Vương quốc động vật: bí quyết sống lâu nhất, bay cao nhất

Thứ Tư, 03 Tháng Bảy 20199:00 SA(Xem: 4409)
Vương quốc động vật: bí quyết sống lâu nhất, bay cao nhất
bbc.com

Bí quyết sống lâu nhất, lên cao nhất

Ella Davies BBC Earth

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Ngỗng đầu sọc là loài động vật bay cao nhất

Nếu muốn tìm những đối tượng có khả năng sinh tồn mãnh liệt nhất trong vương quốc động vật, bạn sẽ thấy không loài nào qua mặt được gấu nước (tardigrade).

Những con vật tám chân nhỏ xíu này có thể sống trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt về sức nóng, độ lạnh giá, và thậm chí cả trong môi trường chân không trong vũ trụ.

Ở bất kỳ nơi nào ta tìm ra chúng - trên dãy núi Himalayas, những rãnh vực sâu thăm thẳm nơi đáy đại dương, trong bùn núi lửa hay chìm giữa cái lạnh băng giá ở Nam Cực - gấu nước có sức bền đáng kinh ngạc.

Khả năng đặc biệt này của nó là nhờ vào việc nó có thể sống mà không cần nước.

Dưới điều kiện bị ép đến cùng cực, gấu nước bước vào tình trạng được gọi là 'trạng thái tạm ngưng trao đổi chất', tự làm mất nước và bảo vệ các tế bào của chúng bằng các chất protein và đường đặc biệt.

Thứ sinh vật sống dưới nước này hồi sinh nhờ nước, và vì điều này, kết hợp với hình dáng béo lùn mà chúng được đặt tên là 'gấu nước'.

Nhưng trước khi bạn đặt tên lại cho đội thể thao của mình để nhằm vinh danh loài vật này, thì cần lưu ý rằng nếu đem ra đo thì chúng dài chưa tới 1mm.

Nếu bạn muốn tìm thứ gì đó không chỉ gói gọn trong danh tiếng 'bé xíu nhưng thần thánh', hãy đọc phần tổng kết về một số loài vật khác dưới đây, những loài đã chứng tỏ được sức mạnh sinh tồn trong những điều kiện khắc nghiệt.

Đương đầu được với mọi loại nhiệt độ

Vùng nước lạnh nhất thế giới được xác định là nằm bên dưới các tầng đá Nam Cực, trong khi tại Nam Đại Dương thì nước sôi trào phun lên từ những vết nứt dưới đáy biển. Trong môi trường trái ngược nhau như vậy, bạn sẽ nghĩ tới việc có một số loài kỳ quặc sinh sống, nhưng ngay cả sức tưởng tượng mạnh mẽ nhất cũng khó có thể nghĩ ra thứ gì như cua lông (yeti crab, mà tên khoa học là Kiwa S.).

Được gọi là cua lông vì chúng có những cẳng chân dài lông lá vô cùng xấu xí, loài giáp xác mù này thích nghi với việc phải chịu áp suất đè nén cực lớn và không có ánh sáng mặt trời ở nơi có độ sâu tới 700m dưới mực nước biển.


Sự tồn tại của chúng phụ thuộc vào các miệng núi lửa thuỷ nhiệt mà chúng sống gần, nơi nước có thể nóng tới 400 độ C phun lên từ bên dưới bề mặt Trái Đất, mang theo các trầm tích khoáng chất.

Vi khuẩn sinh sôi nảy nở quanh miệng núi lửa thuỷ nhiệt, làm các khoáng chất này chuyển hoá thành năng lượng.

Về phần mình, bọn cua sống được là nhờ vi khuẩn, và đó là quá trình duy trì độ cân bằng tinh tế để tồn tại được cả ở vùng nước sôi trào lẫn vùng đại dương lạnh lẽo chết người.

Được giới thiệu trong Hành Tinh Xanh II, các khoa học gia quan sát một loài động vật được gọi không chính thức là 'cua Hoff' (Kiwa tyleri) đánh nhau giành vị trí quanh những nơi trông giống như ống khói, được tạo ra ở nơi nước nóng dữ dội đưa các khoáng chất từ dưới bề mặt Trái Đất lên.

Cuộc sống trên cao

Từ đáy biển cho tới đỉnh núi cao, bạn có thể tưởng tượng ra là hẳn phải có một số những thách thức hoàn toàn khác nhau. Nhưng nhiệt độ thì thay đổi theo độ cao; trên các đỉnh núi cao, nhiệt độ có thể lạnh tới mức làm đông cứng da thịt nếu để lộ ra.


Đó là lý do khiến bò lông yak (tên khoa học là Bos mutus) khoác trên mình một lớp lông dày; độ dày gấp đôi so với lớp lông măng bên dưới lớp lông dài của nó giúp cho những vùng quan trọng trên cơ thể được giữ ấm, chẳng hạn như vùng ngực.

Thậm chí với lớp lông bên ngoài đầy ấn tượng, bò lông không thể sống khi lên độ cao trên 5.500m, bởi càng lên cao, không khí càng loãng đi.

Áp suất không khí thấp có nghĩa là có ít oxy hơn, cho nên các loài sống trên cao sẽ cần phải đạt được những ưu thế thể chất nhất định mới có thể tận dụng được tối đa những điều kiện sẵn có ở xung quanh. Lá phổi lớn, những cơ bắp được chuyên môn hoá chính là các bí quyết thành công của loài vật có thể coi là bay được cao nhất thế giới: ngỗng đầu sọc (tên khoa học là Anser indicus).

Chim di cư có những kỹ năng đặc biệt giúp chúng có khả năng đi từ nơi này sang nơi khác trên thế giới. Xuất sắc nhất trong đó là những con ngỗng bay ngang qua Himalaya hàng năm. Loài chim này được ghi nhận là giữ kỷ lục bay qua Đỉnh Everest ở độ cao 30 ngàn bộ (trên 9.100 mét), tuy chúng thường chọn một tuyến đường bay 'dễ dàng hơn', đó là bay ngang qua các hẻm núi, nơi có độ cao khiến các nhà leo núi cảm thấy không thở nổi.

Điều thực sự gây kinh ngạc là những con chim này có thể nâng độ cao từ 4.000 đến 6.000 mét trong thời gian chỉ khoảng 7-8 giờ đồng hồ, nhờ khả năng thích ứng cao của chúng. Các nhà khoa học cho rằng chúng thực hiện cuộc chinh phục đầy tính thể thao này mà không hề kinh qua luyện tập gì trước.

Những thời điểm tự làm mất nước

Chúng ta biết rằng nước là một thành phần thiết yếu đối với sự sống của hầu hết các loài, cho nên những loài sống được ở những môi trường khô hạn nhất trên Trái Đất thực sự đã phải có những thay đổi để thích nghi.

Trong số các loài sống ở sa mạc thì lạc đà là loài điển hình nhất. Cho dù là loại một bướu (Camelus dromedarius) hay hai (C. bactrianus), chúng có thể chịu được nhiệt độ lên tới trên 40 độ C và tự làm mất nước tới mức làm giảm trên 25% tổng trọng lượng cơ thể của chúng.

Bướu lạc đà không phải là nơi chúng dùng để chứa nước - đó là nơi trữ mỡ.

Tuy mỡ trong quá trình trao đổi chất có thể được chuyển biến thành nước, nhưng các loài vật sống trong điều kiện khô hạn sẽ mất quá nhiều nước khi chúng phải thở để có đủ oxy phục vụ cho quá trình trao đổi chất đó. Cho nên thay vì vậy, mỡ được dùng để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể khi thực phẩm trở nên khan hiếm.

Mỡ cũng bảo vệ lạc đà khỏi cái nóng từ mặt trời, do mô mỡ chậm rãi chuyển hoá để tạo ra nhiệt, và bằng cách trữ hầu hết lượng mỡ của cơ thể vào phần lưng, lạc đà sẽ chống nóng tốt hơn. Cho nên bướu lạc đà có thể coi như những tấm cách nhiệt cho các buổi picnic thay vì là bình giữ nhiệt.

Trong lúc ta khó có thể phớt lờ bướu lạc đà, thì một số đặc tính tuyệt vời nhất của loài động vật này lại nằm bên trong cơ thể chúng.

Trong quá trình tìm hiểu về sự tiến hoá của lạc đà, các khoa học gia đã xác định được những cơ cấu sinh lý học khiến chúng có những thay đổi thích nghi với đời sống trong môi trường sa mạc.

Do thận và ruột của chúng hoạt động rất hiệu quả, lạc đà mất rất ít nước qua đường chất thải. Chúng thỉnh thoảng mới đi tiểu; nước tiểu của chúng vô cùng đặc, và phân thì cực kỳ khô. Các tế bào hồng cầu trong máu của chúng cũng đặc biệt tiến hoá để thích nghi với tình trạng tự làm mất nước: chúng có thể tăng lên tới 240% so với thể tích ban đầu, trong lúc ở các loài động vật khác thì chỉ cần vượt quá mức 150% là mạch máu đã nổ tung.

Các tế bào hồng cầu của lạc đà cũng nhỏ hơn, có hình dáng oval, và điều đó giúp cho chúng lưu thông dễ dàng hơn, ngay cả khi máu bị đặc lại do cơ thể chúng rơi vào tình trạng tự làm mất nước một cách triệt để

Với hầu hết các loài có sức sống mãnh liệt nhất, bí kíp sinh tồn trong những điều kiện khắc nghiệt chính là máu.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn