các loại đá khác nhau, chẳng hạn như những loại đá có hàm lượng kim loại cao hơn…, các nhà khoa học có thể đưa ra dự đoán về các tiểu hành tinh bay về hướng Trái Đất dựa trên ánh sáng mà chúng tự phản xạ, Alessondra Springmann, nhà thiên văn học radar hành tinh tại Đại học Arizona, cho biết.

Làm sao hóa giải nguy cơ?

"Nếu tiểu hành tinh đến đủ gần, bạn có thể sử dụng radar - nếu bạn có hình dạng, thể tích và cấu tạo thì có lẽ bạn có thể tìm ra mật độ," bà nói thêm.

Điều đó có thể giúp dự đoán tiểu hành tinh lớn sẽ gây ra vụ nổ thế nào khi nó đi vào bầu khí quyển Trái Đất. Nếu nó càng chắc và càng nặng, mọi thứ sẽ tồi tệ hơn cho nhân loại.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tìm thấy một tiểu hành tinh lớn đến mức nó có thể đe dọa hàng ngàn hoặc hàng triệu sinh mạng? Hoặc nó thải ra quá nhiều mảnh vụn vào bầu khí quyển của chúng ta đến nỗi khí hậu sẽ bị hủy hoại trong một thời gian rất dài?

Lý tưởng nhất là chúng ta phát hiện được con quái vật như thế từ rất sớm, trước khi nó xuất hiện, để chúng ta có thời gian tự vệ.

Springmann lưu ý rằng có một vài ý tưởng làm sao thực hiện điều này - bao gồm đưa ra một máy kéo lực hấp dẫn. Điều này nghĩa là phóng một phi thuyền về phía tiểu hành tinh và định vị nó đủ gần để lực hút của phi thuyền, dù nhỏ thế nào đi nữa, có thể đưa tiểu hành tinh đi theo hướng khác.

"Nếu bạn không có nhiều cảnh báo, nỗ lực cuối cùng là phóng lên một vật va chạm động lực," bà nói rồi nói rõ thêm: 'một quả bom'.

Nếu có khi nào đó chúng ta có cơ hội phá hủy một tảng đá không gian đe dọa nhân loại, thì đó là nhờ vào quan sát của các nhà khoa học trên Trái Đất vốn cho biết với một mức độ tin cậy nào đó về kích thước, tốc độ di chuyển của nó - và khả năng nó giết chết tất cả chúng ta.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn