Số phận của công ty Trung Quốc chuyên làm nhái Apple: Mở tới 6.000 cửa hàng rồi cũng phải đóng cửa

Chủ Nhật, 16 Tháng Sáu 20193:00 CH(Xem: 5605)
Số phận của công ty Trung Quốc chuyên làm nhái Apple: Mở tới 6.000 cửa hàng rồi cũng phải đóng cửa

Trong những năm gần đây, sự cạnh tranh thị trường điện thoại di động của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn cực kỳ khốc liệt và gay gắt. Tuy nhiên khác với các quốc gia khác, các thương hiệu đang tham gia cạnh tranh đều đến từ những công ty nội địa và thị phần của các thương hiệu này chiếm phần lớn, thậm chí áp đảo các thương hiệu quốc tế. Điện thoại di động Apple, vốn từng được người tiêu dùng nước này "cung phụng", thậm chí gắn liền với thuật ngữ "bán thận" cũng dần trở nên phai nhạt. Nhưng trong cuộc chiến khốc liệt này, nhiều thương hiệu điện thoại nhỏ khác của Trung Quốc cũng dần bị mai một và trở nên nhạt nhòa trong trí nhớ của nhiều người.

Một trong số này là Nieche (Ni Thải), công ty từng nổi tiếng với chiến lược kinh doanh nhái theo các sản phẩm của Apple. Từng có thời gian, thương hiệu điện thoại này được gọi là "vua của mọi nhà", mở tới 6.000 cửa hàng trên khắp Trung Quốc.

Số phận của công ty Trung Quốc chuyên làm nhái Apple: Mở tới 6.000 cửa hàng rồi cũng phải đóng cửa - Ảnh 1.

"iPhone4" chỉ có giá 399 nhân dân tệ (khoảng 1,3 triệu đồng), một quảng cáo gây xôn xao dư luận của Ni Thải trong quá khứ.

Ni Thải được khai sinh ở Hong Kong và bắt đầu bằng cách bắt chước các sản phẩm của Apple, chủ yếu là iPhone. Khi điện thoại di động của Apple bắt đầu xuất hiện tại thị trường Trung Quốc, nó đã tạo ra một trào lưu. Khi đó, nhiều thương hiệu khác cũng bắt chước và mô phỏng iPhone. Ni Thải là một trong số đó và cũng là công ty "ăn theo" nhiệt tình nhất. Nhà sản xuất này thậm chí "đạo" cả logo quả táo cắn dở của Apple và định hình bằng các sản phẩm điện thoại di động với giá rất thấp.

Mặc dù cấu hình của Ni Thải và Apple không thể so sánh với nhau nhưng ngoại hình giống tới 90%. Bất chấp việc cấu hình thấp, sản phẩm của công ty này vẫn được người dùng đón nhận một cách nhiệt tình. Chỉ trong 8 tháng từ khi bắt đầu kinh doanh, doanh số của công ty đã vượt quá 3 triệu chiếc, vượt xa hầu hết các thương hiệu điện thoại di động trên thị trường vào thời điểm đó.

Sau các thành công bước đầu, công ty này bắt đầu xem xét cải thiện hình ảnh thương hiệu của mình. Việc này được thực hiện thông qua một loạt các chiến lược tiếp thị. Ni Thải đã mời cả ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Vương Bảo Cường và ngôi sao điện ảnh Hong Kong Trương Tử Lâm làm đại sứ thương hiệu. Hướng đi này nhanh chóng nâng cao danh tiếng cho thương hiệu. Kể từ đó, Ni Thải được người dân ở các thị trấn, thành phố cấp 3, cấp 4 ở Trung Quốc đón nhận nhiệt tình. Có thể nói, công ty đã có vị thế rất vững chắc trên thị trường.

Số phận của công ty Trung Quốc chuyên làm nhái Apple: Mở tới 6.000 cửa hàng rồi cũng phải đóng cửa - Ảnh 2.

Hơn 6.000 cửa hàng bán smartphone của Ni Thải rồi cũng chỉ là quá khứ.

Tuy nhiên, lên càng nhanh nên công ty này cũng không mất nhiều thời gian để xuống dốc. Có nhiều lý do giải thích cho việc này. Ví dụ, các vấn đề về chất lượng của điện thoại di động do Ni Thải sản xuất chưa được giải quyết. Qua thời gian, cấu hình và hiệu suất của các sản phẩm quá thấp để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng. Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của các thương hiệu điện thoại di động trong nước khác. Lợi thế giá thấp của Ni Thải dần biến mất. Công ty này trên thực tế không có khả năng và công nghệ để phát triển sản phẩm. Tất cả dẫn tới sự sụt giảm doanh số cực mạnh và không có cách nào cứu vãn.

Chỉ trong bốn năm, 6.000 cửa hàng và nhà máy của Ni Thải đã phải đóng cửa. Thương hiệu này cũng nhanh chóng biến mất khỏi tâm trí và bị người dùng lãng quên. Thay vào đó, những thương hiệu điện thoại di động khác như Huawei, Oppo, Vivo… đã trỗi dậy. Chúng được người tiêu dùng nhớ đến với các diện mạo mới đầy phong cách và hàng loạt tính năng sáng tạo.

Trên thực tế, Huawei, Oppo hay các thương hiệu điện thoại nổi tiếng ngày này cũng có thời gian đi lên thông qua việc bắt chước đối thủ. Bởi ban đầu, các công ty này không có đủ sức mạnh và điều kiện kỹ thuật, chỉ có thể dựa vào các sản phẩm mô phỏng để giành thị trường. Nhưng sau khi tăng quy mô và doanh thu, các công ty này dừng việc bắt chước và tăng cường vào đầu tư công nghệ và phát triển sản phẩm. Đại diện tiêu biểu nhất trong số này là Huawei. Huawei chi rất nhiều tiền mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển, để giờ đây biến thành một công ty công nghệ khổng lồ. Xiaomi và Oppo cũng đang đi trên con đường này, một cách chậm rãi và vững chắc.

Ni Thải đã bị lãng quên, là minh chứng cho việc không chịu thay đổi và chú ý tới nghiên cứu phát triển. Kết cục của nó chỉ có thể là bị loại bỏ, một cách vĩnh viễn.

Tham khảo Sohu

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn