Chiếc cặp hạt nhân bất ly thân của Trump

Thứ Năm, 28 Tháng Hai 20199:00 SA(Xem: 4542)
Chiếc cặp hạt nhân bất ly thân của Trump

'Quả bóng hạt nhân' - chiếc cặp bí ẩn luôn đồng hành với tổng thống MỹDù ngồi trên xe riêng, đi trong thang máy hay đáp chuyên cơ Air Force One công du nước ngoài, chiếc cặp hạt nhân không bao giờ nằm ngoài tầm với của Tổng thống Mỹ Trump. Ông Trump sẽ đến Hà Nội để họp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27 - 28/2.

"Chúng tôi cần sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi", Pete Metzger, người nhận trọng trách mang cặp hạt nhân dưới thời cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan, nói. "Khoảng cách giữa thời điểm báo động và thực thi rất ngắn", chưa đầy 15 phút trong trường hợp khẩn cấp, ông Metzger cho biết thêm.

Chiếc cặp này có biệt danh là "quả bóng hạt nhân", xuất phát từ tên một kế hoạch chiến tranh hạt nhân có tên là Dropkick (cú đá bóng bật nẩy). Nó chứa 4 thứ gồm tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống phát sóng khẩn cấp, một cuốn sổ đen có các lựa chọn tấn công, một cuốn sổ có vị trí các điểm ẩn nấp an toàn cho tổng thống và một thẻ có mã xác thực để tổng thống xác nhận danh tính.

Cặp do một trong 5 trợ lý quân sự giữ và người này phải luôn ở gần tổng thống. 5 trợ lý quân sự phải vượt qua bài kiểm tra an ninh đặc biệt có tên gọi "Yankee White". Trợ lý quân sự phải là công dân Mỹ và có lòng trung thành tuyệt đối với đất nước, thân nhân không chịu ảnh hưởng từ nước ngoài.

Khi muốn xác nhận triển khai một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, tổng thống Mỹ sẽ phải dùng đến tấm thẻ xác thực và cần được Bộ trưởng Quốc phòng xác nhận. Bộ trưởng Quốc phòng không được phủ quyết quyết định của tổng thống.

Tổng thống Mỹ nắm quyền kích hoạt khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân, được bố trí tại rất nhiều địa điểm khác nhau trên toàn cầu. Một số nằm sâu dưới các hầm ngầm ở Montana, Bắc Dakota, Wyoming, Nebraska hay Colorado. Số khác đi theo các tàu ngầm hạt nhân Mỹ tuần tra ở Bắc Đại Tây Dương và Tây Thái Bình Dương. Nhiều đầu đạn lại đang trong trạng thái sẵn sàng, chỉ chờ để gắn lên các chiến đấu cơ Mỹ đóng tại Missouri, Bắc Dakota, Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 11/2017, một sự cố liên quan đến chiếc cặp hạt nhân đã xảy ra khi Trump thăm Trung Quốc trong chuyến công du châu Á. Khi phái đoàn Mỹ đến Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, người chịu trách nhiệm cầm cặp bị nhân viên an ninh Trung Quốc chặn lại, không cho vào bên trong, theo Axios.

Chánh văn phòng Nhà Trắng vào thời điểm đó John Kelly yêu cầu các nhân viên Mỹ tiếp tục tiến vào. Một nhân viên an ninh Trung Quốc túm lấy ông Kelly, khiến ông gạt tay anh ta ra. Một mật vụ Mỹ sau đó quật nhân viên an ninh Trung Quốc xuống đất.

Các quan chức Mỹ được yêu cầu giữ im lặng về vụ xô xát. Chiếc cặp hạt nhân không bị người Trung Quốc đụng vào. Quan chức phụ trách an ninh Trung Quốc sau đó xin lỗi vì hiểu lầm.

Richard DeAgazio (phải) và Rick. Ảnh: Twitter.

Richard DeAgazio (phải) và Rick. Ảnh: Twitter.

Tháng 2/2017, vị khách tên Richard DeAgazio có mặt ở câu lạc bộ Mar-a-Lago tại Florida của Trump khi Tổng thống Mỹ họp với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại đây. DeAgazio đăng lên Twitter ảnh chụp với người mà ông cho biết tên là Rick, có trách nhiệm cầm chiếc cặp.

Bức ảnh này đã gây xôn xao trên truyền thông. Giới phân tích nhận xét việc người cầm cặp đồng ý chụp ảnh với dân thường là điều lạ lùng, mặc dù không rõ anh này có biết hình ảnh sẽ được đăng lên mạng xã hội hay không.

Nhiều người chỉ trích, cho rằng hành động của sĩ quan có thể ảnh hưởng đến vấn đề an ninh. Một quan chức nói rằng bức ảnh không vi phạm quy định của Lầu Năm Góc nhưng khiến họ rơi vào tình huống khó xử.

Stephen Schwartz, tác giả một cuốn sách hạt nhân, nhận xét việc chụp ảnh không phải là vấn đề quá nghiêm trọng nhưng ông chỉ trích DeAgazio có "hành động không phù hợp khi khoe khoang trên Facebook".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn