Vệ tinh do thám phát hiện rừng thiêng ở Ethiopia

Chủ Nhật, 23 Tháng Sáu 20191:00 SA(Xem: 4803)
Vệ tinh do thám phát hiện rừng thiêng ở Ethiopia
bbc.com

Vệ tinh do thám phát hiện rừng thiêng ở Ethiopia

Sarah Hewitt BBC Travel

Sarah Hewitt Bản quyền hình ảnh Sarah Hewitt

Đám trẻ đang nghe chuyện kể bên dưới bóng cây bách xù trong khu rừng nhỏ của nhà thờ gần Debre Tabor ở miền bắc Ethiopia. Ba phụ nữ đi bộ dọc theo con đường, tiếng chuyện trò của họ chen qua tàng cây dày lá khi nhóm chúng tôi, gồm 12 người nước ngoài, tiến lại gần.

Đám trẻ phát hiện ra chúng tôi ngoài bìa rừng, chúng chạy theo con đường bụi mù, trèo lên một bức tường đá thấp, chui dưới tàng cây và tò mò tiến lại gần chúng tôi.


Tôi đang đi cùng với một nhóm nhà nghiên cứu do nhà sinh thái học, tiến sĩ Catherine Cardelús từ Đại học Colgate ở New York và Bernahu Tsegay từ Đại học Bahir Dar của Ethiopia dẫn đầu. Họ tới đây để tìm hiểu về hệ sinh thái của khu rừng.

Trong khi đó, những đứa trẻ ở đây đã là chuyên gia về nơi này. Chúng hiểu từng mét đất trong rừng. Chúng lớn lên giữa những bóng cây này, đây là khu rừng duy nhất chúng từng biết.

Tôi đang đứng ở một 'rừng thiêng'. Có hơn 1.000 khu rừng như vậy nằm rải rác khắp nơi trong tình trạng gần như hoàn hảo, mỗi nơi che chở cho một ngôi nhà thờ Chính Thống giáo của người Ethiopia nằm chính giữa rừng.

Những cụm cây nhỏ, đan chen khăng khít này nằm cách nhau khoảng 2km, đủ để đảm bảo rằng người dân địa phương không bao giờ sống xa rừng, vốn là tập quán ăn sâu vào đời sống văn hóa và tâm linh của họ.

Rừng cũng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nơi gặp gỡ và là trường học, nơi tổ chức nghi lễ tôn giáo, nghi lễ chôn cất và thậm chí là nơi tắm gội, và là nơi duy nhất có bóng râm trong hàng dặm đường.

Mặc dù một số khu rừng thiêng khá dễ tiếp cận, như các khu rừng ốc đảo ở Hồ Tana mà du khách có thể đến thăm bằng cách đi tàu du lịch nửa ngày từ thành phố Bahir Dar, nhưng ở vùng nông thôn núi cao miền nam Gondar, phía đông Bahir Dar, nơi tôi đang đến thăm, người ta khó tìm thấy những khu rừng nhà thờ hơn.

Mỗi đốm xanh đều nổi bật lên giữa cảnh quan vì đó là một trong số ít những cây xanh còn sót lại ở quốc gia từng trải qua tình trạng phá rừng tràn lan.

Một số khu rừng nay đã hơn 1.000 năm tuổi, và những cây quý giá này thoát nạn nhờ được bảo tồn ăn theo - nghĩa là việc bảo tồn chỉ là kết quả ăn theo nhờ vào hoạt động coi sóc tôn giáo.

Nhưng những khu rừng này nhỏ và đang bị đe dọa vì những con đường xâm lấn, nhà cửa và cánh đồng nông trại. Nghịch lý là con người vừa là người bảo tồn rừng, vừa là mối đe dọa lớn nhất cho tương lai khu rừng.

Một giáo sĩ xuất hiện ở bìa rừng và lắng nghe người phiên dịch của chúng tôi giải thích rằng chúng tôi đến để tìm hiểu về mối quan hệ giữa cư dân bản địa và những khu rừng họ thờ phụng bên trong. Ông gật đầu, chúng tôi theo ông đi trên con đường đất vào bóng mát trong rừng, để lại sau lưng cái nóng khó chịu của những cánh đồng nông trang bên ngoài.

nhà thờ ở Ethiopia, mỗi khu rừng đều có một nhà thờ Chính thống Giáo ở chính giữa, là nơi duy nhất có bóng râm trong hàng dặm đường

Diện tích trung bình của những khu rừng này chỉ rộng khoảng bằng năm sân bóng đá, vì vậy chúng tôi chỉ mất vài phút để đi từ bìa rừng đến nhà thờ giữa rừng.


Cả khu rừng có một vòng tròn cây trồng tạo thành hình dạng như bánh rán doughnut xung quanh khu vực trống giữa rừng.

Một bức tường đá bao quanh khoảng đất trống và một nhà thờ hình tròn hiện diện chính giữa với một cây thánh giá hoa mỹ trên đỉnh nhà thờ, màu sắc của quốc gia, màu đỏ, vàng, xanh thể hiện đậm nét trên mái nhà thờ.

Sau này, tôi được biết rằng khoảng cách biểu tượng giữa nhà thờ và bức tường thường được miêu tả là 'bằng 40 lần độ dài cánh thiên thần'.

Vị giáo sĩ giải thích rằng các khu rừng thiêng liêng vì mỗi nhà thờ lưu giữ một tabot ở trung tâm nhà thờ, thứ được cho là bản sao của Hòm Chứng Ngôn nguyên bản (là rương gỗ nạm vàng chứa Mười Điều Răn thiêng liêng của Do Thái giáo và Ki-tô giáo).

Sự tôn nghiêm của mỗi tabot tỏa ra bên ngoài trung tâm, vì vậy càng vào gần sát nhà thờ càng có cảm giác linh thiêng hơn. Với cây cối cũng vậy - cây cối được coi như "phục sức" của nhà thờ, là một phần của nhà thờ. Đó là lý do vì sao chỉ có một vòng cây nhỏ - gần nhất với nhà thờ - là được bảo tồn, tạo thành một khu rừng tí hon, với những cánh đồng nằm sát ngay ngoài bìa rừng.

Tuy nhiên, những khu rừng nhỏ lại dễ bị tác động bởi con người và những tác động tự nhiên hơn, và vùng này đã trải qua tình trạng phá rừng trên diện rộng trong vài thập niên qua.

Ngày nay, chỉ có khoảng 5% diện tích Ethiopia có rừng che phủ, so với khoảng 45% khoảng một thế kỷ trước. Mặc dù hầu hết cây giữa những cánh rừng đã biến mất, nhưng ngay cả những khu rừng thiêng cũng bị tác động gián tiếp.

Ngồi khoanh chân ở bìa rừng cùng với nhà địa lý của nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Peter Scull, chúng tôi quan sát một nông dân điều khiển chiếc xe bò trên cánh đồng gần đó.


Scull cho tôi biết nhóm nghiên cứu đã sử dụng con đường từ những bức ảnh lịch sử để đánh dấu vị trí của những khu rừng này, đo đạc kích thước và xác định chính xác xem cảnh quan đã thay đổi ra sao trong thế kỷ vừa rồi. Hóa ra nhiều công nghệ phát triển cho mục đích chiến tranh giờ lại đang giúp cung cấp thông tin cho dự án bảo tồn những khu rừng nhà thờ.

Scull giải thích rằng vào cuối thập niên 1930, quân đội Ý xâm lăng đã chụp những bức không ảnh về khu vực này và lưu trữ ảnh trong các hộp đạn dược khi rút quân vào năm 1941. Người ta không tìm ra những tài liệu này mãi đến năm 2014, khi 8.000 bức ảnh xuất hiện trong tầng hầm của Cơ quan Đo đạc Bản đồ Ethiopia ở Addis Ababa.

Sau Thế Chiến Thứ Hai, vào thập niên 1960, chương trình vệ tinh Corona của Hoa Kỳ cũng bay qua khu vực này.

Chương trình Corona là vệ tinh do thám trinh sát bằng hình ảnh đầu tiên của Hoa Kỳ được phóng trong thời đỉnh điểm Chiến Tranh Lạnh, nhằm thăm dò những khu vực có thể là địa điểm phóng tên lửa của Liên Xô.

Cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton giải mật những hình ảnh này vào năm 1995, và khi so sánh những hình ảnh lịch sử với hình ảnh hiện đại trên Google Earth, các nhà khoa học nhận thấy ranh giới của khu rừng đã không bị thu hẹp; thậm chí một số khu rừng trên thực tế lại còn mở rộng thêm nhờ vào việc trồng cây bạch đàn ngoại lai để lấy gỗ.

Nhưng những bức ảnh cho thấy cây cối và cây bụi thực sự đã từng mọc bên ngoài khu vực rừng. Chúng có tác dụng như một vùng đệm bảo vệ cây cối trước tình trạng bị gió, bị xói mòn và những thay đổi nhiệt độ, độ ẩm.

Tuy nhiên trong vài thập niên vừa qua, cây cối ở vùng đệm đã bị dọn dẹp để lấy gỗ xây nhà và làm củi, còn đất đai bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp. Không còn vùng đệm chuyển đổi từ rừng đến đồng ruột nữa; nó đã hoàn toàn biến mất.

Những bức ảnh cũng tiết lộ nơi từng có tán rừng phủ kín giờ đây đã có lỗ hổng ánh mặt trời xuyên qua ở những khu vực lẽ ra là tàng cây. Và ngày càng ít cây giữa các khu rừng, khiến mỗi khu rừng giờ đây trở thành nơi lưu trú bị cô lập của cây cối và muông thú. Từ trên không nhìn xuống, những tán rừng xanh trông như những kẻ sống sót chen chúc nhau tìm chỗ nương tựa.

Tuy nhiên, những bức không ảnh không thể cho thấy rõ có những loại cây đang sinh trưởng, có bao nhiêu loại cây giống trong rừng, liệu đất đai có đủ màu mỡ cho cây hay không, và mức độ gây tổn hại mà con người gây ra thế nào. Để tìm hiểu những điều đó, bạn cần đi thực địa.

Suốt cả ngày, các nhà nghiên cứu thu thập mẫu lá và đất từ các loài như cây anh đào Châu Phi, một loài cây tán rộng mở, cây bách xù (Juniperus procera), là loài cây lá kim Châu Phi, một loại cây bản địa mọc chậm trước đây thường được trồng quanh khu vực xây nhà thờ.

Đám trẻ tụ tập quanh chúng tôi, ban đầu còn bẽn lẽn nhưng sau chúng gọi tên các cây bằng tiếng Amhara và cười vang khi chúng tôi cố gắng đọc lại từ đó theo. Một vài em hỏi liệu đây có phải khu rừng đẹp nhất chúng tôi từng thấy không.

Tuy nhiên, chúng tôi không phải đang ở giữa rừng mưa nhiệt đới xanh mướt hay rừng lá kim bất tận của Bắc Mỹ.

Những khu rừng như thế này, nơi có rất nhiều cấu trúc do con người xây dựng như đường đi, nhà cửa và khu đất trống, lại có rất nhiều những loại cây thân cỏ dày đặc khiến cách loài khác không thể sinh trưởng, và có quá nhiều loại cây ngoại lai mọc lấn át các loài thực vật bản địa.

Những khu rừng vẫn đang tồn tại nhưng tình trạng của chúng không tốt lắm. Những thế hệ trẻ thơ vẫn chạy ra chạy vào vui chơi, nhưng tới khi chúng lớn lên, bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ quản lý rừng thì không biết đó nơi đây sẽ còn sót lại những gì.

Một khu rừng khỏe mạnh cần phải có tán rừng dày đặc và cây con sinh trưởng ở thảm thực vật bên dưới.

"Một số khu rừng chúng tôi ghé đến có rất nhiều cây to tuyệt đẹp, hoành tráng," nhà sinh thái học tiến sĩ Carrie Woods chỉ tay lên tán rừng, "nhưng vấn đề là khi nhìn xuống dưới thì ta chỉ thấy toàn cát và đá." Ở một số khu rừng, không hề có thế hệ cây non.

Dù những khu rừng không sinh trưởng mạnh mẽ nhưng Cardelús cho rằng chúng cũng không suy tàn như người ta vẫn lo sợ.

Một số giáo xứ đang thực hiện những bước giúp tăng cường sức khỏe rừng bằng cách xây thêm lớp tường đá thấp bao quanh quanh khu vực bên ngoài rừng để tránh tình trạng gia súc ăn cỏ. Điều này có ít nhiều tác dụng, khiến những cụm cây con phát triển nhiều hơn.

Các giáo xứ cũng tận dụng chương trình từ chính phủ để có thêm cây con miễn phí. Không may thay, những cây giống này lại thường là loại cây ngoại lai như bạch đàn, và chúng phát triển mạnh, lấn át những loài cây bản địa sinh trưởng chậm.

Cây bạch đàn mọc đầy bìa rừng thiêng và đã trở thành trung tâm của nền kinh tế. Trong một quốc gia cần đến gỗ để làm củi và xây dựng, cây bạch đàn rất được ưa chuộng, và rốt cuộc thì người ta phải đối mặt với lựa chọn khó khăn khi phải cân bằng khao khát bảo tồn phát triển các loài cây bản địa với nhu cầu trồng loại gỗ sinh trưởng nhanh để thu hoạch.

Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã đến thăm 44 khu rừng thiêng ở miền Nam Gondar, đi bộ lên những sườn đồi bụi bặm, lội qua suối và cánh đồng đến những đỉnh núi nơi họ phỏng vấn các cha xứ về việc quản trị tôn giáo của họ với khu rừng, và thu thập đất và mẫu lá cây để đo đạc độ đa dạng sinh học.

Cardelús hy vọng rằng thông tin mà họ thu thập sẽ giúp chiến lược bảo tồn tiếp tục phát triển, giống như việc bắt đầu chăm sóc cây con bản địa, loại bỏ các loài độc hại hoặc cỏ dại, và giới hạn việc xây dựng thêm bên trong rừng.

"Nhưng cuối cùng," Cardelús cho biết, "nghiên cứu của chúng tôi cho thấy công tác bảo tồn ăn theo thực sự hiệu quả."

"Dân địa phương là những người cần những khu rừng này, và họ là những người bảo tồn rừng. Vì vậy, ta nên tôn vinh những gì cư dân bản địa đã thực hiện, giúp họ làm tốt hơn và hỗ trợ việc bảo tồn bên lề ở những nơi khác."

Vào cuối chiều muộn, sự háo hức với vai trò du khách của chúng tôi dần tan đi.

Một người chăn cừu, trên tay vẫn cầm gậy, chụp ảnh với chúng tôi bằng chiếc điện thoại nắp gập của ông.

Cardelús cảm ơn vị giáo sĩ và một lần nữa, đám trẻ chạy theo chúng tôi. Một cậu bé nhỏ rút từ trong túi ra một chiếc sáo tự làm, như chàng thổi tiêu, và dẫn chúng tôi rời khỏi khu rừng, đi băng qua cánh đồng.

Rõ ràng là tinh thần cộng đồng và đời sống bản địa đã gắn chặt với những cây cối này.

Dù chúng chỉ là những khu rừng nhỏ và nhiều can thiệp của con người, thì sự gắn bó về văn hóa với một nơi - được thờ phụng, mọi người đi lại và thu hoạch trong hàng trăm năm qua - đã là công cụ bảo tồn giúp khu rừng tồn tại.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn