'Như bị giam cầm' - trải nghiệm trên chiếc Air Force One của TT Trump

Chủ Nhật, 02 Tháng Sáu 20191:00 CH(Xem: 5431)
'Như bị giam cầm' - trải nghiệm trên chiếc Air Force One của TT Trump

Các quan chức đương nhiệm và đã nghỉ việc mô tả nỗi khổ sở họ phải chịu đựng trên chiếc Air Force One khi tháp tùng ông Trump trong các chuyến công du nước ngoài.

Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần này đã khởi động mùa hè bận rộn khi ông sẽ lần lượt đi đến năm quốc gia khác nhau, cũng như "bị giam" trong chuyên cơ Air Force One trong hơn 80 giờ bay ở nước ngoài.

Không phải lúc nào cũng háo hức, ông Trump từng phàn nàn về nhịp độ của các chuyến công du hoặc nơi ở được sắp xếp cho ông ở nước ngoài. Các trợ lý của ông, những người đôi khi sợ bước lên chiếc Air Force One, biết rõ người đứng đầu Nhà Trắng khó ngủ ở chiếc giường nhỏ cạnh mũi máy bay như thế nào.

"Chúng tôi như bị giam cầm", một quan chức nói với CNN về việc đi cùng tổng thống trên Air Force One.

Các quan chức hiện tại và trước đây đã mô tả các chuyến đi là những nỗ lực mệt mỏi trong nhiều giờ, các chuyến bay ở nước ngoài chắc hẳn là điều tệ hại nhất. Thời gian có thể kéo dài gần 20 tiếng. Không gian ngủ có hạn. Tivi mở Fox News liên tục. Và nếu các dòng tít nhấp nháy ở phía dưới màn hình không có lợi cho "sếp" của họ, các trợ lý biết rằng đã đến lúc phải "thắt dây an toàn" để đón "vùng nhiễu động".

'Nhu bi giam cam' - trai nghiem tren chiec Air Force One cua TT Trump hinh anh 1
Ông Trump và cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus trên Air Force One. Ảnh: AP.

Tổng thống Trump đã lên chiếc Air Force One hôm 24/5 cho chuyến bay dài 14 tiếng tới Tokyo và đội ngũ của ông đang chuẩn bị cho một chuyến đi đặc biệt khủng khiếp.

Một sự kiện ngày hôm trước, đáng ra tập trung vào việc hỗ trợ những người nông dân bị ảnh hưởng bởi thuế quan, đã nhanh chóng biến thành một buổi trút giận cho ông Trump, người đã gọi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi của đảng Dân chủ là "điên rồ" và nói rằng đảng Dân chủ đang cố "đâm một nghìn nhát" vào ông.

"Cứ tiếp tục đâm", ông nói trong Phòng Roosevelt tại Nhà Trắng, vây quanh là những người nông dân đội mũ cao bồi.

Câu chuyện này dựa trên các cuộc phỏng vấn với năm quan chức hiện tại và trước đây đã đi cùng ông Trump trên Air Force One. Ông Trump dự kiến đạt mức 36.000 dặm bay trong mùa hè này, bao gồm hai chuyến đi đến Nhật Bản và châu Âu.

Ban đầu thích thú, giờ sợ công tác nước ngoài

Theo CNN, khi Tổng thống Trump nhậm chức, các nhân viên rất hào hứng đi công tác nước ngoài. Song bây giờ, trong năm thứ ba nhiệm kỳ, một số quan chức cho biết họ cố gắng hết sức để tránh các chuyến đi vì tính chất hỗn loạn thường thấy.

Trong các chuyến bay quốc tế, ông Trump thường ở cabin phía trước. Ông làm bốn việc: ăn, xem tivi hoặc đọc báo, nói chuyện với đội ngũ và gọi cho bạn bè hoặc đồng minh ở nhà.

Ông Trump sẽ dành hàng giờ để xem lại tin tức trên truyền hình cáp được thu lại bằng một thiết bị chuyên dụng hoặc chọn báo, tạp chí để đọc từ các thùng được mang lên máy bay. Ông sẽ triệu tập nhân sự đang ngủ đến văn phòng của mình khi hầu hết không gian trên máy bay đã tắt hết đèn, thảo luận về các cuộc gặp sắp tới một cách thiếu kiên nhẫn hoặc phản ứng với những gì ông thấy trên truyền thông.

Ông Trump từ lâu đã khăng khăng rằng ông bị truyền thông đối xử bất công, và nếu ông thấy điều gì đó trên truyền hình làm phiền ông - "điều mà ông luôn luôn thấy", một quan chức châm biếm - ông chỉ thị cho đội ngũ của mình xử lý nó, bất kể họ đang ở Nhà Trắng hoặc bay qua Đại Tây Dương.

Thông thường, thay vì xem qua phát biểu của ông trong các cuộc gặp song phương sắp tới hoặc lướt qua một cuốn sổ tóm tắt, ông Trump sẽ nói mãi về dòng tít tiêu cực ngày hôm đó, khẳng định rằng không ai trong số những người tiền nhiệm của ông bị đối xử như vậy.

'Nhu bi giam cam' - trai nghiem tren chiec Air Force One cua TT Trump hinh anh 2
Ông Trump bước xuống từ Air Force One. Ảnh: AP.

"Ông ấy sẽ không đi ngủ"

Một lần, khi một nhân viên tranh thủ chợp mắt vài tiếng trước khi máy bay hạ cánh, Tổng thống Trump đã cử một phụ tá khác đến đánh thức họ để ông có thể thảo luận về một vấn đề trong đầu.

"Ông ấy sẽ không đi ngủ," một người nói.

Ông Trump thỉnh thoảng uống thuốc ngủ, bác sĩ của ông nói với các phóng viên năm ngoái. Song ông không bao giờ ngủ nhiều - bốn hoặc năm giờ mỗi đêm tại Nhà Trắng - và thậm chí khi đi máy bay còn ngủ ít hơn, theo những người đi cùng ông.

Thay vào đó, ông sẽ kiếm nhiều người tới nói chuyện hàng giờ liền, dù nhân viên khuyến khích ông nghỉ ngơi cùng đệ nhất phu nhân Melania Trump trong cabin riêng. Và các cuộc trò chuyện không phải lúc nào cũng liên quan đến công việc - vị tổng thống sẽ hỏi đố các nhân viên về thể thao hoặc hỏi về các chuyện phiếm.

Trong bất kỳ chính quyền nào, đi nước ngoài luôn là công việc gian khổ thường gây ra jet-lag kéo dài và tình trạng thiếu ngủ. Ngoài phòng ngủ của tổng thống, Air Force One không được trang bị loại ghế nằm phẳng đang phổ biến trong các khoang thương gia.

Khi nhân viên có thể đi ngủ, tìm được không gian thích hợp là cả một vấn đề. Vì không có chỗ ngủ được chỉ định, họ yêu cầu những chiếc ghế bành cỡ nhỏ hoặc ngả người trên ghế văn phòng và tựa chân lên bàn. Một số nằm lăn trên sàn của phòng họp hoặc trên băng ghế da dọc theo mặt bên của máy bay, và các nhân viên nhiều kinh nghiệm hơn mang theo thảm yoga để trải ra nằm cho êm.

Giảm thiểu thời gian ở nước ngoài

Sau hai chuyến công du marathon trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump sau này chỉ chọn một hoặc hai nước cho một lần đi, gói gọn các cuộc gặp và sự kiện trong vài ngày để giảm thiểu thời gian ở nước ngoài.

Lịch trình của ông Trump hiếm khi có các cuộc gặp ngay khi ông đến một nước nào đó. Thay vào đó, ông thích về thẳng khách sạn, dù chỉ ở vài tiếng. Trong khi các tổng thống trong quá khứ thích bay qua đêm, ông Trump thường đến nơi vào ban đêm và bắt đầu các cuộc hội đàm vào ngày hôm sau.

Các trợ lý và bạn bè mô tả ông là một du khách thiếu kiên nhẫn, một người không đặc biệt thích trải nghiệm các nền văn hóa nước ngoài và thay vào đó thích ngủ trên giường của mình.

Một trong những lo ngại của ông khi ở ngoài nước quá lâu là việc xa rời các cuộc thảo luận chính trị ở quê nhà. Điều đó chỉ trở nên trầm trọng hơn sau khi liên tiếp những diễn biến quan trọng trong các cuộc điều tra khác nhau xoay quanh ông Trump thường xảy ra khi ông ở nước ngoài. Giữa các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên tại Hà Nội hồi đầu năm nay, ông Trump phải nghe tin tức về luật sư cũ, Michael Cohen, đưa ra những lời khai bất lợi cho ông.

Ông cắt ngắn chuyến đi vào phút chót, như ông đã làm ở Singapore năm 2017 sau khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên lần đầu. Và ông đã khiến các nhân viên phải "vắt chân lên cổ mà chạy" khi yêu cầu thay đổi lịch trình đã được bàn bạc và thông qua từ lâu.

'Nhu bi giam cam' - trai nghiem tren chiec Air Force One cua TT Trump hinh anh 3
Ông Trump trò chuyện với phóng viên trên Air Force One. Ảnh: AFP/Getty.

Không ăn cá còn đầu

Từng là người kinh doanh khách sạn, ông Trump đã hơn một lần mắng mỏ nhân viên vì chỗ ở mà ông cho là không thỏa đáng. Trong một chuyến đi nước ngoài, sau khi phát hiện ra rằng kênh Fox News yêu thích của ông không có sẵn tại khách sạn, Cơ quan Truyền thông Nhà Trắng đã sắp xếp một dịch vụ phát trực tuyến cho phép ông theo dõi các chương trình yêu thích. Ông thường yêu cầu nhiều tivi trong phòng, tùy thuộc vào kích thước của không gian, một nguồn tin cho biết.

CNN cho biết trước một số chuyến đi trước đây của ông với tư cách tổng thống, các đội tiền trạm phải đảm bảo rằng chính phủ sở tại chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh phục vụ ông Trump những món ăn có vẻ thách thức, chẳng hạn như cá vẫn còn đầu.

Ông Trump thích các chuyến đi mà ông là khách mời danh dự thay vì các cuộc gặp thượng đỉnh có trong lịch trình của bất kỳ tổng thống Mỹ nào. Tại các hội nghị G-7 và G-20 hàng năm, ông Trump cảm thấy bị các nhà lãnh đạo khác bắt bẻ, theo các quan chức chính quyền.

Thích hơn cả với ông Trump là các chuyến thăm cấp nhà nước nơi mà các lãnh đạo nước ngoài dành sự tiếp đón trọng thị nhất cho ông.

Đó là điều diễn ra khi ông Trump đến Tokyo cuối tuần này, trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài tại Nhật sau lễ đăng cơ của vị hoàng đế mới. Điều đó sẽ lặp lại vào tuần sau khi ông tới London trong chuyến thăm cấp nhà nước bị trì hoãn lâu nay theo lời mời của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Ông Trump xem cả hai chuyến thăm như một đặc quyền đặc biệt, theo các quan chức chính quyền, mặc dù các quan chức và nhà phân tích Nhật nói rằng bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng có thể được mời thăm Nhật sau khi Nhật hoàng Naruhito lên ngôi vì tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Nhật với Mỹ.

Tuy nhiên, ông Trump xem các chuyến thăm là những dự án đầu tư quan trọng hơn cả cuộc gặp G-20 diễn ra sau đó trong mùa hè này, cũng tại Nhật Bản. Dù vậy, ông cũng tỏ rõ sự quan tâm đến cuộc gặp G-20 bằng việc lên kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề, cũng như sắp xếp một chuyến thăm Seoul sau đó.

Trong khi đó Nhà Trắng chưa công bố về việc Tổng thống Trump liệu có tham dự G-7 năm nay tại Pháp hay không. Ông từng do dự khi quyết định tham dự cuộc gặp năm ngoái được tổ chức bởi Canada.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn