Facebook áp lực khiến ta phải 'ăn chơi sành điệu'?

Thứ Tư, 08 Tháng Năm 201911:00 SA(Xem: 4581)
Facebook áp lực khiến ta phải 'ăn chơi sành điệu'?
bbc.com

Facebook áp lực khiến ta phải 'ăn chơi sành điệu'?

Rajeshni Naidu-Ghelani BBC Capital

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Chỉ vài tuần trước kỳ nghỉ đi Ireland cùng chồng, cô Visage Vijay phải quyết định xem liệu có nên mua sắm mạnh tay trong kỳ nghỉ này hay không.

Người khác tiêu tiền

Cô đang lưỡng lự không biết có nên bỏ ra 3.000 đô la mua chiếc túi Chanel đầu tiên của mình không, sau khi nhìn thấy bạn bè và những người nổi tiếng đeo nó trên Instagram.

"Tôi bị ám ảnh phải có một chiếc ví Chanel, cho nên đó là món mà tôi phải mau chóng mua," người phụ nữ 37 tuổi này nói. "Khi lên Instagram, tôi rất thích túi xách tay."


Đây không phải là lần đầu tiên người quản lý an toàn dược phẩm ở Toronto này bị cái hình đăng trên Instagram lôi cuốn đến nỗi phải móc hầu bao.

Cô cũng từng tiêu số tiền tương tự để mua chiếc túi xách Prada trong chuyến đi Ý hồi năm 2017.

Tất cả những gì cô làm - từ đi nghỉ cho đến đi ăn ở nhà hàng sang trọng, đăng ký lớp học hay mua quần áo - đều có liên hệ gì đó với những gì cô thấy trên các nền tảng mạng xã hội.

"Ngay cả khi tôi nhìn thấy món gì đó mà tôi thích ở những nơi khác, tôi cũng có xu hướng dò hashtag (từ đánh dấu) trên Instagram để xem những người khác đã đăng gì trên đó," Vijay nói.

"Nó không giống như quảng cáo. Nó cho thấy những con người thật đang làm việc thật. Do đó tôi bị ảnh hưởng khi thấy những gì họ làm và làm theo họ bởi vì có vẻ như là họ yêu thích những việc đó."

Tuy nhiên, niềm vui đó đi kèm với việc phải trả giá.

Một nghiên cứu mới đây của các giáo sư tại Đại học California và Đại học Toronto cho thấy mọi người có xu hướng chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn bởi vì họ chỉ nhìn thấy người khác chi tiêu như thế nào chứ không phải họ tiết kiệm như thế nào, và mạng xã hội đã làm cho điều này trở nên trầm trọng hơn.

Nó tạo ra một cảm giác không chính xác, được gọi là thiên kiến, do những gì được nhìn thấy mà các nhà nghiên cứu cho là đang thay đổi thói quen tiêu thụ của chúng ta.

Long lanh trên mạng xã hội

David Hirshleifer, một trong những tác giả của nghiên cứu này và là giáo sư Trường Kinh doanh Merage thuộc UC Irvine, nói thiên kiến do những gì được nhìn thấy bắt nguồn từ cách chúng ta tương tác với bối cảnh xã hội.


Con người có xu hướng nói về những điều mà họ đang làm, ông giải thích, và điều này có nghĩa là chúng ta tập trung vào tiêu dùng hơn là phi tiêu dùng.

"Nếu tôi gặp trực tiếp bạn bè tại nhà họ thì tôi có thể nhìn thấy họ uống tách cà phê rẻ tiền hay mặc quần áo bình dân," Hirshleifer nói. "Nhưng nếu xem tài khoản mạng xã hội của họ thì sẽ thấy họ đăng toàn những thứ về nhà hàng đắt tiền mà họ đi ăn hay những chuyến đi thú vị."

Ông nói rằng bất cứ dạng thức giao tiếp phi trực tiếp nào cũng tạo ra thiên kiến do nhìn thấy mạnh hơn.

Thiên kiến do nhìn thấy đang ngày càng thúc đẩy các xu hướng mua sắm, do những cách thức giữ liên lạc đã trở nên rẻ tiền hơn và đa dạng hơn.

"Chi phí liên lạc đường dài giảm xuống, sự xuất hiện của truyền hình cáp và ngay sau đó là sự ra đời của Internet đã càng làm tăng khả năng chúng ta quan sát thói quen tiêu dùng của người khác," nghiên cứu cho biết.

Nhận thức tăng lên về những gì mà người khác làm không chỉ khiến chúng ta chi tiêu nhiều hơn, các chuyên gia nói, mà nó còn dẫn dụ chúng ta đi vào những mặc định không chính xác về tình trạng tài chính của chúng ta và triển vọng tài sản trong tương lai.

Bing Han, một tác giả khác của nghiên cứu và là giáo sư tại Trường Kinh doanh Rotman thuộc Đại học Toronto, nói rằng khi nhắc đến tiết kiệm, mọi người theo dõi các chỉ dấu từ người khác trong các mạng lưới xã hội của mình, bởi vì họ cảm nhận địa vị kinh tế-xã hội của những người đó cũng giống với của bản thân họ.


"Các chỉ dấu từ bạn bè tôi về cách họ nghĩ về tương lai, hay bất kỳ sự gia tăng thu nhập nào và hành động kết quả đều cho tôi những chỉ dấu về tương lai của tôi, ông nói.

Tại sao chỉ tiết kiệm được ít?

Cứ mỗi lần bạn đăng tải về món hàng bạn mua hay một trải nghiệm trên mạng xã hội, nó đều có khả năng ảnh hưởng những người theo dõi bạn.

"Nó như là dạng hiệu ứng dây chuyền, khiến cho người khác làm điều gì đó. Nó không cần phải là bạn cảm thấy bị áp lực mà chỉ là họ học được những hoạt động của bạn, thói quen tiêu dùng của bạn," ông giải thích.

"Bạn có một niềm tin như thế, và niềm tin đó cũng liên quan đến họ. Họ cũng áp dụng chiến lược tương tự, cách hành xử tương tự."

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Các tác giả nói rằng thiên kiến do những gì được nhìn thấy qua mạng xã hội càng được khuếch trương bởi vì sự tiêu thụ hiển hiện trên đó.

Stephane Couture, phó giáo sư truyền thông tại Đại học York - Glendon ở Canada, nói văn hóa cổ súy trên mạng xã hội tạo ra một nền tảng để mọi người thể hiện sự chi tiêu của mình.

"Mô hình tiêu thụ đã có sẵn trước khi mạng xã hội xuất hiện: nếu những người xung quanh chúng ta tiêu xài, thì chúng ta cũng có xu hướng tiêu xài nhiều hơn. Thường là mạng xã hội chỉ tăng cường thêm xu hướng đó," Couture nói.

Các tác giả của nghiên cứu cho biết thiên kiến do những gì được nhìn thấy có thể giúp giải thích 'vấn đề hóc búa' là tại sao tỷ lệ tiết kiệm cá nhân ở Mỹ, tức là lượng thu nhập khả dụng mà người Mỹ tiết kiệm, đã giảm xuống kể từ những so với thời thập niên 1980.

Hồi đó, tỷ lệ để dành tiền đạt vào khoảng 10% thu nhập; sau đó nó giảm xuống thấp, còn khoảng 3% vào năm 2007.

Nó cũng cho thấy xu hướng tương tự ở các nước phát triển thuộc OECD. Số liệu thống kê mới nhất của chính phủ Mỹ cho biết tỷ lệ này dao động trong khoảng 6%-7% trong năm 2018, trong lúc nợ cá nhân tiếp tục tăng.

Ăn nhà hàng nhiều hơn

Vijay thừa nhận rằng nếu như không vung tiền cho một chiếc túi xách hàng hiệu mới thì cô có thể tiết kiệm số tiền đó hay tiêu nó cho những mục đích thực tế hơn, chẳng hạn như mua đồ đạc cho căn nhà mới.

"Đôi khi tôi nghĩ thoáng trong đầu là mình đang chi tiêu vô lối," cô nói. "Nhà tôi thì cũng hơi cũ rồi. Nếu cần sửa chữa gì thì có lẽ chúng tôi cần phải dùng đến khoản tiền tiết kiệm chứ không có sẵn tiền để sửa."

Parth Bhowmick, nhà quản lý tài chính ở Toronto, tin rằng Instagram khiến anh tiêu thêm ít nhất 150 đô la một tháng tiền thực phẩm, bởi vì anh phải đi ăn ngoài từ bốn đến năm lần một tuần. Một trong những người bạn của anh có một tài khoản Instagram chuyên quảng bá các nhà hàng.

"Đôi khi, tôi mở trang của anh ấy rồi thấy anh ấy ở một nhà hàng Tàu. Ở sâu thẳm trong đầu tôi đã gieo vào một ý nghĩ rằng đã lâu rồi tôi chưa ăn đồ Tàu. Có lẽ tôi nên đi ăn," anh nói.

Chàng thanh niên 28 tuổi này nói bắt đầu nó chỉ là tìm kiếm ý tưởng về nhà hàng nhưng sau đó đã phát triển lên thành thói quen đi ăn ngoài một vài ngày trong tuần cùng với bạn gái.

Anh cảm thấy có lẽ anh sẽ đi ăn nhà hàng ít hơn nếu như anh không lên Instagram. Kể từ đó, anh đã tìm cách giảm số lượng các nhà hàng và các tài khoản liên quan mà anh theo dõi.

"Tôi có thể nhận ra rằng điều này đã giảm bớt số lần tôi cảm thấy sự thôi thúc phải đi ăn nhà hàng hay thử đến một nơi mà tôi chưa bao giờ nghe qua."

Tuy nhiên, Bhowmick cho biết anh vẫn ngạc nhiên khi thấy mình đã tiêu bao nhiêu tiền để đi ăn ngoài.

"Tôi nghĩ rằng chi phí ăn nhà hàng cộng dồn lại khi vào cuối mỗi tháng tôi nhìn lại và làm một danh sách tổng hợp các chi tiêu," anh nói. "Điều đó thật sự nhắc nhở tôi rằng mình nên nấu ăn và đừng tiêu tiền nhiều như vậy."

Couture nói rằng chúng ta cần cẩn thận để không bị không gian mạng xã hội đánh lừa.

"Có khái niệm bong bóng màng lọc, theo đó cho rằng vì những người bạn mà chúng ta chọn lựa để kết giao trên mạng xã hội mà chúng ta tạo cho mình một thế giới riêng như bong bóng. Cho nên có một thực tế là bạn bè chúng ta xác nhận những gì mà chúng ta đã tin vào," ông nói.

Nhưng khi nói đến chi tiêu và tiết kiệm, chúng ta cần nên nhìn xa hơn 'thực tế' mạng xã hội đó, ông nói thêm.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn