Xếp hạng độ trung thực của công dân thế giới: Trung Quốc đứng cuối bảng

Thứ Năm, 04 Tháng Bảy 20195:00 SA(Xem: 5153)
Xếp hạng độ trung thực của công dân thế giới: Trung Quốc đứng cuối bảng

Tạp chí Science của Mỹ mới đây đã công bố kết quả nghiên cứu về “Xếp hạng độ trung thực của công dân toàn cầu”. Nghiên cứu dựa trên kết quả điều tra khảo sát quy mô toàn cầu, xem xem tài vật có ảnh hưởng thế nào đến độ trung thực của công dân. Kết quả cho thấy, Trung Quốc Đại Lục nằm ở cuối bảng xếp hạng, và điều này cũng thu hút sự chú ý và bàn luận sôi nổi của cư dân mạng Đại Lục.

Gần đây, Tạp chí Science của Mỹ đã công bố một nghiên cứu dựa trên cuộc khảo sát cho thấy, thứ hạng về độ trung thực của công dân ở Trung Quốc Đại lục nằm ở cuối bảng. 

Các nhà nghiên cứu tham gia tiến hành khảo sát bao gồm Alain CohnD, giáo sư tại Học viện Thông tin thuộc Đại học Michigan và Michel André Maréchal, giáo sư kinh tế tại Đại học Zurich, Thụy Sỹ. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Science, một tạp chí học thuật có thẩm quyền nhất trên thế giới do Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Hoa Kỳ xuất bản.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã khảo sát 355 thành phố ở 40 quốc gia trên thế giới theo phương thức: đưa 17.000 ví tiền “bị mất” cho các tổ chức nhà nước và tư nhân, sau đó tính xem có bao nhiêu người liên hệ với thông tin lưu lại trong ví để trả lại cho “chủ sở hữu” trong khoảng thời gian 100 ngày.

Mỗi quốc gia sẽ được tiến hành khảo sát tại 5-8 thành phố lớn, tính trung bình có khoảng 400 trường hợp cho một quốc gia. Có năm loại hình doanh nghiệp/tổ chức được chọn để khảo sát: (1) Ngân hàng; (2) Nhà hát, bảo tàng hoặc địa điểm văn hóa khác; (3) Bưu điện; (4) Khách sạn; (5) Đồn cảnh sát, tòa án hoặc các đơn vị hành chính khác.

Theo thống kê, năm quốc gia xếp hàng đầu là Thụy Sỹ, Na Uy, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển, những quốc gia này có tới 70-80% các tổ chức/doanh nghiệp đã liên hệ với chủ sở hữu để trả lại ví. Trung Quốc xếp vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng.

khao-sat-do-trung-thuc
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành hàng loạt khảo sát thực địa quy mô lớn trên khắp thế giới để nghiên cứu xem tài vật có ảnh hưởng đến độ trung thực của công dân như thế nào. (Ảnh qua Science)

Tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu lựa chọn 8 thành phố, gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến, Thiên Tân, Tây An, Hàng Châu và Thành Đô. Họ yêu cầu trợ lý nhóm nghiên cứu đến một địa điểm nhất định (như ngân hàng hoặc cơ quan an ninh công cộng), đưa một chiếc ví cho nhân viên ở đó và trình bày về việc mình nhặt được chiếc ví, hy vọng rằng nhân viên này có thể nhanh chóng giúp đỡ liên hệ với chủ sở hữu ví.

khao-sat-do-trung-thuc-vi-tien
(Ảnh: Science)

Trong ví có một khoản tiền nhất định, chìa khóa, danh thiếp và một số hóa đơn mua sắm. Mức tiền ở trong mỗi chiếc ví đều có giá trị tương đương với 13 đô la Mỹ, quy đổi theo đồng tiền mỗi quốc gia, và ở Trung Quốc là 49 nhân dân tệ.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn chủ đích nâng mức tiền trong ví lên 94,15 đô tại các quốc gia như Mỹ, Anh và Ba Lan. Con số này cao gấp bảy lần số tiền ban đầu. Họ nhận thấy rằng, khi số tiền trong ví tăng cao lên, tỷ lệ liên hệ với chủ sở hữu chiếc ví tại ba quốc gia này cũng tăng lên 72%.

Kết quả của cuộc khảo sát này đã dẫn đến cuộc tranh luận sôi nổi giữa các cư dân mạng ở Trung Quốc Đại lục. Nhiều người cho rằng cuộc điều tra này không phản ánh đúng thực trạng về độ trung thực của người Trung Quốc. Họ tin rằng tỷ lệ phản hồi thấp ở Trung quốc là do người ta sợ bị chủ sở hữu chiếc ví lừa đảo, sợ đến lúc trả ví họ lại đòi hỏi số tiền nhiều hơn và báo cảnh sát.

Cư dân mạng có nickname “Hoa Giang Huỳnh Vũ” bình luận: “Nhóm khảo sát này không hề tính đến nhiều vụ việc lừa đảo trên mạng tại Trung Quốc những năm gần đây đã khiến người Trung Quốc hoàn toàn tê liệt và cảnh giác cao độ với hiện thực xã hội.”

Tuy nhiên, cũng có không ít người đồng tình. Một cư dân mạng có nickname “Vương Phú Quý” kể lại câu chuyện: “Tôi bị mất ví ở Osaka, Nhật Bản và trong ví chỉ có 10.000 yên. Một tuần sau, cảnh sát Nagoya gọi cho tôi thông báo đã tìm thấy chiếc ví. Họ gửi chiếc ví tại Sở cảnh sát Osaka để tôi có thể đến lấy. Khi tôi quay lại Trung Quốc thuê một căn hộ ở Thâm Quyến, tôi đã bị lừa 5.000 tệ. Tôi đã báo cáo vụ việc với cảnh sát 4 lần. Tuy nhiên, không có kết quả gì ngoài việc ghi lại thông tin, họ thậm chí còn nói với tôi rằng, vụ việc này không giải quyết được.”

Nói về vấn đề này, cũng có không ít người còn thể hiện sự bất bình với sự “liêm chính” của các cơ quan chính quyền tại nước này.

Minh Ngọc

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn