Việc làm: Pháp vô địch về "quyền bình đẳng" nam nữ

Thứ Bảy, 16 Tháng Ba 20199:00 SA(Xem: 9844)
Việc làm: Pháp vô địch về "quyền bình đẳng" nam nữ

Pháp nằm trong 6 nước đứng đầu thế giới về quyền bình đẳng nam nữ trong việc làm ; vụ « LOL » bạo hành phụ nữ trẻ trên mạng xã hội làm rung chuyển truyền thông Pháp ; Trung Quốc họp Quốc Hội, nữ giới thưa thớt trên thượng đỉnh ; Vatican mở kho lưu trữ bí mật nhiệm kỳ giáo hoàng Piô XII, với hy vọng « soi rọi » nhiều nghi án ; cố ca sĩ Michael Jackson đối mặt cáo buộc ấu dâm. Trên đây là chủ đề chính Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Theo một báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới, công bố hôm 27/02/2019, trên quy mô toàn cầu, phụ nữ mới chỉ được hưởng ba phần tư các quyền so với nam giới, trong lĩnh vực việc làm, hay thành lập doanh nghiệp, cũng như có cơ hội đưa ra các quyết định về kinh tế phù hợp nhất cho bản thân và gia đình. Quyền chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới Kristalina Georgieva cho biết hiện vẫn còn 2,7 tỉ phụ nữ hàng ngày đang phải đối mặt với các trở ngại về pháp lý, khiến họ bị thiệt thòi hơn nam giới.

"Giai đoạn nền tảng"

Phá dỡ các rào cản ngăn phụ nữ vươn lên và thúc đẩy các cải cách tư pháp hướng đến bình đẳng giới về mọi mặt, là một « nỗ lực dài hơi », đòi hỏi quyết tâm chính trị, các phối hợp giữa chính quyền, xã hội dân sự cùng các định chế quốc tế. Việc bình đẳng về mặt các quyền được ghi nhận trong luật pháp không tự động dẫn đến bình đẳng trên thực tế, nhưng đây là một « giai đoạn nền tảng quan trọng », theo quyền chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới.

Báo cáo - tổng kết 10 năm về các nỗ lực trong lĩnh vực này tại 187 quốc gia, mang tên « Phụ nữ, Doanh Nghiệp và Quyền 2019 : Một thập niên cải cách » - đã ghi điểm tối đa 100 cho sáu nước (Bỉ, Đan Mạch, Latvia, Luxembourg, Pháp và Thụỵ Điển). Cách đây 10 năm, không có quốc gia nào đạt được số điểm tối đa này. Điểm 100 có nghĩa là, xét về các điều kiện pháp lý, người phụ nữ có cùng cơ hội thành công trong nghề nghiệp như nam giới.

Ngân Hàng Thế Giới chấm điểm dựa trên tám tiêu chuẩn : quyền tự do đi lại, cư trú ; quyền có được các điều kiện lao động như nam giới, bao gồm cả vấn đề bạo hành tình dục, quyền về lương bổng, hôn nhân, con cái ; quyền lập và vận hành doanh nghiệp ; về tài sản, thừa kế và cả về hưu trí.

Ngân Hàng Thế Giới ghi nhận tổng cộng 274 cải cách pháp luật tại 131 quốc gia, trong đó có việc có thêm gần 2 tỉ phụ nữ được bảo vệ trước nạn sách nhiễu và bạo hành tình dục tại nơi làm việc, do cải cách luật tại 35 nước.

Khu vực Châu Âu và Trung Á, với điểm số trung bình 84,70, đứng hàng đầu, không kể nhóm các quốc gia phát triển của OCDE. Khu vực Mỹ - Latinh và vùng Vịnh Caribê xếp thứ hai với 79,09 điểm. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đứng thứ ba, với 70,73 điểm. Bắc Phi và Trung Đông được ghi nhận là khu vực chậm tiến nhất, với điểm trung bình 47, 37.

Việt Nam ở hạng 74, với 81,88 điểm. Thứ hạng của một số quốc gia khác : Đài Loan (37), Lào (47), Hàn Quốc (57), Mỹ (65), Philippines (75), Nhật (83), Trung Quốc (100), Cam Bốt và Thái Lan (103).

Trong một phát biểu năm 2018, quyền chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới lưu ý là bình đẳng không chỉ là chuyện công bằng, mà còn mang lại một nguồn lực kinh tế quan trọng. Theo bà, nếu được bình đẳng hoàn toàn với nam giới trong việc làm, phụ nữ sẽ đóng góp thêm 160.000 tỉ đô la cho nền kinh tế thế giới.

Vụ bạo hành làm rung chuyển truyền thông Pháp

Gần một năm rưỡi sau vụ bạo hành tình dục Weinstein tại Hoa Kỳ, làm dấy lên phong trào #Metoo, đến lượt nước Pháp với một vụ bạo hành tinh thần phụ nữ trẻ trên mạng xã hội Facebook, bị phát giác, đang làm rung chuyển giới truyền thông. Theo Le Monde, bên bị cáo buộc là nhiều thành viên của một nhóm khép kín mang tên « Liên Đoàn LOL », gồm khoảng 30 người trong nghề truyền thông.

Sau tiết lộ đầu tiên được đăng tải trên Libération, ngày 08/02, rất nhiều nhân chứng đã lên tiếng, đa số là phụ nữ trẻ. Nhiều nạn nhân mô tả là họ bị tấn công « gần như hàng ngày », với những lời lẽ thô bạo, tục tĩu, khiêu khích, khiêu dâm, gây thương tổn. Những kẻ tấn công nhắm vào mọi biểu hiện của « đối tượng », từ ngoại hình, đến các thông điệp đưa lên mạng của họ…. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là các nhà hoạt động nữ quyền. Các bạo hành kéo dài trong nhiều năm từ đầu những năm 2010, nhưng rất ít ai tố cáo. Vào thời điểm đó, bạo hành trên mạng chưa lọt vào tầm ngắm của tư pháp.

Các hành động bạo hành trên mạng thật muôn hình, muôn vẻ. Đơn cử một số ví dụ. Nữ phóng viên Iris Gaudin, mở tài khoản Twitter từ năm 2010, cho biết 9 năm sau, cô vẫn cảm thấy như một « ác mộng », khi hàng ngày phải nhận hàng « đàn » Tweet vô danh gọi cô là « con điếm », hay bới móc những phần nhạy cảm trong ngoại hình. Blogger nữ quyền Daria Marx thì bị đánh cắp điện thoại đưa lên Leboncoin.fr (một trang bán hàng bình dân ở Pháp) cùng hình ảnh khiêu dâm ghép với gương mặt cô.

"Thói gia trưởng" bị chỉ trích, thấy như mình bị tấn công

Nhóm LOL là ai ? Các thành viên của nhóm « Liên Đoàn LOL » thường tự giới thiệu như một câu lạc bộ của các nhân vật xuất chúng. Một nhà quan sát cho biết đây là địa điểm tập hợp được nhiều các nhân vật xuất sắc nhất của mạng Twitter vào thời điểm đó. Người sáng lập nhóm Vincent Glad, ngay từ năm 2009 đã cho biết trong nhóm hình thành một đẳng cấp. Ai được 500 follower, tức người theo, thì kể như sẽ được có mặt trong thành phần « quý tộc » của nhóm.

Nhóm « Liên Đoàn LOL » trên thực tế là những người thuộc thế hệ đi đầu trong việc sử dụng các mạng xã hội tại Pháp. Theo giáo sư toán Thomas Massias, cũng từng là nạn nhân của nhóm này, thì đa số những kẻ bạo hành « rất có học vấn, thông minh ». Đối với họ, đàn ông nào mà ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền thì không còn đáng mặt nam nhi, chỉ là loại núp váy vợ.

Chỉ một, hai ngày sau khi vụ việc được phát giác, một số thành viên của nhóm đã công khai xin lỗi. Vincent Glad, người chủ xướng Liên Đoàn LOL (sinh năm 1985), thừa nhận đã không ý thức được là những hành động « chuyện giễu cợt bình thường » như vậy lại có thể trở thành « địa ngục » với người khác.

lol_vincent_glad_2012-01-30Phóng viên báo Libération Vincent Glad, người chủ xướng nhóm "Ligue du LOL". Ảnh chụp năm 2012.Wikipedia

Theo cựu phóng viên Libération, vào thời kỳ đó, cái đích chế giễu dễ dàng là những người tranh đấu cho nữ quyền. Vincent Glad hồi tưởng : Khi nghe những lời lẽ lên án « gia trưởng », « văn hóa cưỡng hiếp », « thái độ trịch thượng, hạ cố của đàn ông » (mansplaining)…, anh có cảm giác như chính mình bị tấn công.

Theo Reuters, hôm 4/3 nhật báo Libération cho biết sa thải hai nhà báo tham gia nhóm « Liên Đoàn LOL ». Một tổng biên tập và một phó tổng biên tập tạp chí văn hóa có tiếng Inrocks cũng bị thôi việc. Một số nhà quan sát cho rằng bốn nhà báo nói trên và hiện tượng nhóm Liên Đoàn LOL chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong làng báo.

« Nước đầu tiên » phạt tiền tội kỳ thị giới tính trên đường phố

Cùng với các cải cách bình đẳng giới về kinh tế, chống bạo hành trên các không gian công cộng và trên mạng cũng là ưu tiên của chính phủ Pháp.

schiappa_0Thay đổi trang phục của thành viên chính phủ cũng được coi là một dấu hiệu nữ quyền. Trong ảnh, bộ trưởng Marlène Schiappa, phụ trách Bình đẳng nam nữ, trước cửa phủ tổng thống.RFI/ Pierre René-Worms

Hôm 6/3, sơ kết nửa năm thực thi luật chống bạo hành giới, bộ trưởng phụ trách về Bình đẳng giới Marlène Schiappa cho biết đã có hơn 300 người phải nộp tiền phạt, vì tội nhục mạ mang tính kỳ thị giới trên đường phố. Án phạt là 90 euro, nếu trả ngay, và có thể lên đến 3.000 euro, nếu tái phạm. Theo bộ trưởng Marlène Schiappa, Pháp là « quốc gia đầu tiên trên thế giới » phạt tiền đối với tội nhục mạ mang tính kỳ thị giới trên đường phố.

Trung Quốc : Nữ giới thưa thớt ở thượng đỉnh

Vẫn trong lĩnh vực bình đẳng giới, thông tín viên Stéphane Lagarde đưa chúng ta đến Bắc Kinh, nơi đang diễn ra cuộc họp Quốc Hội thường niên Trung Quốc. Nhà báo RFI ghi nhận thực trạng bất bình đẳng giới hiện rõ trong sinh hoạt chính trị cấp cao tại Trung Quốc.

« Quan tâm đến phụ nữ là chuyện đặc biệt. Ngay lập tức truyền thông chính thức tại Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội. Tại Đại lễ đường Nhân dân nơi diễn ra phiên họp toàn thể của Quốc Hội Trung Quốc, tờ Nhân Dân Nhật Báo ra thứ Sáu này cho biết : ‘‘chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chào và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các nữ đại biểu Quốc Hội, nữ đại biểu Chính Hiệp và các nữ nhân viên của Quốc Hội và Chính Hiệp, cũng như đến phụ nữ thuộc tất cả các nhóm sắc tộc, ở khắp mọi nơi’’.

chine_parliament_femmeDàn lãnh đạo Trung Quốc với com-lê, cà vạt. Trong ảnh, chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc Vương Thần (Wang Chen) chào đoàn chủ tịch trong phiên họp toàn thể, đúng vào ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8/3/2019.REUTERS/Thomas Peter

Việc phụ nữ được đặc biệt quan tâm trong dịp này tương phản với số lượng nam giới trong trang phục com-lê, cà vạt tại Quốc Hội và Chính Hiệp Trung Quốc, tương phản với sự vắng mặt của nữ giới trên thượng đỉnh quyền lực của chế độ cộng sản. Hiến pháp Trung Quốc bảo đảm cho phụ nữ ‘‘quyền bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống’’. Đã có nhiều tiến bộ đạt được về tuổi thọ và việc học hành của phụ nữ, với sự phát triển của đất nước. Và đối với lĩnh vực thương mại điện tử (tăng trưởng 29% hồi năm ngoái), phụ nữ thường được coi là ‘‘những bà hoàng’’, người quyết định chính trong việc mua hàng qua điện thoại di động.

Tuy nhiên, tại nơi làm việc, phụ nữ Trung Quốc vẫn tiếp tục kiếm được ít hơn 1/5 lương so với nam giới, và phải dành nhiều thời gian cho việc gia đình hơn chồng. Cũng có nhiều bất bình đẳng nam nữ trong công việc. Theo số liệu của một văn phòng tuyển dụng trên mạng, được tờ South China Morning Post ở Hồng Kông trích dẫn, thì trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc, chỉ có chưa đầy 20% là phụ nữ ».

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn